Dưới đây là bài viết của cây bút nổi tiếng Jonathan Wilson trên tờ The Guardian (Anh):
Vào đầu tháng 5/2015, Chelsea bỏ túi chức vô địch Premier League với chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Crystal Palace. Đó không phải là một trận đấu hay, trong vài tháng, Chelsea đã tỏ ra kiệt sức, nặng nề và chỉ cán đích đầu tiên nhờ khoảng cách quá lớn mà họ tạo ra trước đó. Trận thắng Palace cũng là sự giải tỏa cho Mourinho, người có danh hiệu vô địch Anh thứ 3 với CLB (và cũng mới là danh hiệu thứ 5 trong lịch sử cả đội bóng).
Lúc đó, có lẽ không ai nhận ra những bước chạy về đích nặng nhọc của Chelsea là báo hiệu trước cho những khó khăn sắp tới. Chắc chắn không ai nghĩ rằng họ sẽ là đội ĐKVĐ có khởi đầu tồi tệ thứ 3 trong lịch sử ở mùa này.
Tâm trạng của Mourinho cũng lạ. Trong cuộc họp báo sau trận gặp Palace, ông không tỏ ra hân hoan, nhưng cũng không mệt mỏi. Trong ngày đăng quang, ông đã quyết định đưa ra một tuyên bố kỳ lạ: Cạnh khóe kình địch của ông là Pep Guardiola, HLV 44 tuổi được bổ nhiệm dẫn dắt Barcelona thay vì Mourinho năm 2008. Guardiola, một cựu cầu thủ Barca rất được yêu mến, lúc đó chưa có kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao, nhưng giành 3 chức vô địch La Liga và 2 danh hiệu Champions League trong 4 mùa giải tiếp theo ở Barca, với thứ bóng đá vừa đẹp mắt, vừa mang tính cách mạng.
“Với tôi”, Mourinho nói. “Tôi không phải là người thông minh nhất trong việc lựa chọn giải đấu và CLB để dẫn dắt. Tôi có thể chọn một CLB khác ở một nước khác, nơi vô địch dễ dàng hơn”. Ông không nêu tên Guardiola, nhưng ai cũng hiểu Mourinho muốn nói gì. Năm 2013, Guardiola đến với CLB là thế lực độc tôn ở Đức - Bayern Munich, và Mourinho hẳn cho rằng những danh hiệu của Pep ở đó không thể sánh được dù chỉ 1 chức vô địch Anh của ông.
“Tôi đã chấp nhận rủi ro”, Mourinho nói tiếp. “Tôi rất hạnh phúc vì đã giành thêm một danh hiệu Premier League nữa 10 năm sau (danh hiệu đầu tiên) trong nhiệm kỳ thứ hai với CLB. Tôi là nhà vô địch ở mọi đội bóng mà tôi đã dẫn dắt. Tôi tới Inter (Milan), Real Madrid và Chelsea. Mọi danh hiệu đều quan trọng. Vô địch ở Tây Ban Nha với 100 điểm trước Barcelona mạnh nhất từ trước tới giờ là một thành tựu lớn mà tôi rất thích thú. Có lẽ trong tương lai tôi phải thông minh hơn và lựa chọn một CLB khác ở một đất nước khác, nơi mà ai cũng có thể vô địch. Có thể tôi sẽ tới một quốc gia mà người giữ đồ cũng có thể làm HLV và vô địch. Có lẽ tôi cần thông minh hơn, nhưng tôi vẫn thích thú với những khó khăn này. Tôi nghĩ mình đang ở đúng chỗ. Tôi ở đây tới khi nào Abramovich yêu cầu tôi ra đi”.
Ngay cả theo tiêu chuẩn của Mourinho, những gì ông nói cũng thật lạ. Tại sao ai đó vừa vô địch lại đi bới móc một đối thủ cũ, vốn làm việc ở một đất nước khác? Câu cuối cùng cũng thật lạ: Ở đây cho tới khi Abramovich yêu cầu ông ra đi? Mourinho từng nói khi trở lại rằng ông muốn xây dựng một triều đại, một sự nghiệp lâu dài với thật nhiều danh hiệu. Ông cũng ký gia hạn hợp đồng thêm 4 năm vài tuần sau đó.
Không thuộc về Camp Nou
Giờ nghĩ lại, mọi chuyện có lý của nó. Càng về cuối mùa giải trước, Mourinho càng bị ám ảnh bởi Barcelona, và cụ thể là Guardiola và triết lý bóng đá ở Camp Nou. Mourinho từng là một người của Barca, nhưng bị ruồng bỏ. Ông từng làm việc với Louis van Gaal tại Catalunya những năm 1990, giai đoạn mà đội bóng tôi luyện nên những người định hình chiến thuật bóng đá hiện đại.
