Nhìn nhận về hoạt động bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan trong những năm qua, nhiều chuyên gia dự Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học được tổ chức ngày 18/10 tại TP Hà Nội khẳng định, hoạt động này luôn được quan tâm, đặc biệt là việc quản lý thông qua pháp luật. Tuy nhiên, tồn tại nhiều vướng mắc ở Luật Sở hữu trí tuệ gây khó khăn trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Đó là việc quy định chưa rạch ròi giữa sao chép và trích dẫn khi làm luận án, các công trình nghiên cứu khoa học. Thực tế, không khó để kể những trường hợp nhà nghiên cứu tố cáo đồng nghiệp sao chép công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh luận bên bị tố thường lấy cớ đã đề cập tác phẩm đã dùng trong danh mục Tài liệu tham khảo.
Một luận án tiến sĩ bị tố đạo văn vì có nội dung sao chép từ nhiều tài liệu khác nhau nhưng không trích dẫn nguồn Ảnh: PHÚC ĐẠT |
Năm 2018, TS Trần Phương Nguyên bị tố chép sách đồng nghiệp để làm luận án được Hội đồng thẩm định xác định là do lỗi… kỹ thuật trích dẫn. Năm 2014, ông Nguyễn Cảnh Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đã bị tố cáo sao chép nghiên cứu của PGS.TS Đặng Văn Khải. Theo đó, ông Nguyễn Cảnh Lương đã đưa phần luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải vào phần Tài liệu tham khảo, tuy nhiên, với 56 tài liệu tham khảo trong luận án, chỉ có 39 tài liệu được ông Lương trích dẫn, còn lại mập mờ về nguồn gốc...
Có thể nói, ranh giới mờ giữa hai định nghĩa này đang gây ra những khó khăn nhất định khi phân định, xử phạt. “Pháp luật nhìn nhận rằng việc sử dụng tác phẩm vì những mục đích như nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục, đưa tin, bình luận... là cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tiễn phát sinh tranh chấp về quyền tác giả, đã có trường hợp bị đơn viện dẫn những ngoại lệ này để bào chữa cho hành vi sử dụng tác phẩm”, thạc sĩ Đỗ Thị Diện, Trường Đại học Luật, Đại học Huế nêu.
Vậy đâu sẽ là giới hạn giữa trích dẫn và sao chép? Thạc sĩ Trần Quang Trung, Phó trưởng khoa Luật, Đại học Duy Tân cho rằng: "Một luận án dày 150 trang, nếu lấy toàn bộ 3 trang của một tác phẩm khác đưa vào thì đó là trích dẫn hay sao chép? Chúng ta cần nhận diện như thế nào là sao chép và trích dẫn. Và đâu là những đặc điểm về mặt pháp lý để phân biệt", ông Trần Quang Trung nêu.
Nhà nghiên cứu sử học, TS Trần Đức Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Đông Á nhấn mạnh, cần phân biệt rõ đâu là sự tiếp thu, vận dụng và phát triển kết quả nghiên cứu của người khác với sự trích dẫn đúng quy định, đúng nguồn, đúng mức độ cho phép, với việc sao chép gần như nguyên văn rồi đưa vào nghiên cứu của mình, hoặc trích dẫn nhưng không dẫn nguồn.
Tạp chí Khoa học Đại học Đông Á - nơi TS Trần Đức Anh Sơn là biên tập viên chính - đã sử dụng phần mềm kiểm soát trùng lặp để rà soát. “Nếu bài viết gửi đến tạp chí có tỉ lệ trùng lặp dưới 7% thì chúng tôi chấp nhận và chuyển cho 2 người bình duyệt để phản biện, rồi mới thực hiện quy trình tiếp theo. Nếu tỉ lệ trùng lặp trên 7% thì chúng tôi từ chối bài nghiên cứu đó”, TS Trần Đức Anh Sơn nêu.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, người đánh giá công trình như chấm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, công trình nghiên cứu mà bỏ qua việc đạo văn, vi phạm liêm chính khoa học thì có trách nhiệm lớn hơn rất nhiều so với người đã có hành vi vi phạm liêm chính khoa học.
Để tiếp tục nâng cao hoạt động bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đề xuất, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng, chưa đảm bảo tính khả thi để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả.
Hiện nay, mỗi cơ sở giảng dạy, nghiên cứu đều có quy định riêng cho phần trăm trích dẫn trong một công trình nghiên cứu. Học viện Phụ nữ Việt Nam quy định việc trích dẫn công trình đã công bố không quá 20%. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho phép trích dẫn 20% trên tổng dung lượng tác phẩm. Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM cho phép trích dẫn lên đến 50% ...