Thậm chí, một số dự án chính sách giá lên tới hơn 10 triệu/m2 thì người dân vẫn không thể đủ khả năng thanh toán.
Nghịch lý thừa - thiếu
Theo ông Arsh Chaudhry - GĐ điều hành khu vực Đông Nam Á, Cty BĐS Mỹ Cushman&Wakefield, ở các nước trên thế giới, giá căn hộ chỉ gấp 7 lần thu nhập của người dân nhưng ở Việt Nam con số này cao hơn tới 26 lần. Chẳng hạn, ở các nước, với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm đã có thể mua căn hộ 1,4 tỉ đồng trong vòng 7 năm. Còn ở Việt Nam, thu nhập phải tăng gấp 26 lần, người ta mới có thể mua được nhà.
Anh Đào Văn Hải - một cán bộ NH Quân đội (MB), suốt mấy tháng ròng đi tìm mua một căn hộ dưới 1,5 tỉ. Được bạn bè giới thiệu một căn hộ ở KĐT Văn Khê đã hoàn thiện và có thể về ở ngay. Khi thực tế liên hệ với chủ, những căn hộ này có giá từ 22 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ có diện tích từ 85 - 145m2, tổng số tiền phải thanh toán lên tới từ 1,7 tỉ đồng đến hơn 3 tỉ đồng. Như vậy, anh Hải vẫn không thể tiếp cận được sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Luận - công tác tại một DN vàng bạc đá quý khá nổi tiếng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), nhờ bạn bè mai mối tìm một căn trên dưới 1 tỉ đồng. Một người bạn của chị trước đây có văn phòng môi giới nhà đất thành thật nói với chị rằng, với số tiền đó, chị Luận không thể mua được những khu vực quận, huyện gần nội thành, mà phải chịu khó ra tận Hoài Đức (cách trung tâm Hà Nội gần 20km) và hiện tại vẫn chưa thể nhận được nhà ngay.
Không chỉ anh Hải, chị Luận mà nhiều công chức khác trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, không đủ tiền để tiếp cận với các căn hộ đang rao bán giảm giá, trong khi đó các dự án tính thanh khoản hầu như rất thấp. Đã xảy ra một nghịch lý thừa căn hộ để bán tại các dự án và thiếu căn hộ để ở cho những người có nhu cầu thực.
Hạ giá thành?
Có hai cách hạ giá thành như ông Bùi Thiện Cảnh - TGĐ FPT City Đà Nẵng phân tích: Một là giảm diện tích; hai là giảm chất lượng. Và giảm diện tích căn hộ đang được rất nhiều người có thu nhập trung bình đón đợi. Hạ diện tích căn hộ không phải là điều mới được đưa ra bình luận gần đây. Trong nước, đã được một số DN đề xuất. Ở nước ngoài, các căn hộ diện tích nhỏ từ 20m2 đã phổ biến và không phải là vấn đề cần bàn từ rất lâu nay.
Từ năm 2011, Cty địa ốc Đất Lành đã giới thiệu căn hộ mẫu loại 40m2 dành cho 2 người và 20m2 dành cho 1 người. Theo tính toán của DN, với giá 300 triệu đồng/1 căn hộ, người mua chỉ phải góp 2-4 triệu đồng/tháng để mua nhà. Còn CTCP đô thị FPT Đà Nẵng thì cho ra đời căn hộ FPT Smart Nano Flat diện tích 50m2 có giá chưa tới 700 triệu đồng tại Đà Nẵng. Điểm đặc biệt, nếu nhu cầu không ở hết, người mua có thể mua chung căn hộ, sau đó chia đôi với mức giá chỉ khoảng 340 triệu đồng cho 25m2 khép kín, độc lập. Ngược lại, nếu cần ở rộng hơn, người mua có thể mua thêm 1-2 căn 25m2 nữa mà không cần phải thiết kế lại...
Diện tích nhỏ kéo theo giá thành giảm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo loại căn hộ nhỏ chưa phù hợp với quy định trong Luật Nhà ở và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Mặc dù vậy, loại căn hộ chung cư diện tích nhỏ đã tồn tại một cách tự phát từ nhiều năm qua. Đó là hiện tượng hai hay nhiều người cùng góp tiền mua căn hộ chung cư, khi nhận nhà họ tự ý chia đôi hoặc chia đều diện tích để sử dụng. Hiện tượng này luật không cấm và nhu cầu xã hội là rất lớn. Nếu không cho doanh nghiệp xây, căn hộ diện tích nhỏ vẫn tiếp tục xuất hiện.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng - cho rằng, xây căn hộ nhỏ là để giảm giá thành và thích hợp với túi tiền của người mua, giá rẻ thì việc đầu tiên phải là diện tích nhỏ. Như vậy, nhu cầu có nhà ở của người dân là những công chức, viên chức hoặc thu nhập trung bình là rất lớn. Tuy nhiên, Luật Nhà ở và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành đã vô hình trung tạo một hàng rào khiến những đối tượng trên rất khó tiếp cận sản phẩm hợp lý. Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ thông qua, mong rằng việc quy định lại diện tích nhà ở thương mại, trong một giới hạn cho phép tại các dự án sẽ giúp người dân được sở hữu nhà ở và cũng góp phần xây dựng chiến lược nhà ở quốc gia thành công.
Theo Minh Trang
Lao động