Huấn luyện thực hành đường dài biển trên tàu buồm 286 Lê Quý Đôn. Ảnh: Hoàng Hà
Tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn là phương tiện huấn luyện hiện đại của Học viện Hải quân. Những đặc tính vượt trội của con tàu này và yêu cầu đối với thủy thủ khi huấn luyện trên đó là gì, thưa đại tá?
Tàu buồm 286 mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn là phương tiện huấn luyện xa bờ hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam hiện nay, được đóng tại Cộng hòa Ba Lan. Tàu có chiều dài 67m, rộng 10m, lượng giãn nước 857 tấn, được trang bị hệ thống điện tử, hệ thống hàng hải, hệ thống động lực rất hiện đại, là một trong những tàu buồm hiện đại nhất của thế giới hiện nay.
Tàu có khả năng hoạt động được trong nhiều điều kiện thời tiết phức tạp, được thiết kế với 3 cột buồm cao hơn 41m và 21 cánh buồm với tổng diện tích 1.400m2. Để điều khiển những cánh buồm này, đòi hỏi thủy thủ phải rất thành thạo việc sử dụng 180 dây buồm các loại và có khả năng hoạt động trên độ cao 41,5m. Quá trình thao tác hoàn toàn bằng sức người. Thủy thủ đoàn còn phải thông thạo ngoại ngữ để tham gia huấn luyện với người nước ngoài và giao lưu với Hải quân các nước trong khu vực.
Công tác huấn luyện làm chủ của kíp tàu buồm Lê Quý Đôn từ những ngày đầu diễn ra như thế nào?
Huấn luyện làm chủ của kíp tàu buồm, chúng tôi đã lựa chọn 10 giảng viên và 30 thủy thủ từ Học viện Hải quân và các đơn vị trong Quân chủng Hải quân về Nha Trang. Họ vừa học ngoại ngữ, đồng thời thực hành huấn luyện trên cột mà chúng tôi chế tạo ra, làm quen với độ cao, sau đó mới di chuyển sang Ba Lan tiếp tục huấn luyện khai thác làm chủ và đưa tàu từ Ba Lan về Nha Trang vào đầu năm 2016. Để làm được việc đó, 40 cán bộ, giảng viên đã phải tích cực làm việc hơn một năm. Khi về nước, chúng tôi tiếp tục huấn luyện để khai thác các trang bị vũ khí, hệ thống động lực hiện đại trên tàu, huấn luyện khai thác sử dụng buồm.
Để khai thác sử dụng buồm, đầu tiên phải huấn luyện trên xuồng buồm là một tàu buồm thu nhỏ, trên tàu có hai xuồng buồm như thế. Sau khi quen rồi mới huấn luyện thực tiễn điều khiển con tàu bằng buồm theo từng cấp độ một. Đến nay, kíp thủy thủ tàu buồm đã hoàn toàn làm chủ con tàu mà bằng chứng là ba chuyến đi biển đường dài an toàn tuyệt đối, thể hiện khả năng làm chủ khí tài.
Trong huấn luyện đường dài, các học viên sĩ quan cấp phân đội bậc đại học đã được nâng cao khả năng về mọi mặt ra sao?
Về huấn luyện thực hành trên biển cho học viên sĩ quan cấp phân đội bậc đại học, từ năm 2017 đến nay, thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tàu buồm 286 Lê Quý Đôn đã chở 3 đoàn cán bộ và học viên đi huấn luyện đường dài, kết hợp thăm và giao lưu với Hải quân các nước trong khu vực.
“Chuyến đi vừa rồi có 117 thành viên, trong đó có gần 60 học viên tiêu biểu. Để được tham gia các chuyến huấn luyện đi biển đường dài, kết hợp giao lưu thăm các nước bạn, học viên năm cuối phải đạt được ba tiêu chí là rèn luyện tốt, kết quả học tập khá trở lên, có khả năng ngoại ngữ ở tốp đầu”.
Cụ thể là thăm Philippines và Brunei năm 2017, tới Campuchia và Thái Lan năm 2018. Tháng 4 năm nay, tàu đã thực hành huấn luyện đi biển đường dài cho học viên sĩ quan năm cuối khóa 59, kết hợp với thăm và giao lưu với Hải quân Singapore và Indonesia, với 34 ngày hành trình vượt trên 2.600 hải lý.
Qua các chuyến đi, đã nâng cao khả năng chỉ huy hiệp đồng, thao tác sử dụng vũ khí trang bị trên tàu, trinh sát nắm tình hình trên biển, xử lí các tình huống trên các vùng biển quốc tế, thực hành các nguyên tắc chào nhau giữa các tàu của hải quân các nước gặp nhau trên biển, bộ quy tắc ứng xử khi gặp nhau bất ngờ trên biển… Suốt quá trình huấn luyện thực hành, học viên được học về tất cả các ngành: Hàng hải, Cơ điện, Thông tin ra đa, Vũ khí...
Các chuyến đi của cán bộ, học viên Học viện Hải quân đã để lại những ấn tượng như thế nào đối với bạn bè các nước, thưa đại tá?
Ở Đông Nam Á, hiện nay chỉ có hai nước có tàu buồm. Trong mỗi chuyến thăm, giao lưu, chúng tôi đều mời các bạn lên tàu, thao tác để họ tham quan và giới thiệu với họ về những chuyến đi trước. Qua đó, Hải quân các nước thấy được khả năng khai thác, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại rất tốt của sĩ quan Hải quân Việt Nam. Đồng thời thấy được khả năng ngoại ngữ của chúng ta có thể hoàn toàn hội nhập với các bạn trong mọi hoạt động, từ giao tiếp, giao lưu văn hóa văn nghệ, nhảy các điệu vũ hiện đại, hát các bài hát truyền thống của nước bạn. Nói chung là các bạn rất ấn tượng về Hải quân Việt Nam.
Cảm ơn đại tá!