Không chọn cho mình một ngôi trường duy nhất để gắn bó, Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1985) lại muốn trở thành thầy giáo tự do. Anh gắn liền với những trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên để được dạy Văn theo cách riêng.
Từng đam mê trở thành luật sư, nhưng cơ duyên đã khiến Hùng gắn bó với khoa Văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi ra trường, thực sự đứng trên bục giảng, được học sinh gọi là “thầy giáo”, anh nhận ra rằng đây là một công việc thú vị và quyết tâm theo đuổi.
Điểm ấn tượng đầu tiên khi nhắc đến thầy giáo Nguyễn Phi Hùng đó là một người trẻ mê phượt và tác giả của nhiều đề Văn độc đáo.
Thầy giáo 8X mê phượt Nguyễn Phi Hùng.
Những đề Văn khiến học sinh kém muốn làm bài
Để tạo cơ hội cho học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân và mong muốn các bạn học lực kém cũng hứng thú làm bài, những đề kiểm tra Văn của thầy giáo Nguyễn Phi Hùng luôn được khai thác từ cuộc sống, cập nhật tình hình thời sự và những thông tin liên quan đến giới trẻ. Đây cũng là điều đặc biệt khiến học sinh luôn nhớ đến thầy giáo này.
Tiêu biểu, khi có sự việc hôi bia xảy ra tại Đồng Nai, anh đã ra câu hỏi gắn với sự kiện này bằng việc trích từ một bài báo trên mạng và cho học sinh bình luận.
Sau hàng loạt vụ thầy trò hỗn chiến gây chấn động dư luận được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thầy giáo 8X lập tức cập nhật nội dung này vào trong bài kiểm tra giữa kỳ dành cho học sinh lớp 12.
Hoặc phát ngôn trên mạng xã hội thể hiện sự phân biệt vùng miền của một cô gái: “Mai không khí lạnh à. Cầu cho bọn nhà quê chết hết đi cho nước Việt Nam đỡ nghèo” cũng từng được Hùng đưa vào câu hỏi.
Nhận định về bài làm của học sinh với những đề kiểm tra này, Hùng chia sẻ: “Mặc dù nhiều học sinh viết khá ngô nghê, văn nói, sai chính tả nhưng tôi vẫn đánh giá cao bởi các em đã mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ cá nhân”.
Với cá tính thân thiện, gần gũi, Hùng được học trò yêu quý.
Đối đáp lại những lỗi sai của học sinh, Hùng cũng luôn chọn những lời phê như chia sẻ vui, thủ thỉ tâm tình giữa thầy với trò: “Bài này em viết hay quá! Nhưng giá như không có vài lỗi chính tả thì chắn chắn sẽ đẹp hơn!”. Những lời phê nhẹ nhàng, dí dỏm này không khiến học sinh tự ái mà giúp các em vui vẻ nhận lỗi và cố gắng hơn.
Gần đây nhất, thầy giáo này cũng chính là người tổ chức hoạt động ngoại khóa môn Văn cho học sinh khối 10 với chủ đề "Tôi viết thư gửi tôi 20 năm nữa".
Chính những giờ giảng sinh động, kích thích sự sáng tạo, tư duy độc lập của thầy, mà các học sinh đã thoải trí tưởng tượng và viết nên những bài văn độc đáo.
Tiêu biểu là Lương Trọng Nghĩa, tác giả của bài văn "bá đạo" khi tưởng tượng mình sẽ trở thành hiệu trưởng của chính ngôi trường đang theo học.
Với những sự phá cách này, thầy giáo trẻ được học trò đặt rất nhiều biệt danh. Các em gọi thầy là đại ca, thậm chí còn là Hùng hung hãn, Hùng Chợ Lớn...
Phượt 10.000 km để làm từ thiện
Với tâm lý của những người trẻ, thầy giáo Nguyễn Phi Hùng cũng thích đi, thèm đi và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Thời gian đầu, Hùng chỉ đi với tâm thế của một khách du lịch, trải nghiệm vẻ đẹp của Việt Nam. Nhưng 2 năm trở lại đây, anh đi với nhiều mục đích khác, ý nghĩa hơn.
Ấn tượng sâu sắc nhất với Hùng là chuyến phượt lên Tà Lủng, Đồng Văn, Hà Giang vào năm 2012. Anh kể: “Đây là chuyến đi xuất phát từ phong trào do trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) phát động học sinh góp gạo ủng hộ các bạn nhỏ vùng cao. Tôi rất ấn tượng khi nhiều em còn cẩn thận viết lời nhắn, làm thiếp cho vào từng bao gạo để chuyển tới các học sinh”.
