Ráng sống cho ra người

TP - Tôi biết mình lần nữa sẽ phải đứng dậy, dũng cảm đứng dậy, dũng cảm bứt đứt những ràng buộc mềm mại chết người như vô số chiếc vòi bạch tuộc đang quấn quanh tôi. Tự làm tự chịu, không (dám) trách ai. Là tôi đang nói tôi, người đàn bà dại dột, thiếu phụ khi vừa hăm mấy cái xuân xanh.

Chẳng sao; đời này hiếm chi thiếu phụ hăm mấy xuân xanh; khác nhau chăng chỉ ở chỗ hạnh phúc hay bất hạnh! Vội lấy chồng không hẳn lúc nào cũng dở. Mặc kệ cái pháp lệnh dân số, muôn đời trong mắt đàn ông, phụ nữ càng nõn nường non tơ càng có giá. Giá cao dễ kiếm chồng tử tế, đó là qui luật muôn đời không sai. Vậy nhưng với riêng tôi thì nó sai, sai bét nhè ra. Qui luật nào cũng có ngoại lệ. Chắc chắn tôi là một ngoại lệ; cái ngoại lệ hiếm hoi làm xấu đi qui luật…

Ráng sống cho ra người ảnh 1

Mẹ bảo: ráng xong cái 12 thì nghỉ học lo lấy chồng cho tao. Con gái học chi cho nhiều, đu theo ba cái chữ lớ quớ thành bà cô già không ai rước…. Mẹ có vẻ rất rành qui luật; cái qui luật tôi vừa nói. Cho dù tôi trẻ trung, xinh gái nhất xóm thì mẹ vẫn không thể không lo. Con gái có thì, mẹ lặp lại lặp đi, thời tao bước qua tuổi “hăm” không ai rước là hỏng! Nhưng con chưa có thương ai… Thương yêu gì, chuyện ấy cha mẹ lo; sống chung lâu riết sẽ thương! Mẹ gốc Huế, dân mệ, mang trong gen mầm mống gia trưởng; cái gia trưởng khiến ngay cha tôi cũng sợ; còn con cái thì khỏi nói: xếp re một bề!

Gã là người được mẹ tôi lựa chọn, gia thế đàng hoàng nhưng cái chính là giàu có. Tiền bạc như con thuyền chở chuyên hạnh phúc, mẹ khăng khăng xác quyết. Nghèo là đại tội. Nghèo đồng hành cùng khổ, chung bước với hèn; đời mẹ mày đây minh chứng rất rõ rồi...

Cũng tốt; cá không ăn muối cá ươn; cho dù tôi, cô học sinh phổ thông trung học xinh đẹp giỏi giang, niềm tự hào của trường lớp, ngưỡng mộ của bạn bè, hi vọng của thầy cô. Ai cũng tưởng, cũng mong tôi bước chân vào Đại học, thành tựu giấc mơ tri thức để không uổng cơm cha áo mẹ, không phí công rèn giũa sách đèn. Vậy nhưng, chỉ tôi biết rõ rằng tôi không thể. Gia cảnh thuần nông xóm núi, cha mất sức lao động lại còn đông con thì tiền đâu mơ chuyện đại học đại hung. May lắm là được mẹ đoái thương, cho lên thành phố kiếm cái nghề…

*

Không nghề ngỗng chi thêm đa sự. Thuyền theo lái gái theo chồng; cứ lấy chồng sinh con là yên - lời mẹ. Cơm áo gạo tiền phần thằng chồng lo; đâu phải đàn ông nào cũng vô dụng như ba mày! Mẹ không cố ý nói xấu ba. Là mẹ cần một bệ phóng cho con tàu toan tính. Con tàu ấy đang hướng đến gã. Gã xuất hiện rất đúng thời điểm, tiếp cận mục tiêu đầy tính toán, tự tin. Tự tin đến mức trơ tráo khi gã chẳng màng chi tới chuyện chinh phục tôi mà toàn lo đi chinh phục… mẹ. Hơn tôi mười tuổi. Xưa nghe nói học hành bết bát nhưng bước ra đời thì ngon. Làm ăn lanh lẹ, rất “sát thủ” trên thương trường. Già chút thì đã làm sao, học giỏi để làm gì khi không có tiền, không biết làm ăn? Nó là cây trụ chống tốt, vợ con sau này ấm thân cái chắc, mày còn muốn gì? Mẹ không ngừng đay nghiến nhỏ to. Được thôi; ừ gật đại cho xong mặc dù tôi chẳng có tí tẹo tình cảm nào với cái “mục tiêu” mà mẹ sống chết nhắm nhe. Thái độ xuôi xị của tôi làm gã tưởng bở; chưa cau trầu chạm ngõ đã tỏ thái độ “làm chồng”, ra oai. Rất tình cờ, tôi phát giác nơi gã tính vũ phu khi mới đi chơi chung lần đầu gã đã cả gan giơ tay… dọa tát tôi khi có chuyện không vừa ý!

