Bác sĩ khám răng cho bệnh nhân. Ảnh T.Hà. |
TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội) nhiều phen cứu nguy cho bệnh nhân, vì những rắc rối từ răng giả gây ra. Bác sĩ Hải cho biết, từng tiếp nhận bệnh nhân L.Q.T, 70 tuổi (ở Bắc Ninh) trong tình trạng cấp cứu vì bệnh nhân không may nuốt cả hàm răng giả vào bụng.
Bệnh nhân cho biết, sau khi ăn tối, ông vẫn đi ngủ như mọi ngày mà không hề để ý đến sự thiếu hụt của hàm răng giả trong miệng. Khi ông T. thấy đau bụng thì kêu với con cái nhưng không ai biết vì sao ông đau bụng. Mọi người chỉ té ngửa ra sau khi kết quả chụp Xquang ổ bụng cho hình ảnh rõ nét hàm răng giả trong ruột của ông T. Chính hàm răng giả này đã làm thành ruột non bị thủng.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tiếp nhận một bệnh nhân nữ T.T.M. trong tình trạng nuốt nghẹn, đau tức vùng hõm ngực. Gia đình cho biết, chị M. đã sơ ý nuốt phải răng giả hàm khi đang đánh răng.
Trên phim Xquang, hàm răng giả có kích thước 4 cm nằm ở khoảng đốt sống ngực 1 - 2 phía trên cung động mạch chủ khoảng 3cm. Ca nội soi thực quản cấp cứu được các bác sĩ ở đây nhanh chóng thực hiện, sau hơn một giờ đã gắp ra hàm răng giả gồm 5 răng liên tiếp.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cũng tiếp nhận một ca cấp cứu khá hy hữu. Đó là trường hợp của bệnh nhân D.M.C - 21 tuổi (ở Thăng Bình- Quảng Nam) nhập viện với biểu hiện ho, sặc, khó thở. Sau nhiều hội chẩn và chụp chiếu, các bác sĩ mới phát hiện một dị vật lạ cắm chặt vào vùng hạ thanh môn của bệnh nhân, nên chỉ định mổ nội soi cho bệnh nhân.
Do thời gian dị vật nằm lâu trong cơ thể bệnh nhân nên đã bị mô xơ bao phủ chắc. Vì thế, phải mất hơn hai giờ thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ mới bóc lấy được dị vật ra khỏi vùng hạ thanh môn của nạn nhân C. Thủ phạm là chiếc răng giả rơi ra khỏi vị trí hàm của “khổ chủ” không biết trong tình huống nào.
Răng rơi vào khí quản sẽ tử vong
Những tai nạn do răng giả kể trên thường rơi vào một trong hai bộ phận là khí quản hoặc thực quản. Trường hợp răng rơi vào khí quản sẽ khiến nạn nhân bị khó thở, suy hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong do suy hô hấp cấp. Còn nếu bị rơi vào thực quản có thể làm rách thực quản, dạ dày, gây chảy máu bộ phận tiêu hóa. Có trường hợp bị tử vong do răng giả làm chảy máu lòng thực quản.
Lý giải về thực trạng này, BS Nguyễn Thị Thái - Khoa Răng Hàm Mặt (BV Thu Cúc) cho biết, nguyên nhân có thể là một chút sơ sểnh, chủ quan của người mang răng giả như nhai, nuốt đồ dẻo, dính; khi vệ sinh răng miệng hay trước khi ngủ không tháo răng giả ra khỏi miệng, khiến răng giả tuột khỏi hàm chui vào thực quản.
Theo BS Phạm Như Hải, còn có nguyên nhân người có nhu cầu làm răng giả đã đến các phòng khám nha không có bác sĩ chuyên khoa, để các nha công (là những kỹ thuật viên đúc răng) thực hiện. Chính sự chủ quan này khiến chất lượng của hàm răng giả nhiều khi không đảm bảo như hàm giả to hơn hàm thật của bệnh nhân, hoặc ngược lại nên răng giả không bám chặt được vào hàm khi đeo.
BS Nguyễn Thị Thái cho hay, tại các cơ sở làm răng có bác sĩ chuyên khoa răng, bệnh nhân sẽ được tư vấn kỹ khi làm hàm giả. Bởi lẽ nếu kỹ thuật không đảm bảo, các móc không đúng vị trí, hàm giả quá lỏng không có độ lưu giữ trên cung hàm sẽ khiến bệnh nhân dễ nuốt phải khi ăn uống...