Một tuần đó, Hùng được sống cùng giáo viên, ăn những bữa cơm của học trò vùng cao, nhìn phòng học ọp ẹp và cảm thấy “phục những đồng nghiệp của mình”.
“Kể từ đó, tôi chạy với mục đích để suy nghĩ chậm lại, sâu sắc hơn, trải nghiệm cuộc sống của những người dân đặc biệt là các đồng nghiệp nơi vùng cao xa xôi, hẻo lánh nhiều hơn”, anh tâm sự.
Sau 2 năm, Hùng đã chạy 10.000 km, đặt chân đến những vùng cao, bản làng xa xôi, tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân và sự vất vả của các đồng nghiệp.
Đam mê cung đường Tây Bắc, nên như bao phượt thủ khác, anh cũng từng đặt chân đến tứ đại đỉnh đèo, chinh phục nóc nhà Đông Đương Fansipan. Sau 2 năm, Hùng đã chạy hơn 10.000 km để thực hiện những chuyến đi từ thiện ý nghĩa. Điều đó giúp thầy giáo 8X này thay đổi nội tâm bên trong, truyền cảm hứng cho viêc dạy học. Đối với Hùng: “Đi dạy để được đi chơi và đi chơi để dạy hay hơn”.
Anh chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng 95% hình ảnh của các bạn trẻ trên mạng xã hội đều là chụp trong nhà hoặc siêu thị, dưới ánh điện. Vì vậy, tôi luôn khuyên học trò hãy đi để khám phá và hướng cái nhìn ra bên ngoài nhiều hơn”.
Diễn kịch, xem phim trong giờ Văn
Mang tính cách và tâm lý của một phượt thủ luôn muốn khám phá những điều mới lạ, thầy giáo 8X này để lại dấu ấn trong lòng học trò bởi phong cách dạy học rất riêng. Với quan niệm: “Các tác phẩm văn học trong nhà trường, dù hay nhưng đã được khai thác đến cũ mòn, chưa kể nhiều tác phẩm có khoảng cách thời gian, khoảng cách văn hóa rất xa so với học sinh hiện tại”, Hùng muốn giúp học sinh cảm nhận môn Văn gần gũi, thực tế và sinh động hơn.
Anh đánh giá dạy học sinh diễn đạt được bản thân và thế giới là thành công nhất của giáo viên môn Văn. Vì vậy, Hùng luôn khuyến khích học sinh viết và nói bằng suy nghĩ cá nhân, không có câu chuyện đúng - sai khi các em phát biểu. “Học không chỉ để phân tích bài văn, bài thơ mà cần đạt được những điều giá trị hơn”, thầy giáo trẻ tâm sự.
Mỗi giờ giảng của Hùng luôn sinh động và thu hút học sinh, bởi không còn câu chuyện thầy đọc - trò chép. Nhiều tiết học Văn được biến thành sân khấu kịch, rạp chiếu phim.
Thầy giáo 8X chia sẻ: “Học sinh rất hào hứng khi nhập vai Chí Phèo, Mỵ Châu, Trọng Thủy; được thực sự sống trong bối cảnh lịch sử của tác phẩm và thỏa trí tưởng tượng khi tìm một cái kết khác”.
Và thầy giáo này đã rất bất ngờ khi các học sinh đều lựa chọn kết thúc có hậu, lãng mạn như chuyện cổ tích. Ví dụ, Mỵ Châu - Trọng Thủy sẽ cùng nhau bỏ trốn, hạnh phúc mãi mãi. Còn cái kết bi kịch của tác phẩm Chí Phèo được các bạn hóa giải bằng cách cho nhân vật chính sức mạnh phi thường để Chí không phải đâm chết Bá Kiến mà vẫn đòi lại được tiền, sau đó cùng Thị Nở “nhảy tàu, trốn vào Nam” .
Những chuyến đi đã đem đến cho anh nhiều trải nghiệm thực tế giúp mỗi giờ giảng trở nên sinh động và thú vị hơn.“Có lẽ vì cách dạy học này, học sinh thường nói với tôi: “Thầy chỉ hay chém gió”, nhưng các em cũng hiểu rằng những điều mình chia sẻ là trải nghiệm thực của bản thân. Và để “chém gió” mà chúng vẫn tin, tôi phải hiểu tâm lý của bọn trẻ, đọc mọi thứ học sinh đọc và nói ngôn ngữ của chúng”, thầy giáo trẻ tâm sự.
Dù vẫn đang làm nhiều nghề như truyền thông, kinh doanh, nhưng Hùng quan niệm: “Đối với tôi, dạy học luôn là một thú vui. Bởi tôi rất thích cảm giác được đứng trước học sinh nói những điều mình tâm huyết và cảm thấy thú vị”. Đó là điều sẽ níu chân anh với nghề giáo lâu dài.