Mourinho đi xây dựng sự nghiệp riêng và thành công, nhưng khi ông muốn trở lại thì ông bị từ chối. Ông không phải là một cầu thủ ở đó, mà là một tay phiên dịch. Ông không thuộc về Camp Nou hay La Masia. Ông không tư duy giống họ. Ông không đặt câu hỏi làm sao để thắng cho đẹp mắt, mà chỉ làm sao để thắng. Dần dần, sự thực dụng và những thủ đoạn đã khiến ông trở thành tất cả những gì đối lập với Barcelona. Ông sẽ không làm như họ, sẽ làm theo cách của ông và chứng tỏ rằng ông đúng.
Van Gaal (trái), Ronald Koeman và Mourinho...
... Enrique, Mourinho và Guardiola thời ở Barca.
Khi Louis van Gaal tới Barcelona năm 1997, đã dẫn dắt CLB lớn nhất Hà Lan Ajax 6 năm trước đó, ban đầu ông chỉ định làm công tác đào tạo trẻ, nhưng rồi nhanh chóng được yêu cầu thay thế Bobby Robson do thành tích bết bát của đội bóng ở La Liga. Mourinho vốn là người phiên dịch cho Robson ở Porto, nhưng đã gây ấn tượng với cựu HLV ĐT Anh nhờ hiểu biết bóng đá của ông và theo ông sang Tây Ban Nha làm phiên dịch kiêm trợ lý. Theo đề nghị của Robson, Van Gaal tiếp nhận Mourinho là “trợ lý thứ ba” của ông. Ở tuổi 34, đó là một bước tiến lớn, một dấu hiệu cho thấy ông được những HLV lớn nhất tôn trọng.
Mourinho là con nhà tông. Ông nội ông là chủ tịch Vitoria, một CLB có cỡ ở Setubal. Cha ông là một thủ môn, rồi HLV. Mourinho muốn thành cầu thủ, nhưng ở tuổi 24, sau 3 lần chơi ở các CLB nhỏ của Bồ Đào Nha, ông giải nghệ để chuyển hẳn sang làm HLV. Cha ông đã khiến Mourinho hiểu nghề HLV khắc nghiệt thế nào. Ông thường kể khi ông “9 hay 10 tuổi”, cha ông bị sa thải đúng vào ngày Giáng Sinh. Thực ra, điều đó xảy ra năm 1984, khi Mourinho 21 tuổi.
Mourinho sau đó theo học ở Instituto Superior de Educacao Fisica ở Lisbon, trường đại học thể thao hàng đầu Bồ Đào Nha, và chịu nhiều ảnh hưởng của giáo sư Manuel Sergio, người tin rằng kiến thức bóng đá là không đủ, mà một HLV còn phải là một nhà tâm lý học, một chuyên gia nói chuyện trước công chúng và những khoa học khác. Năm 1987, Mourinho rời trường và làm giáo viên thể dục một thời gian ở các trường tiểu học, chuyên giúp những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Jose Mourinho và bố, Mourinho Felix.
Lúc còn nhỏ, Mourinho đã giúp bố chuẩn bị báo cáo điều tra đối thủ, tìm hiểu phong cách của họ và vạch ra phương án đối phó. Khi ông 28 tuổi, Vitoria de Setubal, CLB nơi cha ông đã chơi và huấn luyện, nhận ông vào làm HLV đội trẻ. Ông đóng vai trò tương tự ở Estrela de Amadora, rồi làm tuyển trạch viên ở Ovarense, 2 CLB nhỏ hơn của Bồ Đào Nha. Dần dần, năm 1992, ông có bước đột phá, được bổ nhiệm làm việc với Robson, người khi đó đang dẫn dắt Sporting Lisbon.
Robson, một người tự nhiên, cởi mở và hào phóng, đã không ngại trao đổi về chiến thuật với Mourinho, rồi họ cùng nhau tới Porto, rồi Barcelona, với Mourinho được trao thêm nhiều trách nhiệm hơn, từ chuẩn bị giáo án tập, hồ sơ về đối thủ cho tới phiên dịch.
Barcelona vào giữa những năm 1990 là một CLB rất đặc biệt, vì những con người ở đó. Trong thời gian Mourinho ở CLB, đó là nơi không chỉ sẽ đào tạo ra HLV Chelsea tương lai, mà cả HLV hiện giờ của Bayern Munich, Barcelona, Manchester United, Porto, PSV Eindhoven và Southampton. Càng đáng nói hơn, phong cách của họ không giống nhau, mỗi người một vẻ.
Trào lưu chính ở CLB vẫn là bóng đá tổng lực được Rinus Michels mang tới từ Ajax những năm 1970, nhấn mạnh vào kiểm soát bóng, đẩy cao đội hình và hoán đổi các vị trí trên sân. Khi Johan Cruyff trở thành HLV Barcelona năm 1988, ông gia cố thêm cho triết lý này, cho tới khi Louis van Gaal tới và thay đổi tất cả, biến Barca thành một đội bóng có phần cơ học và cứng nhắc. Đó có lẽ là cuộc hội thảo về chiến thuật bóng đá vĩ đại nhất trong lịch sử, với triết lý được chia sẻ từ Ajax tới Barcelona.
Lúc đó thì không ai chú ý, nhưng Mourinho chỉ là một kẻ chứng kiến bên lề. Ông không được chơi bóng ở Ajax hay Barcelona, nên dù phần lớn kinh nghiệm của ông ở bóng đá đỉnh cao là bên cạnh những nhà tư duy lớn của trường phái Barcajax, ông không chia sẻ lý tưởng của họ. Van Gaal ấn tượng với tư duy theo vị trí của Mourinho và cho phép ông đưa ra những lời khuyên chiến thuật trong giờ nghỉ và nắm đội ở các trận giao hữu. Khi ông ngày càng tự tin, Van Gaal nhận ra “một chàng trai trẻ ngạo mạn không coi trọng quyền lực từ trên, nhưng tôi thích điều đó ở anh ấy. Anh ấy không khúm núm, thường nêu ý kiến mâu thuẫn với tôi khi nghĩ tôi sai. Tôi muốn nghe những gì anh ấy nói và rốt cuộc lại nghe anh ấy nhiều hơn những trợ lý khác của tôi”.
Van Gaal và Michel, những người góp phần xây dựng nên triết lý Barcajax.
“Mourinho biết trước trọng tài sẽ đuổi người”
Barcelona là trường đào tạo của Mourinho. Giai đoạn tiếp theo là thực hành. Sau một nhiệm kỳ ngắn ở Lisbon với Benfica, Mourinho được bổ nhiệm làm HLV Uniao de Leiria tháng 7/2001. Họ là một CLB nhỏ với ngân sách hạn hẹp, nhưng chơi thứ bóng đá phản công cực kỳ khó chịu của Mourinho và vươn lên vị trí thứ 3 vào tháng 1. Họ tụt lại vào cuối mùa, nhưng các CLB lớn của Bồ đã để mắt tới ông và tháng 1 sang năm, Mourinho được bổ nhiệm làm HLV Porto.
Chính ở Porto, những ý tưởng của Mourinho lần đầu được thử thách ở một sân chơi mà ông thấy hợp với tài năng của mình. Chính ở đó ông có được sự kiểm soát mà ông muốn, bắt đầu cạnh tranh cho các danh hiệu thay vì chỉ tránh rớt hạng. Ở Porto, Mourinho thay đổi đội hình tùy theo việc chơi ở trong nước hay Champions League, nhưng đó không phải điều quan trọng nhất.
“Ông ấy muốn chúng tôi đẩy rất cao đội hình”, Maniche, một tiền vệ của Mourinho khi đó, nói. “Ông ấy muốn đội bóng phản ứng nhanh khi mất bóng, để giành lại bóng ngay ở giữa sân. Áp lực này phải là từ cả đội bóng, chứ không chỉ 1-2 cầu thủ”. Nhưng điểm khác biệt tối quan trọng với trường phái Barcajax là việc cầm bóng không bao giờ quan trọng. “Bóng càng luẩn quẩn ở giữa sân”, Mourinho từng nói. “Càng có khả năng bị đối thủ cướp mất”. Điều đó sẽ trở thành quan điểm then chốt cho triết lý bóng đá của ông.
Mourinho luôn cho các cầu thủ của ông xem những bản nghiên cứu về đối thủ. “Một trong những khía cạnh quan trọng nhất về Jose, mà tôi ủng hộ, là các đội khác mới phải thay đổi, còn chúng tôi thì phải giữ bản sắc của mình”, Costinha, tiền vệ trụ của Mourinho ở Porto, nói. “Tất nhiên, ông ấy sẽ cho chúng tôi thông tin chi tiết về đội tôi sẽ gặp tiếp theo ở đầu tuần tập và chính xác hơn về các cầu thủ ở gần khu vực chúng tôi chơi nhất. Cầu thủ đó ra sao? Liệu anh ta có dễ dính thẻ? Anh ta hay di chuyển thế nào? Điều đó mới mẻ với chúng tôi thời bấy giờ, nhưng rất có ích và giúp chúng tôi chuẩn bị cho các trận đấu tốt hơn”.
Mourinho tỏ ra đặc biệt xuất sắc về chi tiết, trong việc phán đoán những kịch bản có thể xảy ra trong trận đấu. “Đôi khi có cảm giác ông ấy có thể nhìn thấy tương lai”, thủ môn Vitor Baia nói. “Tôi nhớ một sự kiện cụ thể ở Benfica, khi suốt tuần ông ấy đã chuẩn bị cho việc chúng tôi nên làm gì sau khi đã ghi bàn... Ông ấy nói với chúng tôi rằng (HLV Benfica Jose Antonio) Camacho sẽ thay người thế này và thay đổi chiến thuật của ông ấy, và mọi chuyện xảy ra đúng thế, nên chúng tôi biết trước và hoàn toàn chuẩn bị cho điều đó. Cũng ở trận đó, chúng tôi đã tập trước đá 10 người, vì Jose biết trọng tài sẽ không chịu được áp lực và sẽ rút thẻ đỏ ra. Điều đó cũng xảy ra đúng vậy... Nên chúng tôi biết phải làm gì và có một chiến thắng sít sao”.
Tới tận bây giờ Mourinho vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho đội bóng của ông trước những kịch bản khác nhau. Khi Chelsea đánh bại Paris Saint Germain 2-0 ở Tứ kết Champions League 2014 chẳng hạn, John Terry tiết lộ rằng họ đã chuẩn bị cho nhiều phương án tỉ số khác nhau. Sự chuẩn bị cụ thể, vì thế, là cực kỳ quan trọng.
Một cách khác để Mourinho sẵn sàng cho những đội bóng của ông là về mặt tâm lý. “Các đối thủ sẽ làm phần việc của họ”, Maniche nói. “Và cuộc họp báo”. Khả năng gây tác động lên truyền thông luôn là điểm mạnh của Mourinho, chọc giận đối thủ, gây sức ép lên các trọng tài, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, khi ông cũng làm chính các cầu thủ của mình trở nên căng thẳng. “Ông ấy có thể đùa cợt khi ở ngoài sân tập, nhưng tới lúc làm việc, ông ấy sẽ không biết thương xót”, Baia nói. “Chúng tôi chỉ tập một tiếng mỗi ngày, nhưng đó luôn là giờ đồng hồ căng thẳng nhất tôi phải trải qua”.
Baia nhấn mạnh khả năng xử lý những tính cách khác nhau của Mourinho. “Ông ấy biết sâu sắc mọi người tới mức ông có thể kiểm soát cảm xúc của chúng tôi trong từng tình huống”, anh nói. “Trong trường hợp của tôi, ông ấy sẽ vỗ lưng tôi và thế là tôi thấy phấn chấn lên hẳn. Tuy nhiên, có những cầu thủ cần được khen ngợi, được tạo động lực, và ông ấy biết ai cần điều đó”.
Mourinho vô địch Champions League 2004 cùng Porto.
Tuy nhiên, câu chuyện như thế là chưa đầy đủ. Tháng 9/2002, Baia bị cấm tham gia các hoạt động của CLB 1 tháng sau một trận cãi nhau với Mourinho. Thủ môn này nói anh có “quan hệ tuyệt vời” với Mourinho sau nhiều năm làm việc, từ lúc Mourinho còn là trợ lý HLV. “Nhưng khi ông ấy tới Porto, ông ấy muốn thể hiện ai là ông chủ thực sự: bạn bè ngoài sân, cầu thủ trên sân. Chỉ phong độ là đáng kể, không phải các mối quan hệ”.
Porto giành chức vô địch Bồ Đào Nha với điểm số kỷ lục, Cúp quốc gia và UEFA Cup. Mùa sau đó họ bảo vệ thành công chức VĐQG và vô địch Champions League có lẽ là ấn tượng nhất của thời hiện đại. Năm 2004, Mourinho tiến lên một bước nữa: ông được bổ nhiệm dẫn dắt Chelsea.
Thù hận Barca
Bởi thành công tới gần như ngay lập tức, bởi sức hút đặc biệt mà Mourinho tạo ra ở Anh, nhiều người đã quên mất những tuần lễ đầu của ông tại Chelsea xảy ra nhiều nghi ngờ ra sao, ít ra là về mặt chiến thuật. Trong 6 trận đầu, Chelsea chỉ thủng lưới 1 bàn và kiếm được 14 điểm, nhưng họ cũng chỉ ghi có 6 bàn. Mourinho nói về tầm quan trọng của việc thực hành sự chuyển đổi tấn công-phòng ngự và ngược lại, cũng như về việc “nghỉ ngơi khi có bóng”, tức chuyền về phía sau để các cầu thủ hồi sức, nhưng nhìn chung, đó là một thứ bóng đá cực kỳ tẻ nhạt.
Trước Middlesbrough vào tháng 9/2004, ông chuyển đội hình sang 4-3-3, trở thành hình mẫu cho cả một thời đại mới ở Chelsea, và có thể nói là cả Premier League. Frank Lampard lùi lại đá như một tiền vệ con thoi, vai trò anh đóng rất xuất sắc, thể hiện qua 13 bàn ghi được mùa đó. Mourinho thậm chí còn thận trọng hơn khi ông còn ở Porto. Tới đây, một con đường khác, đối lập với mô hình Barcajax đã được định hình rõ ràng. Không phạm một sai lầm nào, Chelsea dễ dàng vô địch.
Vấn đề duy nhất là những nghi ngờ liên quan tới yêu cầu về bóng đá đẹp của ông chủ Roman Abramovich, vốn đã bỏ ra quá nhiều tiền cho dự án này. Mùa tiếp theo, Chelsea để thủng lưới nhiều hơn 7 bàn và có ít hơn 4 điểm, nhưng họ vẫn vô địch với một khoảng cách xa. Cùng lúc, những chỉ trích về lối đá quá thực dụng ngày càng dữ dội. Abramovich tỏ rõ sự không hài lòng. Ông muốn bóng đá đẹp hơn, và đã mua về thêm nhiều ngôi sao nữa.
Nhưng Mourinho lại không thấy ấn tượng. Những nỗ lực hòa nhập các chữ ký lớn nhất, bao gồm Andriy Shevchenko, không thành công. Mùa 2006-07, Chelsea vẫn vững vàng trong phòng ngự, nhưng thiếu sự sắc bén trong tấn công. Quan hệ giữa Mourinho và Abramovich ngày càng xấu đi, đạt tới điểm khủng hoảng ở trận bán kết lượt đi League Cup ở Wycombe. Sau khi đội hình với quá nhiều chấn thương của ông chơi vất vả trong trận hòa 1-1 với đội League Two (hạng Tư), Mourinho đã nổi cáu.
Ông còn ở lại thêm 8 tháng nữa, nhưng cỗ máy khi đó đã hết năng lượng, bầu không khí đã nhiễm độc và tới cuối tháng 9/2007, ông ra đi.
Mùa Hè tiếp theo, Barcelona sa thải HLV của họ và đang tìm người thay thế. Txiki Begiristain, Giám đốc kỹ thuật của Barca, đã phỏng vấn Mourinho, thông báo với ông quyết định cuối cùng sẽ là của Cruyff, người không có vị trí chính thức nào ở CLB, nhưng là ông trùm của trường phái Barcajax, đồng thời là một nhân vật ảnh hưởng vô song ở văn phòng ban lãnh đạo Camp Nou. Mourinho, rất muốn gây ấn tượng, đã gọi cho Chủ tịch CLB Joan Laporta và xin được nói chuyện với Cruyff. Laporta đáp quyết định đã được đưa ra rồi: Barca lựa chọn HLV còn chưa có kinh nghiệm đỉnh cao Pep Guardiola. Mourinho nói với Laporta rằng ông đã phạm một sai lầm tệ hại.
Trong cuốn sách của mình, "Goal: The Ball Doesn’t Go in by Chance", Giám đốc điều hành Barcelona khi đó Ferran Soriano nói ban lãnh đạo đã đi tới chỗ lựa chọn giữa Mourinho và Guardiola. “Rõ ràng Mourinho là một HLV tuyệt vời, nhưng chúng tôi nghĩ Guardiola còn giỏi hơn”, Soriano nói. “Mourinho là một người chiến thắng, nhưng để chiến thắng, ông cần bảo đảm một mức độ căng thẳng dần sẽ trở thành vấn đề”.
Mourinho không bao giờ tha thứ cho Barcelona vì điều đó.
Triết lý phản Barcajax
Cũng mùa Hè đó, không lâu sau khi bị Barcelona từ chối, Mourinho tới Inter Milan. Như ở Chelsea, ông tập trung trước hết cho phòng ngự. Inter vô địch Italy trong 2 mùa đầu của ông, và mùa 2009-10, họ giành chức vô địch Champions League lần đầu tiên trong 45 năm.
Trận Chung kết, chiến thắng 2-0 trước Bayern Munich của Van Gaal, là rất thuyết phục, nhưng trận bán kết mới là điều khiến Mourinho tự hào nhất. Tháng 4/2010, Inter đã có một chiến thắng để đời trước Barcelona của Guardiola, nhà ĐKVĐ. Ở lượt đi tại Milan, Mourinho gặp may khi vụ núi lửa Eyjafjallajokull phun trào ở Iceland khiến Barca phải tới Milan bằng xe buýt, giải thích phần nào cho màn trình diễn nặng nề và thất bại 1-3 của họ.
Nhưng chính sào huyệt của đối thủ, Camp Nou, mới là nơi Mourinho có cuộc phục thù cực kỳ ngọt ngào, với Barcelona và Guardiola. Inter Milan mất một người vì thẻ đỏ ở phút 29, khiến đội bóng của Mourinho lại càng co cụm, với cả 10 cầu thủ trên sân đều đứng sau bóng. Hết lần này tới lần khác, Barca lao lên, nhưng vấp phải một hàng rào sọc xanh-đen không thể vượt qua.
Inter chỉ cầm bóng 19% thời gian và có 1 lần dứt điểm trong cả trận, Barcelona có 15, nhưng Inter chỉ thua 0-1 và giành quyền vào chung kết. Đó là một đòn đau giáng vào Barca và những giá trị của họ. Với Mourinho, đó không chỉ là chiến thắng ở một trận bán kết Champions League, đó là chiến thắng của những giá trị, triết lý và tư duy bóng đá mà ông theo đuổi, chống lại những kẻ hợm mình đã không chấp nhận ông.
