Theo thống kê, có rất nhiều người đã tìm tới khu rừng Aokigahara để tự sát. Kể từ năm 1974, cơ quan chức năng ghi nhận 74 vụ tự tử trong khu rừng này. Con số người tự sát tăng lên 78 người vào năm 2002 và 100 người vào năm 2003.
Kể từ sau năm 2003, chính quyền tạm dừng công bố con số các vụ tự sát tại rừng Aokigahara để tránh sự tò mò, hiếu kỳ của người dân. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã dựng rào chắn và tăng cường kiểm soát để đề phòng những trường hợp vào rừng tự sát.
Tuy nhiên, theo báo chí địa phương, những năm gần đây, vẫn có rất nhiều người chán đời "lẻn" vào rừng để quyên sinh. Thậm chí, có những trường hợp còn rủ cả nhóm vào khu rừng này để tự sát tập thể.
Thảm thực vật xanh mướt trong khu rừng "Tự Sát".
Một chiếc áo vest...
...cùng nhiều tư trang cá nhân được tìm thấy
Vì sao rừng Aokigahara lại thu hút nhiều người tự sát đến vậy? Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác.
Theo truyền thuyết từ thế kỷ 19, người dân sống tại bìa rừng Aokigahara thường bỏ rơi những người già, người bệnh tật, tàn tật trong rừng vào những năm mất mùa để giảm gánh nặng cho gia đình.
Sau đó, vào năm 1960, tác giả Seicho Matsumoto cho ra mắt cuốn tiểu thuyết "Cây biển đen" với kết thúc là một cặp đôi yêu nhau tự sát trong rừng Aokigahara. Cùng năm đó, một cuốn tiểu thuyết kinh dị về rừng Aokigahara cũng được xuất bản, sau đó, được chuyển thể thành một bộ phim "rợn tóc gáy."
Có lẽ vì ảnh hưởng bởi những sự kiện kể trên, khu rừng có thảm thực vật phong phú Aokigahara trở thành điểm lý tưởng để những người chán sống nói lời từ biệt cõi đời.