Với tôi, đó là đại kị. Tôi tránh mặt, cắt đứt thẳng thừng mọi quan hệ mặc cho mẹ hết nài nỉ tới chửi mắng…

*

Anh là tấm phim âm bản của gã; âm từ ngoại hình tới tính cách. Anh dịu dàng, mềm mỏng, biết cách chiều phụ nữ. Tôi lao vào anh; chính xác, để chạy trốn cuộc hôn nhân sắp đặt, chạy trốn cái ám ảnh vũ phu khiến tôi vừa sợ hãi vừa ghê tởm. Muốn vậy, tôi cần phải có gấp một tình yêu…, không, chính xác là một mối quan hệ. Anh là lựa chọn cho mối quan hệ đó. Lựa chọn cấp tốc - khi không có nhiều chọn lựa. Anh thích tôi. Anh hiền, trẻ trung. Gần anh tôi không thấy sợ. Vậy là đủ; cái đủ nhân ba. Tình yêu, như mẹ nói, giản đơn thôi; rối rắm làm chi cho mệt? Dấm dúi đâu chừng tháng, một đêm tôi dắt anh về trình diện ba mẹ, xin cho hai đứa chính thức được quen nhau. Ba chưa có ý gì nhưng mẹ thì nổi điên. Lẳng lặng xuống dưới nhà vác cây chổi cùn lên, không nói không rằng mẹ vung chổi đập hai chúng tôi tới tấp! Anh lăn lưng đỡ đòn; sau đó dắt tôi bỏ chạy…

Đêm đó tôi theo về nhà anh, lên giường cùng anh, vĩnh biệt thời con gái.

*

Nhiều khi tự hỏi: sai lầm trong cuộc này là do tôi hay do mẹ? Là tôi, chắc chắn là tôi; nếu không sao đời tôi giờ lại ra nông nỗi? Nếu tôi nghe mẹ - từ đầu nghe mẹ - có khi cuộc đời tôi đã vần xoay theo hướng khá hơn. Một gã chồng ít học, vũ phu nhưng biết làm ăn lại giàu có chưa hẳn là một lựa chọn tồi. Khi bạn đã biết khổ vì một tên chồng lười biếng, một gã trai gần ba mươi tuổi vẫn cứ như con nít lớn đầu, mê những trò chơi game vô bổ hơn tính toán làm ăn thì cái chỗ khiến ta dị ứng, kinh sợ ngày xưa thi thoảng lại hóa thiên đường trong những giấc mơ. Gã giờ đã có vợ. Nghe nói vợ gã không giỏi giang, xinh đẹp bằng tôi nhưng biết cách chiều chồng, biết cách nhẫn nhục mỗi khi gã rượu chè về nổi máu gia trưởng, vũ phu. Có mất gì đâu; người ta bảo: giống đàn ông cực ngu, cứ cho nó “uống nước đường”, dạ thưa qua ải là tất tật mọi chuyện êm re. Sức mạnh đàn bà nằm ở chỗ nhu mì…

Mẹ có dạy rồi; nhưng tôi không hiểu, không nghe? Tôi còn trẻ quá!?

