Rớt mốc 1.500 điểm, chứng khoán tuần tới “nín thở” trước biến chủng mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - VN-Index đánh mất mốc 1.500 điểm trong phiên cuối tuần, không nằm ngoài xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu trước lo ngại biến chủng mới. Dù đang nghỉ cuối tuần, nhưng giới đầu tư trong nước vẫn "sôi sục"  sốt ruột trước tin tức bất lợi về dịch bệnh, diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới.

Kết tuần 22-26/11, VN-Index đóng cửa với với 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, có thêm 40,68 điểm tương đương 2,8% đóng cửa tại 1.493,03 điểm. Trong tuần VN-Index tạo đỉnh mới vào ngày thứ 5, ở mốc 1.500,81 điểm.

Theo số liệu từ FiinGroup, tỉ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, giảm ở nhóm thép, bất động sản. Nhà đầu tư Cá nhân tiếp tục mua ròng, Tự doanh chuyển mua ròng, Tổ chức trong và ngoài nước bán ròng. Khối ngoại bán ròng 3.300 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào VPB, HPG, HCM, SSI, VND. Trong nhóm bán ròng, VPB là cổ phiếu khóa room ngoại ở mức 15% nên các nhà đầu tư nước ngoài cần bán ra. Các cổ phiếu chứng khoán SSI, VND có kế hoạch tiếp tục tăng vốn.

Trong khi đó, cá nhân trong nước mạnh tay mua ròng HPG với giá trị 717,1 tỷ đồng. So với đỉnh cũ hồi cuối tháng 10, chỉ trong 1 tháng, thị giá HPG giảm hơn 15%, hiện giao dịch giá 49.050 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá HPG bốc hơi 40.000 tỷ đồng.

Nhóm ngành tăng đáng chú ý nhất trong tuần là Ngân hàng, với kỳ vọng room tín dụng của Ngân hàng thương mại được nới rộng. Các cổ phiếu Ngân hàng tăng mạnh nhất trong tuần là VIB, OCB, MSB, SSB, STB, ABB tất cả đều tăng trên 10%.Trong tuần duy nhất PGB điều chỉnh giảm 1,14% sau khi tăng mạnh tuần trước đó.Tính từ đầu năm NVB, VPB, LPB, PGB, VIB là các ngân hàng tăng mạnh nhất tăng từ 94% đến 196%.

Đáng chú ý, tuần qua VN30 lấy lại vị thế dẫn dắt, tỷ trọng giá trị giao dịch trung bình tăng đáng kể.

Những lần chứng khoán chao đảo vì dịch bệnh

Trước lần xuất hiện biến chủng mới Omicron, biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (tháng 7/2021) cũng từng khiến thị trường trong nước lao đao. Khi ấy, VN-Index giảm 98 điểm (6,96%) chỉ trong 1 tháng, vốn hoá thị trường, giảm 369.317 tỷ đồng (5,4%) xuống đạt 6,47 triệu tỷ đồng tương đương so với cuối tháng 6. Các ngành như dầu khí, ngân hàng và thép là 3 nhóm cổ phiếu có diễn biến giá tiêu cực nhất trong tháng 7, với mức giảm đều mạnh hơn tốc độ điều chỉnh của VN Index.

Năm 2020, COVID-19 lần đầu tác động đến thị trường, VN-Index từng xuống mốc 659,21 điểm. Đến nay, chỉ số đã tăng 833,83 điểm.

Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán MBS, phiên cuối tuần, VN-Index giảm điểm do ảnh hưởng từ thị trường thế giới do lo ngại biến chủng COVID-19 mới. Tuy vậy, mức giảm phiên này nhẹ hơn so với các thị trường trong khu vực, cũng như các thị trường lớn trên thế giới, cho thấy tâm lý nhà đầu tư không bị hoảng loạn.

Nếu không do thông tin từ biến chủng COVID-19 mới thì việc thị trường giảm trong phiên cuối tuần cũng tương đối bình thường sau phiên vượt đỉnh 1.500 điểm. Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, bất động sản, hay các cổ phiếu lớn như VIC, VNM,... đã nỗ lực ngăn không cho thị trường có phiên giảm sâu bất chấp áp lực bán ròng khá lớn từ khối ngoại. Bên cạnh đó, tín hiệu khả quan từ nhóm smallcap cho thấy khả năng cao là dòng tiền sẽ tiếp tục ở lại nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ.

Còn nhóm phân tích của CTCK VCBS nhận định, VN-Index đã chính thức bước vào xu hướng tăng ngắn hạn, tuy nhiên chủ yếu là nhờ lực kéo của các cổ phiếu ngành ngân hàng và đà tăng chưa có sự lan tỏa rộng trên thị trường chung.

Nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể cũng như không nên nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ với tỷ trọng cao để tránh rủi ro trong trường hợp chỉ số bất ngờ điều chỉnh giảm với thanh khoản đột biến nhằm kiểm tra lại vùng 1.500 điểm.

Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý 4/2021 cũng như năm 2022.

Chứng khoán thế giới lao dốc

Thị trường chứng khoán châu Âu, châu Á và Mỹ đã chứng kiến ngày giao dịch cuối tuần "đỏ lửa", sau sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Giá dầu cũng giảm kỷ lục xuống dưới 70 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 905,04 điểm, tương đương 2,53% - mức giảm tồi tệ nhất trong năm, đóng cửa ở mức 34.899,34.

S&P 500 mất 2,27% đóng cửa ở mức 4.594,62, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,23% xuống 15.491,66.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chỉ số Hang Seng (Hong Kong), Nikkei 225 (Nhật Bản), Kospi (Hàn Quốc), S&P/ ASX 200 (Úc)… đồng loạt giảm.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.