Quyết tâm đổi thay vùng đất khó

Các phó chủ tịch xã tương lai làm quen thủ tục hành chính
Các phó chủ tịch xã tương lai làm quen thủ tục hành chính
TP - 66 trí thức trẻ Cao Bằng, Bắc Kạn đang học làm phó chủ tịch xã. Những lãnh đạo xã tương lai chia sẻ khát vọng tuổi trẻ.

> Gần 130 bạn trẻ xin tham gia dự án Phó chủ tịch xã ở Nghệ An
> Làm Phó Chủ tịch xã phải có chương trình hành động

Đó là ở những vùng đất gian khó, người dân rất cần lãnh đạo có trí, có tâm, biết xông pha và gắn bó với họ...

Các phó chủ tịch xã tương lai làm quen thủ tục hành chính
Các phó chủ tịch xã tương lai làm quen thủ tục hành chính.
 

Đổi thay

Ngày khoác ba lô nhập học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các phó chủ tịch xã tương lai, Đinh Thị Tuyết, (SN 1984, Ngọc Xuân, thị xã Cao Bằng) khóc sưng mắt, bởi, sau lưng là hai con thơ. Tuyết tâm sự, cô trải qua nhiều đêm mất ngủ đấu tranh với chính mình.

“Nhờ có chồng hết mực ủng hộ, tôi gửi hai con nhỏ cho bà nội và quyết định dấn thân”, Tuyết nói. Cô đặt ra mục tiêu sẽ giúp bà con xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. “Trước hết là giúp họ thay đổi các tập tục lạc hậu, tiếp thu nếp sống văn hóa lành mạnh. Để làm được điều này, tôi sẽ tận dụng phương tiện truyền thông để tuyên truyền cho bà con”, Tuyết nói.

Nguyễn Hồng Nụ, (SN 1987, xã Chi Viễn, Trùng Khánh, Cao Bằng) trông nhỏ nhắn và hơi nhút nhát. Nụ tâm sự: “Để vượt qua sự e ngại, mình thường tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên xóm và tập nói trước gương. Làm phó chủ tịch xã mà kém khoản ăn nói thì khó gần dân lắm”.

Tốt nghiệp khoa Nông học (ĐH Tây Bắc), Nụ đam mê nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi. Khi làm đơn đăng ký về làm phó chủ tịch một xã ở huyện Hoàng Lan (Cao Bằng), Nụ cất công tìm hiểu các loại cây trồng, tính chất đất ở vùng đất đó.

“Mình sẽ đưa một số giống ngô mới về trồng để tăng năng suất. Đó là nơi có nhiều đất canh tác mà bà con chưa biết cách khai thác. Ở vùng núi đá vôi có thể trồng các cây bản địa như: rau sắng, bào thai. Ngoài ra có thể trồng cây ăn quả như hồng không hạt, quýt...”, Nụ nói.

Gắn bó

Tốt nghiệp ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, Lê Ngọc Kính (SN 1987, quê Nam Định) quyết định ngược lên Cao Bằng thực hiện ước mơ làm người lãnh đạo có tài, đức. “Ở những vùng đất khó, người dân rất cần những người lãnh đạo có tâm, biết xông pha và gắn bó với họ”, Kính nói. Kính quyết tâm hoàn thành đạt được các mục tiêu đề ra với cương vị phó chủ tịch xã trong vòng 3-4 năm, thay vì 5 năm.

Kính kể, ngày chuẩn bị lên Cao Bằng, bố mẹ quyến luyến lo con trai sẽ vất vả, Kính đáp: “Con đi không phải 5 năm, mà có thể 10 năm, 15 năm. Nếu bà con cần đến con, con sẽ ở lại xây dựng gia đình, gắn bó với bà con luôn”.

Kính cho biết, với lợi thế chuyên ngành công nghệ thông tin, cậu sẽ nắm bắt nhanh nhạy thông tin về chủ trương, chính sách cũng như kiến thức làm giàu để truyền đạt cho bà con.

Hoàng Văn Dũng (SN 1988, Ba Bể, Bắc Kạn) tâm sự: “Tham gia lớp bồi dưỡng, tôi nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn nhiệm vụ của mình sắp tới. Khó khăn rất nhiều. Phải thực sự gắn bó và tin tưởng người dân thì những người trẻ như chúng tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình”.

Tham gia dạy kỹ năng xử lý những tình huống ở cơ sở, TS Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển, chia sẻ, các học viên đều có kiến thức chuyên môn vững nhưng kỹ năng thực tế còn nhiều hạn chế.

“Các quan xã trẻ háo hức và thường xuyên đặt ra nhiều câu hỏi gần gũi với đời sống như: Xuống tiếp dân phải tìm hiểu gì trước; ba cùng với bà con như thế nào; chuyện bùa ngải có thực không. Thậm chí đội viên nữ còn hỏi cả cách uống rượu, cách từ chối như thế nào...”, TS Miều nói.

TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Dự án 600 phó chủ tịch xã, cho hay, phương pháp dạy chủ yếu là tạo ra sự tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh, vừa học vừa trao đổi. Thông qua việc thảo luận tình huống, những kiến thức mới lạ và hơi khô khan về quản lý nhà nước, hành chính, hệ thống chính trị được học viên hào hứng tiếp thu.

Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã tại Cao Bằng, Bắc Kạn diễn ra trong 3 tháng. Đội viên có 6 tuần học lý thuyết về kiến thức: Quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở xã và kỹ năng ứng xử với các tình huống xảy ra ở cơ sở. Thời gian còn lại, đi thực tế tại cơ sở để trải nghiệm, làm quen công việc hằng ngày của phó chủ tịch xã.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG