Dễ dàng tạo số điện thoại giả mạo của tổ chức, cá nhân
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2020 đến nay, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận gần 1.000 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện... để chiếm đoạt tài sản tăng mạnh.
Tuy nhiên, hiện trên không gian mạng, nhiều website có tiền miền từ Việt Nam lại đăng tải nội dung, tạo ra các số điện ảo. Đáng chú ý, các trang web này hướng dẫn khá chi tiết, giúp người dùng sở hữu số điện thoại ảo chưa đầy một “nốt nhạc”.
Trên trang web "thegioididong" hướng dẫn chi tiết cách tạo lập số điện thoại ảo |
Truy cập vào các website đăng ký tên miền ở Việt Nam như: cooftech.com, thegioididong.com, hanoicomputer.com, tip.com.vn, thuthuat.taimienphi.vn…người dùng sẽ thấy bài viết hướng dẫn chi tiết các bước để tạo cho người dùng số điện thoại ảo.
Theo hướng dẫn của các trang web này, người dùng chỉ cần truy cập “Textnow..."; nhấn vào nút “Signup free” để đăng ký tài khoản, tiếp đó là điền thông tin cá nhân theo hướng dẫn thông qua tài khoản facebook/gmail.
Khi đã đăng ký thành công, người dùng nhập mã quốc gia +84 và nhấn “Continue”. Với số điện thoại ảo này người dùng có thể tạo lập mã vùng cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ và Canada…Cuối cùng nhấp vào ô “Tôi không phải là người máy” là hoàn thiện số điện thoại ảo.
Sau khi có số điện thoại ảo chỉ với vài thao thác nêu trên, người dùng có thể trực tiếp gọi điện từ số thoại ảo này và thiết lập được các tài khoản mạng xã hội facebook, zalo…
Chuyên gia pháp luật đánh giá, những website này đang có dấu hiệu "vẽ đường" cho các đối tượng lừa đảo hoặc lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp luật khác.
Dấu hiệu tiếp tay?
Chia sẻ với Tiền Phong, kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Huy Hoàng, Công ty CP Đức Phát AZ cho biết, Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng mạng viễn thông di động lớn nhất thế giới với tổng số hơn 120 triệu thuê bao. Tuy nhiên, trong số đó, không ít thuê bao sử dụng sim không chính chủ, sim rác, đặc biệt hiện nay xuất hiện thêm sim ảo được tạo lập trên không gian mạng.
“Các đối tượng sử dụng sim rác, số ảo…trên không gian mạng đã khiến nhiều “con mồi” sập bẫy, khiến cơ quan chức năng nhức nhối”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng phân tích, chiêu thức của các đối tượng chủ yếu đánh vào lòng tham, bịa ra những câu chuyện, kịch bản “rắc thính” như, các đối tượng đang ở đất nước thịnh vượng, giàu có, muốn chuyển tiền làm từ thiện, đầu tư dự án, nhà đất…Sau đó, những đối tượng này thường xuyên gọi điện, nhắn tin, chia sẻ để tạo niềm tin, gần gũi và xin thông tin cá nhân để chuyển quà, chuyển tiền giá trị lớn.
Được biết, ngoài việc, sử dụng số điện thoại ảo, tài khoản mạng xã hội ảo FB, Zalo, Viber… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng còn sử dụng những công cụ này để giao dịch, mua bán giấy tờ giả như, sổ đỏ, giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ…
Hầu hết các thủ đoạn các đối tượng đưa ra, đều là chuyển quà có giá trị lớn, nên người muốn nhận quà phải chuyển cho chúng một số tiền gọi là phí vận chuyển. Điều này khiến không ít người sập bẫy, âm thầm chuyển nhiều tỷ cho chúng.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền theo yêu cầu, chúng lập tức cắt liên lạc. Lúc này bị hại mới tỉnh thức, tố cáo tới cơ quan chức năng, có trường hợp vì xấu hổ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, anh Hoàng nói.
Anh Nguyễn Huy Hoàng dẫn chứng trường hợp của chị L. ở Biên Hoà, bị mất số tiền lên đến hơn 13 tỷ đồng sau khi làm quen trên Facebook với một số đối tượng tự xưng người ngoại quốc. Tháng 4/2020, những người kẻ "ngoại quốc" đã yêu cầu chị L. (ở Biên Hoà, Đồng Nai) chuyển số tiền trên để thực hiện dự án tại nước ngoài và hứa sẽ trả lại tiền cùng lãi suất cao. Sau khi chuyển tiền xong, chị L. không thể liên hệ với các đối tượng…
Từ đơn thư tố cáo của các bị hại, Công an tỉnh Đồng Nai xác định, bà Nguyễn Thị Hương (Bình Dương) là một “mắt xích” trong đường dây lừa đảo. Sau khi lập tài khoản, bà Hương đã cho các đối tượng mượn để dùng vào việc nhận tiền từ các nạn nhân để lấy tiền hoa hồng. Từ bà Hương, cơ quan công an lần lượt bắt giữ 5 đối tượng, có cả người nước ngoài để phục vụ công tác điều tra.
Tháng 5/2021, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ Trần Văn Lâm (ở Hà Nam) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan công an xác định, Lâm lập Fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”...để chiếm đoạt tiền của nhà hảo tâm.
Luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, soi chiếu theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP hướng dẫn và quy định một số điều của Luật Viễn Thông có thể thấy, việc tạo lập số điện thoại ảo trên mạng đang vi phạm rất nghiêm trọng các quy định pháp luật Việt Nam.
"Trong trường hợp này, cả nhà cung cấp dịch vụ tạo số điện thoại ảo và người sử dụng dịch vụ này đều đã vi phạm pháp luật. Bởi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông buộc phải đăng kí với bộ TTTT để được cấp phép cung cấp các dịch vụ viễn thông" - ông Phan Anh nói.
Nhằm ngăn chặn phiền toái và dấu hiệu lừa đảo, ngày 21/5, Cục A05 phối hợp với Công an TP Hà Nội, TP HCM và Hải Dương tạm giữ, gồm 9 hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn rác trên không gian mạng với tổng cộng 384 cổng kết nối SIM, 20 điện thoại thông minh, 180 điện thoại phát tán tin nhắn, trên 7.100 SIM điện thoại, 4 máy tính để bàn, 3 máy tính xách tay.