Error loading player: No playable sources found
Mourinho ăn mừng đầy phấn khích ở Camp Nou khi Inter vượt qua Barca ở Bán kết Champions League năm 2010.
Nhưng ngay cả Inter hóa ra cũng chỉ là bước đệm. Luôn có cảm giác là Mourinho thích thú hơn ở Anh hay Tây Ban Nha. Đó là những nơi nhiều tiền bạc và quyền lực hơn, và quan trọng nhất, Tây Ban Nha là nơi đang có Barcelona và Guardiola.
Barca đã thống trị Tây Ban Nha dưới thời Guardiola, làm Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez rất bực tức và giận dữ. Sau chiến thắng của Inter trước Barcelona, có vẻ như Mourinho là người duy nhất ở châu Âu đủ sức lật đổ Barcelona của Guardiola. Sự tuyệt vọng của Perez lớn tới mức ông chấp nhận hy sinh cả lối chơi và những giá trị hào nhoáng của Real Madrid để đổi lấy phong cách thực dụng xảo quyệt của Mourinho: Quyết định bổ nhiệm HLV người Bồ tại Bernabeu được công bố mùa Hè 2010.
Khi Madrid tới Camp Nou ngày 29/11, họ đang đứng đầu, hơn Barca 1 điểm. Đó là thời khắc Madrid đã chờ đợi từ lâu, thời khắc Mourinho cho thấy ông có thể lật đổ Guardiola. Kế hoạch của ông là làm lại điều đã làm 7 tháng trước, lùi sâu và chọc giận đối thủ. Nhưng Barcelona giờ đã khác, cơ động và tràn trề sinh lực hơn nhiều. Sau 14 phút, Barca dẫn 2-0. Mourinho buộc phải đẩy cao đội hình. Chung cuộc: Barca - Real 5-0.
Madrid chỉ thua thêm 3 trận nữa ở mùa đó, nhưng vẫn không đủ. Barca không chỉ vô địch La Liga mà cả Champions League, vượt qua chính Madrid ở bán kết. Trong cuốn sách tiểu sử Mourinho đầy tranh cãi và khá hằn học của Diego Torres, tác giả cho rằng chiến thuật tiêu cực của Real đã khiến một số cầu thủ trụ cột thất vọng (công bằng mà nói, cuốn sách có nhiều nguồn rất độc từ phòng thay đồ Bernabeu).
Torres cho rằng Mourinho ở Madrid không chỉ có động cơ là chiến thắng, điều vốn là mục tiêu duy nhất của ông ở những nơi khác, mà còn bị thôi thúc bởi khát khao thiết lập vị thế chiến lược gia bóng đá số 1 thế giới, một người tiên phong, một nhà hiền triết tối cao của chiến thuật bóng đá. Mourinho nói đi nói lại về trivote, tam giác những tiền vệ chơi quyết liệt, vào bóng không thương tiếc có thể giành lại bóng từ cao trên sân, đồng thời tạo ra một lá chắn không thể xâm phạm với hàng thủ. Ông dường như đang muốn “khai chi lập phái” cho một đường hướng chiến thuật của riêng mình, để sánh ngang với những Johan Cruyff, những Arrigo Sacchi.
Trận bán kết Champions League diễn ra trong bầu không khí đầy thù địch, nhưng trên sân thì lại trầm lắng hơn. Madrid chẳng làm gì ngoài phá lối chơi của đối phương. Rốt cuộc, cả hai trận đấu là một đội chuyền và đi bóng, trong khi đội kia kéo người và giẫm đạp. Đó là bóng tối và ánh sáng, bóng đá và phản bóng đá. Trong 17 trận của Mourinho gặp Barcelona khi ông dẫn dắt Madrid, đội bóng của ông phạm 346 lỗi, so với 220 của đối thủ.
Theo Torres, Mourinho vạch ra một kế hoạch đơn giản gồm 7 điểm để thắng những trận đấu lớn:
1) Đội phạm ít sai lầm hơn sẽ thắng trận.
2) Lợi thế thuộc về đội khiến đối thủ phạm nhiều sai lầm hơn.
3) Trên sân khách, thay vì chơi hay hơn đối thủ, tốt hơn là khiến họ phạm sai lầm.
4) Ai có bóng thì dễ phạm sai lầm.
5) Ai cầm bóng ít hơn thì ít khả năng phạm sai lầm hơn.
6) Ai có bóng thì phải sợ mất bóng.
7) Ai không có bóng vì thế sẽ mạnh hơn.
Đó không gì khác là một phản đề toàn diện của phong cách Barcajax.
Hội chứng mùa thứ 3
Sự chua cay trong mối quan hệ giữa Barca của Guardiola và Madrid của Mourinho tiếp tục ở mùa giải sau đó, điển hình là trận Barca-Madrid kết thúc với 2 thẻ đỏ trong giờ đá thêm và vụ móc mắt đáng xấu hổ của Mourinho với Tito Vilanova, trợ lý HLV Barca, một hành động hèn nhát sẽ còn để lại hậu quả lâu dài cho những ai tham gia.
Ngày 7/5/2013, khi mùa giải thất vọng của Madrid sắp kết thúc, Mourinho tới khách sạn Sheraton Madrid Mirasierra một mình để chuẩn bị cho một trận đấu ở Liga gặp Malaga. Ông không chịu đi cùng các cầu thủ vì cho rằng họ đã phản bội ông. Một nhóm ultra của Madrid, Ultras Sur, tự nhận là những CĐV Madrid nhiệt thành nhất, đợi Mourinho với một tấm băng-rôn bày tỏ sự ủng hộ với ông. Cuộc chiến giữa Mourinho và đội trưởng CLB khi đó Iker Casillas là gần như công khai.
Tối hôm đó, tin tức về việc Manchester United sẽ bổ nhiệm David Moyes thay thế Alex Ferguson được loan đi. Theo Diego Torres trong cuốn tiểu sử Mourinho nói trên, HLV của Madrid thất vọng. Ông tin rằng ông có quan hệ đặc biệt với Ferguson, nhưng HLV sắp giải nghệ của Man United thậm chí không thèm gọi hỏi ý kiến ông. Tối hôm đó, Mourinho liên tục kiểm tra tin tức xem có phải là nhầm lẫn không. Sáng hôm sau, ông gọi cho người đại diện của mình Jorge Mendes để xem có cách nào ngăn cản việc bổ nhiệm Moyes xảy ra không.
Dù Mourinho là bạn, Sir Alex lại chọn David Moyes.
Ngày hôm sau, Mourinho khẳng định ông luôn có ý định quay lại Chelsea, rằng vợ ông muốn sống ở London. Có lẽ điều đó đúng, nhưng sự bực tức của Mourinho là không thể tránh khỏi, càng tệ hơn khi quyết định đó phần nào không liên quan tới bóng đá. “Một HLV Man United”, Sir Bobby Charlton, lại một mẫu Cruyff nữa ở Old Trafford, nói. “Không thể nào làm những gì như đã làm với Tito Vilanova… Mourinho là một HLV rất giỏi, nhưng tôi không thích”. Cùng lúc, những tuyên bố và hành động của ông gây ra nhiều xào xáo ở Madrid. “Vấn đề là”, Torres dẫn lời một lãnh đạo công ty Gestifute của Mendes. “Khi mọi chuyện không ổn với Mou, ông ấy không theo nguyên tắc của CLB, mà của chính ông ấy”.
Lúc đó, những lựa chọn của ông khá ít ỏi: ngoài Paris Saint Germain, Chelsea là CLB duy nhất ở đỉnh cao thực sự muốn có ông. Hơn thế, ông sẽ trở lại một đội bóng mà ông được yêu mến, và thậm chí là được các CĐV chấp nhận lối đá thực dụng tới tiêu cực của ông. Mùa Hè 2013, Mourinho tới Chelsea hứa hẹn một cuộc đoàn viên dịu ngọt, nhận mình là “người hạnh phúc”, thậm chí còn úp mở về một lối đá đẹp hơn, với những cầu thủ sáng tạo như Oscar và Eden Hazard.
Chelsea quả có đá điệu đà hơn, nhưng chỉ tới tháng 12, khi họ thua Sunderland ở Tứ kết League Cup. Sau trận đó, Mourinho tỏ ra mệt mỏi và chán nản, ông nói về việc trở lại với những gì cơ bản. Ông có 9 ngày trước khi Chelsea lại ra sân và đã làm đúng như thế, bắt đầu với trận hòa 0-0 không chút cảm xúc với Arsenal. Nhưng hiệu quả là miễn bàn: Chelsea chỉ thủng lưới 4 bàn và trải qua chuỗi 13 trận bất bại ở Premier League, dù cơ hội vô địch đã không còn.
Mùa tiếp theo, Chelsea đăng quang dễ dàng. Cứ mỗi vòng đấu trôi qua, họ lại càng tỏ ra chắc chắn sẽ giành cúp. Sự chú ý chuyển từ việc ai vô địch thành nhà vô địch nên chơi thế nào. “Tôi nghĩ câu hỏi đó là vô lý”, Jorge Costa, cựu cầu thủ Porto thời Mourinho hiện là HLV ĐT Gabon, nói. “Chiến thắng luôn là quan trọng nhất. Là cầu thủ, tôi muốn thắng. Là HLV, tôi cũng muốn thắng. Tôi không nghĩ có đội nào chơi hay hơn Chelsea mùa trước”.
