Trong suốt hơn 70 năm kể từ sau Thế chiến thứ 2, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng được xem là một niềm tự hào của người Đức, nơi để họ thể hiện sức mạnh của dân tộc. Chính động lực đó giúp Đức thường gặt hái thành công lớn nhờ cách làm khoa học và kỷ luật.
World Cup 2014 là một minh chứng khi người Đức đã chứng tỏ sự chuẩn mực về cách chuẩn bị và tham chiến tại một giải đấu. Họ đã thắng cả trên sân cỏ và trong cả trái tim người dân bản địa.
Nhưng cũng chính vì bóng đá là môn thể thao có ảnh hưởng lớn nên ĐT Đức cũng chịu nhiều tác động từ những bất ổn trong xã hội của quốc gia này. Cách đây không lâu, phong trào “Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây” (được gọi tắt là PEGIDA) đã phát triển mạnh tại Đức.
Những tuyển thủ Đức nhập tịch là một trong những mục tiêu của tổ chức này. Trong sản phẩm chocolate cho trẻ em tung ra dịp EURO 2016, hình ảnh những tuyển thủ Đức nhập tịch khi còn bé đã được đưa lên bao bì, gây ra nhiều tranh cãi.
Cách đây không lâu, Phó chủ tịch Đảng cực hữu ở Đức là Alexander Gauland đã có phát biểu kỳ thị chủng tộc hướng thẳng vào Jerome Boateng, cầu thủ có bố người Ghana và mẹ người Đức. Gauland cho rằng “Boateng được ủng hộ khi cậu ta là một cầu thủ bóng đá. Nhưng người ta không muốn Boateng là một người hàng xóm”.
Phát biểu này của Gauland tiếp tục khiến tình hình trở nên căng thẳng. Cho dù ở trận thua Slovakia 1-3 vừa qua, các CĐV Đức đã chưng nhiều băng rôn ủng hộ Boateng nhưng rõ ràng nó ít nhiều ảnh hưởng tới cầu thủ này.
Bóng đá Đức cũng điêu đứng những rắc rối lớn trong nghi án chi tiền mua phiếu bầu đăng cai World Cup. Nhiều nhân vật có vai vế đã đối đầu nhau vì rắc rối này. Hệ quả dẫn tới việc Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB) là Wolfgang Niersbach phải xin rút lui vào tháng 11/2015. Mãi tới 15/4/2016, DFB mới chọn được chủ tịch mới là Reinhard Grindel. Công tác chuẩn bị của Đức cho EURO 2016 không thể nói không ảnh hưởng từ sự chuyển giao bất đắc dĩ này.
ĐT Đức cũng phải đối mặt với rất nhiều rắc rối. Kể từ sau World Cup 2014, Đức đã không chơi tốt. Họ cũng đối mặt với khó khăn về nhân sự, từ việc các trụ cột như Philipp Lahm, Per Mertesacker hay Miroslav Klose từ giã đội tuyển tới vấn đề chấn thương và thể lực.
Sau Ilkay Guendogan tới Marco Reus và mới nhất là Antonio Ruediger không thể góp mặt tại Pháp do chấn thương. Tình hình sức khỏe của đội trưởng Bastian Schweinsteiger hay trung vệ Mats Hummels cũng không ổn.
Với rất nhiều rắc rối phải đối mặt cùng lúc, thật khó để tin chức vô địch EURO 2016 sẽ thuộc về Đức.