Robot của Hải quân tìm kiếm ngư dân mất tích có thể lặn sâu bao nhiêu?

Robot của Hải quân tìm kiếm ngư dân mất tích có thể lặn sâu bao nhiêu?
TPO - Lãnh đạo Cục Cứu hộ cứu nạn cho biết thời gian tìm kiếm sẽ rút ngắn nếu xác định ngay được vị trí tàu chìm, nếu chưa xác định được vị trí tàu chìm thì thời gian sẽ còn kéo dài.

Liên quan tới việc Bộ Quốc phòng điều động lực lượng thợ lặn và robot của Hải quân ra vùng biển Hải Phòng tìm kiếm 9 ngư dân mất tích của tàu cá Nghệ An số hiệu NA 95899 TS bị tàu Pacific 01 đâm chìm vào ngày 28/6, dự kiến, sáng 10/7, công tác tìm kiếm sẽ bắt đầu được triển khai.

Chiều 8/7, trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, hiện nay việc tìm kiếm các ngư dân mất tích dưới biển và vị trí tàu chìm chỉ có lực lượng của Hải quân mới đảm nhiệm được. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng huy động các tàu cá để tham gia tìm kiếm các nạn nhân trôi dạt trên biển.

Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, theo kế hoạch hành quân, 6 giờ sáng ngày 10/7, lực lượng thợ lặn và robot Hải quân mới di chuyển tới khu vực xảy ra vụ tai nạn. Nếu điều kiện thuận lợi thì tối ngày mai (9/7), lực lượng này cũng mới ra tới nơi và làm công tác chuẩn bị. 

Khẳng định lực lượng Hải quân sẽ tìm kiếm với nỗ lực và tinh thần cao nhất, Thiếu tướng Tiến cho biết thời gian tìm kiếm sẽ rút ngắn nếu xác định ngay được vị trí tàu chìm, nếu chưa xác định được vị trí tàu chìm thì thời gian sẽ còn kéo dài. 

 Theo một lãnh đạo Phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân), lực lượng của Hải quân trực tiếp tham gia tìm kiếm khoảng vài chục người gồm các nhóm chỉ huy lập kế hoạch, nhóm điều khiển và nhóm vận hành… Theo vị này, thiết bị robot của Hải quân được trang bị các tính năng để có thể lặn sâu khoảng 2.500m nên khu vực tàu cá bị chìm hoàn toàn trong tầm hoạt động của robot.

 “Mấy ngày vừa qua, do công ty sở hữu tàu Pacific gây ra vụ đâm va liên hệ với một số đơn vị dân sự không có năng lực nên gây khó khăn cho việc xử trí của các cấp nên Bộ Giao thông vận tải đã liên hệ với Bộ Quốc phòng đề nghị hỗ trợ tìm kiếm”, vị này nói nói. 

 Như Tiền Phong đã thông tin, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị hỗ trợ thiết bị chuyên dùng tìm kiếm các ngư dân tàu cá Nghệ An mất tích trên biển Hải Phòng, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận điều động robot lặn của lực lượng Hải quân từ Vũng Tàu ra tham gia tìm kiếm cứu nạn. Robot lặn sẽ tới hiện trường và lặn tìm ngư dân còn mất tích bên trong tàu chìm.

 Trước đó, sau khi bão số 2 đi qua, lực lượng tìm kiếm đã huy động thêm nhân lực, tàu, thuyền và mở rộng khu vực rà soát để tìm 9 ngư dân còn mất tích. Đồng thời, thợ lặn cũng lặn sâu 50m, nhưng chưa tiếp cận được tàu chìm, vì khu vực biển này sâu trên 60m. Đặc biệt, thời tiết tại vùng biển này những ngày sau bão vẫn tiếp tục gió mạnh, sóng cao, biển động.

 Bộ GTVT cũng chấp thuận đề nghị của địa phương khi cử một cán bộ Sở GTVT Nghệ An, và một thuyền viên vừa được cứu sống của tàu cá tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 28/6, tàu Pacific 01 đã va chạm vào tàu cá NA 95899 TS (trên tàu có 19 thuyền viên), cách đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng khoảng 34 hải lý về hướng Nam. Ngay sau đó, lực lượng cứu nạn đã cứu được 9 thuyền viên và tìm thấy một thi thể. Dù vậy, vẫn còn 9 thuyền viên mất tích.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.