Giờ này, khi cu Bin đã gần 5 tuổi, tôi mới dần nhận ra: tôi không yêu anh. Ngộ nhận. Nói chính xác, tôi chưa bao giờ yêu; chưa bao giờ biết yêu. Anh chỉ là tấm ván, là chiếc phao tôi tình cờ vớ được; sau đó là sống chết bám đu cho qua “cơn hồng thủy”. Ngoi ngóp giữa dòng nước xiết, không ai dừng lại để săm soi chiếc phao mình đang ôm còn mới hay cũ nát, tấm ván bập bềnh mình đang đu là ván mục hay ván lành. Mà có săm soi cũng chưa chắc nhận ra. Thế giới này có quá nhiều điều cần đến trang bị thời gian và tuổi tác để nhận ra…

Cá không ăn muối cá ươn. Ừ; thì mẹ gia trưởng, độc đoán, hám tiền; nhưng không hoàn toàn phi lí như tôi từng nghĩ ngày xưa. Giờ này tôi tin tôi bắt đầu hiểu mẹ; hiểu một phần căn nguyên trận chổi cùn của mẹ…

*

Chạy vạy đủ mọi nghề để kiếm sống, mình tôi phải cáng đáng cái gia đình 3 miệng ăn không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ người thân. Ba mẹ chồng tôi không xấu tính nhưng nghèo. Tôi mang nợ họ; món nợ ân tình. Ngày tôi bụng mang dạ chửa dắt díu nhau về quê mẹ ruột tôi từ mặt nhưng hai cụ thì nhận cháu nhận dâu. Tôi có mái nhà để đụt. Cu Bin có một cội nguồn chính danh để được sinh ra, có ông bà nội bồng bế, nâng niu. Nhưng cũng chỉ tới vậy. Lâu lâu hai cụ có nổi điên quát mắng thằng con trai vô tích sự thì cũng chỉ để dịu lòng đứa con dâu chút ít; chẳng đổi thay được gì.

Còn chồng tôi?

Đành rằng tôi không yêu anh, điều đó chắc chắn nhưng cũng không đến mức ghét bỏ. Anh thì khác; hình như anh có yêu tôi. Hình như; bởi tôi không chắc lắm. Điều tôi chắc chắn là anh cần tôi, rất cần! Không dưới ba lần tôi bỏ nhà tính bồng con đi. Lần nào anh cũng theo níu kéo thề thốt van xin. Hứa, hứa và hứa (kèm theo rất nhiều nước mắt). Anh biết tôi mềm lòng. Anh biết tôi cực kì muốn cu Bin có nội có cha. Anh khai thác đúng chỗ yếu nhất của một người đàn bà để khiến tôi lung lay. Có điều những lời hứa (có cánh) của anh luôn chờ hỏa diệm sơn tôi nguội bớt để len lén vù bay. Phát giác; có nổi điên chửi mắng xúc phạm cỡ nào anh cũng cứ im như thóc. Rất tốt nhịn…

Tôi biết mình đang dần rơi vào trạng thái trầm cảm. Còn nữa: huyết áp, dạ dày – hậu quả của những đêm dài mất ngủ. Chỉ còn thiếu nước phát giác thêm một khối u (ác tính) cho tôi hoàn tất luôn cuộc hành trình ngõ cụt! Tôi, thiếu phụ vừa hai mươi mấy tuổi; cái tuổi mà nhiều bạn cùng lứa vẫn còn đang tuổi ăn chơi, chưa biết tới những giấc mơ xứng tầm ác mộng hệt như tôi. Chìm, chìm. Tôi cảm nhận rõ rệt rằng tôi đang chìm - từ tốn, chậm rãi từng chút – xuống một vũng bùn; cái vũng bùn mềm mại, không hôi tanh nhưng chắc chắn sẽ dìm ngập đời tôi, dìm ngập đời cu Bin không phương cứu vãn…

*

Sắp xếp đồ đạc quần áo của mình của con vào va li. Chiếc va li kéo; tài sản đáng giá còn lại duy nhất sau những lần ngược xuôi trốn nhà đi “tị nạn”. Con bạn thân ở Sài Gòn gọi điện: mày thu xếp mang con vô đây; tao lo nơi ăn chốn ở việc làm. Ráng sống cho ra người dùm tao. Đừng mong ai cứu được mày nếu mày không quyết tâm tự cứu…

Ba mẹ chồng thảng thốt: lại đi nữa sao con? Dạ, lần này con nhất quyết đi; con sẽ không về chừng nào mà ảnh chưa thay đổi. Hay con chờ nó về, vợ chồng phải trái với nhau một tiếng... Thôi, không cần đâu ba mẹ. Con đi; nhờ ba mẹ nhắn lại với ảnh lời cuối dùm con: ráng sống cho ra người…

Y.N