>> Đã cho nghỉ việc nhân viên tuồn rác thải y tế ra ngoài
Bà Quý (người ngồi) và số rác y tế mua từ BV Việt Đức hôm 10/8 |
Điều đáng lưu ý là có dấu hiệu cho thấy tình trạng vi phạm này không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Việt Đức.
Bán cả bơm tiêm còn dính máu!
Qua công tác trinh sát, khảo sát việc xử lý nước và chất thải tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, Cục CSMT phát hiện Bệnh viện Việt Đức có dấu hiệu tuồn rác thải y tế chưa qua xử lý cho tư thương tiêu thụ. Cơ quan CA đã lên kế hoạch bắt quả tang vụ việc.
Đến chiều 10/8, các trinh sát Cục CSMT phát hiện 2 xe tải chở rác thải y tế xuất phát từ Bệnh viện Việt Đức, một chiếc chạy về đổ “hàng” xuống sân khu tập thể cuối ngõ 715 Hồng Hà, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm; một chiếc chạy về nhà bà Triệu Thị Quý (SN 1957, ở thôn Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì).
Cơ quan CA phối hợp Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TNMT) đã lập biên bản kiểm tra số rác thải trên 2 xe ô tô trên. Kết quả, tại ngõ 715 Hồng Hà, có tổng số 16 bao tải nặng 297 kg, chứa đầy bơm tiêm, vỏ lọ thuốc bằng thủy tinh, nhựa, dây truyền dịch đã qua sử dụng, nhiều chiếc còn dính máu chưa được khử trùng và diệt khuẩn...
Chủ lô “hàng” trên là bà Phạm Thị Vân (SN 1950, ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì). Tại địa điểm nhà bà Triệu Thị Quý, cơ quan chức năng phát hiện 55 bao tải dứa nặng 660 kg, bên trong đựng vỏ thuốc bằng nhựa các loại, dây truyền dịch nhựa, ngoài ra còn thu được 2 túi nilon nặng 16 kg đựng bơm tiêm, nhiều chiếc còn chứa dung dịch màu nâu đỏ nghi là máu. Tất cả những rác thải trên chưa được khử trùng, diệt khuẩn.
Cục CSMT đã tiến hành lập biên bản, ghi lời khai ban đầu đối với bà Phạm Thị Vân, Triệu Thị Quý và các lái xe. Họ đều thừa nhận số rác thải trên họ mua từ Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Việt Đức, với giá 6.000 đồng/kg nhựa, 1.500 - 3.000 đồng/kg thủy tinh.
Điều nguy hiểm là theo bà Vân và bà Quý, sau khi mua số rác thải trên, các bà này đã nghiền nhỏ rồi bán cho một số cá nhân để… tái chế đồ gia dụng.
Quản lý lỏng lẻo, nhân viên bệnh viện nhắm mắt làm liều
Chưa có thống kê số rác thải y tế “bẩn” từng bị tuồn ra từ Bệnh viện Việt Đức là bao nhiêu, song theo thừa nhận bước đầu của bà Triệu Thị Quý thì riêng bà này đã mua rác thải y tế của Bệnh viện Việt Đức từ năm 2002, tổng số lượng ước tính lên đến gần 300 tấn!
Bà Quý và bà Vân cũng cho rằng việc họ mua bán rác thải y tế là không có gì vi phạm pháp luật. Có mặt tại nhà bà Quý hôm qua (28/8), các PV vẫn tận thấy gia đình bà Quý đang tiếp tục phân loại rác thải bệnh viện để nghiền thành bột bán!
Bà Quý cũng cho biết hầu hết các hộ làm nghề thu gom phế liệu tại đây đều mua rác thải y tế của các bệnh viện ở Hà Nội, Hà Tây về nghiền bán, mặc dù biết loại rác này độc hại.
Số rác thải y tế bị thu giữ tại hiện trường |
Cũng theo bà Quý và bà Vân, họ đã ký hợp đồng với bà Hương, nhân viên Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Việt Đức, để thu gom rác thải y tế vào chiều thứ năm, thứ sáu hằng tuần.
Làm việc với cơ quan CA, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Lê Văn Bình khẳng định mình không biết việc rác thải Bệnh viện Việt Đức bị tuồn bán ra bên ngoài cho tư thương.
Theo ông Bình, Bệnh viện Việt Đức đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp - y tế để thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế của bệnh viện. Khoa Chống nhiễm khuẩn được BV giao thu gom, phân loại các loại rác thải y tế. Khoa lại giao cho bà Hương (nhân viên của Khoa) cùng nhân viên Phòng quản trị, nhân viên kế toán tham gia cân, viết hóa đơn và bàn giao rác cho nhân viên Xí nghiệp xử lý chất thải.
Ông Bình cũng như lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức thừa nhận chưa chặt chẽ trong việc quản lý chất thải y tế, nên đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên.
Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh
Theo đánh giá của Cục CSMT, hành vi tuồn bán chất thải y tế của Bệnh viện Việt Đức cũng như một số bệnh viện khác cho những cá nhân không có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải y tế là hết sức nguy hiểm cho xã hội.
Mặc dù Bộ Y tế, cũng như Bệnh viện Việt Đức đã ban hành các quy định, quy chế quản lý chất thải y tế rất nghiêm ngặt, song một số cán bộ nhân viên Bệnh viện Việt Đức vẫn cố ý làm trái, lén lút bán chất thải chưa khử trùng, tiệt khuẩn cho tư thương, trong đó có nhiều bơm tiêm và dây truyền dịch còn dính máu.
Thực tế cho thấy, số rác thải trên đã được tái chế làm đồ gia dụng, thậm chí có dấu hiệu cho thấy nhiều loại không qua tái chế mà được bán thẳng ra thị trường làm đồ sinh hoạt (các loại chai, lọ...).
Trong khi đó, có nhiều loại vi trùng gây bệnh chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, nếu không sẽ là mầm bệnh, làm lây lan dịch bệnh... Nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua việc làm trên là rất lớn.
Điều nguy hiểm nữa là theo Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục CSMT, trong các chất thải y tế của Bệnh viện Việt Đức có cả chất thải mang mầm bệnh của các bệnh nhân phải cách ly (lao, nhiễm HIV...).
Tuy nhiên, Đại tá Thảo cũng cho biết vụ việc này chỉ áp dụng được hình thức xử phạt hành chính, vì cơ quan chức năng chưa chứng minh được hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Hơn nữa, vi phạm của Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Việt Đức là vi phạm lần đầu.
Thanh tra Bộ TNMT đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với Bệnh viện Việt Đức. Theo ông Thảo, nếu sau một lần bị xử phạt hành chính mà các đơn vị, cá nhân còn tái phạm, cơ quan CA sẽ xem xét xử lý hình sự.
Ý kiến của bạn về vấn đề này ?
Còn nhiều bệnh viện vi phạm Ngoài Bệnh viện Việt Đức, Cục CSMT cũng đã kiểm tra một số BV trên địa bàn Hà Nội như: Thanh Nhàn, Bạch Mai, Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội, Xanh pôn, Đống Đa, K.. Theo Đại tá Lương Minh Thảo, chỉ có một số bệnh viện như 19/8, Thanh Nhàn... là tuân thủ tốt, còn hầu hết các bệnh viện đều bán rác thải y tế như Việt Đức, vi phạm Quy chế Xử lý chất thải y tế của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau khi vụ việc ở Bệnh viện Việt Đức bị Cục CSMT xử lý, việc quản lý chất thải y tế ở nhiều bệnh viện khác đã dần đi vào nề nếp. Thời gian tới, Cục CSMT sẽ tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm trong vấn đề rác thải y tế tại các bệnh viện, đặc biệt là nước thải bệnh viện - một vấn đề gây nhức nhối lâu nay. |