Phim hời hợt, không "mơ" ra rạp
Sau Bố già của Trấn Thành, Thập tam muội của Thu Trang hay Pháp sư mù của Huỳnh Lập, khó để tìm được những sản phẩm gây tiếng vang ở hai phiên bản chiếu mạng và điện ảnh.
Phim hài Biệt đội rất ổn vừa ra rạp và thua đau. Đây là minh chứng cho thấy khoảng cách từ phim mạng (web drama) tới phim rạp còn xa. Biệt đội rất ổn được phát triển từ phim chiếu mạng Gia đình cục súc ra mắt năm 2021. Phim hút hơn 13 triệu lượt xem chỉ tính riêng tập đầu khi phát hành trên mạng. Tuy nhiên, kịch bản sơ sài, diễn xuất gượng gạo của dàn diễn viên khiến phiên bản điện ảnh nhận nhiều lời chê. Một số khán giả cho rằng, đây là sản phẩm đáng quên của các diễn viên Hứa Vĩ Văn, Lê Khánh.
Biệt đội rất ổn "bất ổn" khi ra rạp dù quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng |
Nhà sản xuất, diễn viên Thu Trang dù gặt hái thành công nhờ bản điện ảnh của Thập tam muội thu về cả trăm tỷ đồng vẫn phải thừa nhận, đưa phim mạng ra rạp là quyết định liều lĩnh. Không chỉ khó khăn trong quá trình xây dựng kịch bản điện ảnh, kinh phí đầu tư lớn hơn phim mạng nhiều lần cũng là mối lo. Hơn nữa, nhà sản xuất web drama không quá lo lắng vấn đề kiểm duyệt, còn phim điện ảnh ngược lại. Khi phải bỏ tiền để phục vụ nhu cầu giải trí, khán giả ắt hẳn khắt khe hơn với sản phẩm nghệ thuật.
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu phải thực hiện dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong vòng 3-5 ngày đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL.
Những năm gần đây, nghệ sĩ nổi tiếng và ê-kíp không chuyên đua nhau sản xuất phim chiếu mạng. Số lượng phát hành nhiều, nhưng chất lượng chưa tương xứng. Loạt phim Sugar daddy and Sugar baby, Đại Cathay,.. nhiều lần bị réo tên vì nội dung nhảm nhí, dùng cảnh nóng để thu hút người xem.
Nhà văn, nhà phê bình Thiên Sơn nhận định, phim chiếu mạng ra đời trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi. Những phim này phát triển nhanh chóng, trở thành một loại hình mới, phổ biến. "Điều đáng nói là phim chiếu mạng thường có dung lượng ngắn, nhiều tính ngẫu hứng, tự do, khai thác những đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp vượt quá những giới hạn cần thiết về văn hóa và ảnh hưởng đến thị hiếu, lối sống của giới trẻ", anh nói với Tiền Phong.
Nhiều phim mạng không có tính nghệ thuật, chỉ nhăm nhăm câu khách bằng những chiêu thức thiếu lành mạnh. Trách nhiệm một lần nữa thuộc về cơ quan kiểm duyệt. Nhà phê bình Thiên Sơn đề xuất, cần những tiêu chí, yêu cầu rõ ràng, phù hợp với loại hình mới phát triển như phim chiếu mạng.
"Nên có quy định chỉ những đơn vị đạt chuẩn về khả năng sản xuất, có pháp nhân và chấp nhận các quy định của nhà quản lý mới được sản xuất và phổ biến phim trên mạng. Khi phim gắn liền với thương hiệu và trách nhiệm của đơn vị sản xuất, chất lượng nội dung và nghệ thuật sẽ dần được kiểm soát", anh nêu quan điểm.
Thanh tra Bộ, Cục Ðiện ảnh cùng vào cuộc
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, Cục Điện ảnh thành lập tổ công tác về nội dung này để rà soát một số nền tảng phổ biến phim và các doanh nghiệp thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, từ đó yêu cầu thực thi tốt Luật Điện ảnh, góp phần làm trong sạch môi trường mạng.
Theo quy định của Luật Điện ảnh 2022 và Nghị định quy định chi tiết thi hành luật, phim phổ biến trên không gian mạng được quản lý theo hình thức hậu kiểm. Doanh nghiệp phổ biến phim phải tự phân loại theo tiêu chí đã được quy định trong Luật Điện ảnh, phải cung cấp danh sách phim phổ biến về Cục Điện ảnh.
Thanh tra Bộ VHTTDL chủ động tiếp nhận thông tin, phát hiện xử lý vi phạm. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh trong quá trình kiểm tra, rà soát nội dung phim chiếu mạng, lập biên bản xử phạt nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm về hiển thị cảnh báo, phân loại phim”, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nêu.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục Điện ảnh đang họp bàn phương án rà soát phim chiếu mạng. Luật Điện ảnh năm 2022 và văn bản liên quan quy định khá chi tiết việc quản lý phim trên không gian mạng. Cục Điện ảnh có vai trò rà soát, phân định phim chiếu mạng, Thanh tra Bộ với chức năng thanh tra, xử phạt sẽ góp phần siết các nội dung phản cảm. “Các cơ quan cần có sự phối hợp và phân định trách nhiệm rõ ràng, nhằm làm trong sạch môi trường văn hóa trên không gian mạng”, ông Lê Thanh Liêm nói.
Bên cạnh phương án rà soát, kiểm tra nội dung phim chiếu mạng và việc phân loại, dán nhãn phim do Cục Điện ảnh chủ trì, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nêu ý kiến về các giải pháp kỹ thuật. Trường hợp phát hiện vi phạm, Thanh tra Bộ VHTTDL không chỉ ra quyết định xử phạt, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp trung gian có nền tảng mạng chịu trách nhiệm triển khai các giải pháp kỹ thuật, gỡ bỏ và ngăn chặn các nội dung vi phạm. Doanh nghiệp có mạng viễn thông cũng phải ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Để việc dẹp loạn phim chiếu mạng nhảm, độc hại có hiệu quả, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Cục Điện ảnh đã gửi văn bản tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL có văn bản đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT. Hai bên trước hết tiến hành rà soát, xử lý những nội dung vi phạm từ danh sách chính thức do các đơn vị phát hành, phổ biến phim chiếu mạng cung cấp. “Trong quá trình này, nếu phát hiện phim chiếu mạng, clip ngắn không được xếp vào phim chiếu mạng, Bộ VHTTDL gửi thông báo tới Bộ TT&TT để xử lý theo quy định”, ông Lê Thanh Liêm nói.