Có một câu danh ngôn nổi tiếng về tình yêu của nhà văn Nga Mikhail Lermontov như sau: "Anh chỉ mang đến cho em toàn là đau khổ. Có lẽ vì vậy mà em yêu anh. Bởi vì niềm vui thì dễ quên, còn đau khổ thì không bao giờ". Trong thế giới bóng đá, có một con người là chứng nhân của thứ tình yêu ấy. Một tình yêu hạnh phúc xen lẫn đau khổ. Tên anh là Roberto Baggio.
Khi Baggio ra mắt thế giới bóng đá, có rất nhiều người đã ngẩn ngơ trước chàng trai có đôi mắt ưu tư này. Vào cái giai đoạn những ngôi sao nhạc rock đẹp trai phóng túng đang là thần tượng của các cô gái, một Baggio của mái tóc xoăn dài, mang trên mình vẻ đẹp điện ảnh và lãng mạn Địa Trung Hải bỗng chốc hiện ra trên sân cỏ khô cằn của đất nước hình chiếc ủng. Anh tung hoành khắp chốn của thời tang bồng tuổi trẻ bằng các bước chạy thanh thoát, những cú rabona hay trivela đầy kỹ thuật như một người nghệ sĩ Brazil, và những bàn thắng đầy ngẫu hứng.
Giữa một thế giới Serie A đề cao sự thực dụng, khắc khổ và tôn vinh các hậu vệ, Baggio là một ngoại lệ hiếm hoi về cái đẹp, sự lãng mạn đến bay bổng, phóng túng.
Trong các cầu thủ Italy từ cổ chí kim, có lẽ, không ai sánh bằng Baggio trong việc tạo ra cơn sốt phấn khích cho người hâm mộ. Qua các màu áo Fiorentina, Juventus hay đội tuyển Italy, anh đều có những pha solo qua hai-ba cầu thủ để ghi bàn. Nơi đôi chân Baggio, những bàn thắng đến từ các pha đá phạt hàng rào mẫu mực. Và cũng là Baggio, trong màu áo Brescia ở những năm tháng cuối sự nghiệp, đã ghi được một bàn thắng từ… cú đá phạt góc. Baggio vẽ nên những đường chuyền, khắc ra những bàn thắng. Anh tỏa sáng ở Fiorentina, anh gây điên đảo ở Juventus, giành Quả bóng vàng Châu Âu năm 1993, và là linh hồn của tuyển Italy trong màu áo thiên thanh. Anh là cả một hiện tượng.
Nhìn anh thi đấu, "thánh" Johan Cruyff phải thốt lên: "Baggio là một pháp sư. Một trong những thi sĩ cuối cùng còn lang thang trên sân cỏ. Cậu ấy là sự phản bác hay nhất cho những ai nghĩ rằng bóng đá Italy chỉ sinh ra những hậu vệ vĩ đại. Baggio chính là cầu thủ phóng túng nhất thế giới".
Nhưng bóng đá giống như cuộc sống, mộng đẹp vốn không dài, và cái đẹp của Baggio thì dễ vỡ. Khi cùng nhau nhìn lại lịch sử các giải đấu lớn trên thế giới, không hiếm các trường hợp ta được thấy những cầu thủ thiên tài một mình kéo cả đội bóng đi đến trận chung kết. Chẳng hạn như Diego Maradona ở World Cup 1990, Zinedine Zidane tại World Cup 2006, hay Andrea Pirlo ở Euro 2012. Mẫu số chung của những con người thiên tài nhưng cô đơn đó đều là nước mắt. Và Baggio ở World Cup 1994 cũng thế.
Cú sút hỏng luân lưu khiến Italy thất bại ở chung kết World Cup 1994 là sự khởi đầu cho những nỗi đoạn trường, bi ai mà một thiên tài như Baggio không đáng phải chịu.
Hiện tượng Nigeria ở vòng 1/8, Tây Ban Nha cực mạnh ở tứ kết, hay Bulgaria xuất sắc ở bán kết đều là bại tướng của Italy, vì năm bàn thắng mà Baggio ghi được. Tài năng siêu quần của Baggio chinh phục trái tim người hâm mộ, đưa Italy vào chung kết gặp Brazil. Tại đó, cú sút phạt đền hỏng quyết định của anh, hình ảnh đổ gục trong cô đơn đó không chỉ khiến đất nước Italy đổ lệ, mà còn gián tiếp lấy luôn trái tim của những người cổ động viên bóng đá khác. Có câu nói: "Chỉ có những kẻ dũng khí dám đá phạt đền mới có khả năng đá hỏng chúng." Kể từ hôm ấy, Baggio mãi mãi được yêu quý và cầu nguyện.
Mùa hè nghiệt ngã trên đất Mỹ năm 1994 chỉ là khởi đầu của những đoạn trường trắc trở sau đó của "con người nổi tiếng chỉ sau Giáo Hoàng". Một năm sau, chấn thương đẩy anh xa sân cỏ, Juventus nhìn thấy Alessandro Del Piero và họ nghĩ không cần anh nữa. Baggio rời xa những năm tháng đẹp nhất sự nghiệp để đi vào con đường chông gai. Anh chỉ ở Milan hai mùa giải trước khi bị đẩy qua Bologna. Ngày hôm ấy, không ai ở Italy quên được câu nói của Tabarez, HLV Milan: “Trong bóng đá hiện đại làm gì có chỗ cho các nhà thơ”.
Baggio và gia đình nhỏ.
Nhưng nhà thơ ấy còn là chiến binh, Baggio ghi 22 bàn sau 30 trận đấu cho Bologna, được Inter đem về và được gọi đến World Cup 1998. Tại giải đấu mà bốn năm trước đã làm anh đổ sụp trên chấm phạt đền, anh ghi bàn trên chấm 11 mét, sút thành công loạt sút luân lưu trước Pháp. Nhưng Italy vẫn bại trận, giống như điểm tô thêm bi kịch của con người lãng mạn bi ca này.
Nửa thập kỷ sau đó, cho đến ngày anh giã từ sân cỏ, các tifosi gọi tên Baggio như nức nở, bởi quá mong mỏi được thấy anh khoác áo tuyển Italy. Ở CLB nhỏ bé Brescia cho đến ngày cuối sự nghiệp, Baggio vẫn là hoàng đế của các tifosi. Ngày anh ghi bàn thắng thứ 200 tại Serie A, tất cả cùng mừng với anh. Ngày 16/5/2004 anh nói lời chia tay sân cỏ, rất nhiều người đã lén lau những giọt lệ. Ngày cuối cùng Baggio trong màu áo thiên thanh, với mái tóc đuôi ngựa đã thành thần thoại, với bộ râu bá tước và các pha chạm bóng tinh tế. Trên khán đài, một biểu ngữ được giăng ra: "Không còn Baggio trên thế giới này, bóng đá không đáng một xu".
Một phần hồn của Serie A đã chết đi kể từ ngày Baggio quay lưng, rời xa sân cỏ.
Hôm nay, sinh nhật thứ 49 của Baggio. Tên tuổi và những hoài niệm về anh vẫn được nhắc đến, nhưng anh không xuất hiện nữa. Cuộc đời anh từ ngày giã từ là một ẩn sĩ. Với Baggio, bóng đá là sự nghiệp, và cũng là một trong vạn pháp, nó cũng rất "Vô Thường”. Anh rời xa phù hoa, rời xa cả vinh quang và niềm đau. Điều duy nhất anh để lại chỉ là ... một tình yêu bất tử nơi các tifosi.