Maniche đồng ý: “Những kẻ chỉ trích chẳng hiểu gì bóng đá. Arsenal có vẻ thích thú với một HLV không có danh hiệu, nhưng bạn sẽ thích ai hơn? Bạn cần chiến thắng, và để chiến thắng, bạn cần Mourinho”. Bản thân HLV người Bồ cũng luôn rõ các ưu tiên của ông: “Ngay cả những đứa trẻ cũng không chơi để thua cuộc. Bóng đá ở trình độ cao nhất thì đương nhiên càng thế”.
Nhưng trong dài hạn, đó hóa ra không phải là một triết lý chiến thắng. Đây mới là lần thứ 3 Mourinho bước vào một mùa giải thứ 3 với một đội bóng trong sự nghiệp cầm quân. Trong 2 lần trước, ở Chelsea lần đầu và ở Real Madrid, mọi việc đã nhanh chóng trở nên tệ hại.
Bela Guttmann, HLV huyền thoại người Hungary, là người đã nhận xét rằng “mùa giải thứ ba là sống còn”. Ông giải thích rằng sau 2 mùa giải, một HLV đã nói tất cả những gì phải nói, phong cách của ông ta đã định hình và trở nên dễ đoán, các cầu thủ không còn thấy sự mới mẻ, không còn thấy một động lực từ những thay đổi và sự tự mãn bắt đầu lan tràn. Đó là một hội chứng mà mọi HLV đều phải vượt qua và chỉ rất ít người, như Ferguson, vượt qua thành công”.
Muốn đến Man United vì Guardiola?
Có lẽ có một vấn đề đặc thù trong phương pháp của Mourinho là ông bào mòn cầu thủ quá nhanh. Ông tự nghĩ ra những âm mưu để khích lệ đội nhà, ông chửi bới và đấu đá với những HLV khác, tỏ ra nanh nọc trong những cuộc chiến thật ra không có thật mà chỉ do ông tưởng tượng ra. Dần dần, điều đó khiến các cầu thủ kiệt quệ về cảm xúc và tâm lý.
Ngay cả trước khi mùa giải này bắt đầu, trong chuyến du đấu Mỹ của Chelsea vào tháng 7, Mourinho có lẽ đã cảm thấy điều gì đó không đúng, cảm thấy sự thiếu khát khao và thấy một số trụ cột bắt đầu nghi ngờ ông. Khi Chelsea cứ vấp ngã hết lần này tới lần khác trong mùa giải, Mourinho lại giở trò quen thuộc. Ông khởi phát một vụ tranh cãi không bắt tay với HLV Arsenal Arsene Wenger. Ông rầy la công khai hai nhân viên y tế của CLB. Eva Carneiro, bác sĩ của đội, sau đó phải ra đi và kiện lại cả Chelsea lẫn Mourinho. Chỉ trong vài tuần, những tính toán quen thuộc của Mourinho phản tác dụng.
Vụ chỉ trích bác sĩ đã khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng ở Chelsea.
Các nhân viên y tế, do đặc thù nghề nghiệp, thường là những nhân vật rất quan trọng trong nội bộ đội bóng. Họ dành nhiều thời gian gặp gỡ và trao đổi với các cầu thủ, các cầu thủ tin tưởng họ. Một cầu thủ gặp vấn đề với bắp chân có thể không nói chuyện với HLV, mà với bác sĩ trước tiên. Trao đổi về chuyện riêng tư của cuộc sống cũng có thể là một phần của quá trình trị liệu, điều mà HLV, nhất là một HLV như Mourinho, có lẽ ít khi làm.
Sau hàng loạt kết quả tai họa và những màn trình diễn kém cỏi, cuộc khủng hoảng lên tới đỉnh điểm vào ngày 3/10, khi Chelsea thua Southampton 1-3. Dưới áp lực, Mourinho phản công. Ông có bài phát biểu dài 7 phút trên đài Sky: “Tôi muốn làm rõ… 1) Tôi không bỏ chạy; 2) Nếu CLB muốn tôi ra đi thì họ phải sa thải tôi vì tôi không chạy trốn khỏi trách nhiệm của mình, đội bóng của mình… 3) Còn quan trọng hơn điều thứ hai, tôi nghĩ đây là một khoảnh khắc trọng đại trong lịch sử CLB. Quý vị biết vì sao không? Nếu CLB sa thải tôi, họ sẽ sa thải HLV giỏi nhất mà đội bóng từng có. Và thông điệp ở đây là gì: lỗi là của HLV, không phải của các cầu thủ”.
Không ai hiểu thực sự Mourinho muốn nói gì. Bài độc thoại khá rối rắm, bao gồm cả những lời mỉa mai độc ác với trọng tài Bobby Madley và kêu gọi tất cả mọi người ở CLB “phải chịu trách nhiệm”. Bài diễn văn không có ích gì trong việc làm thay đổi các kết quả, và tình hình cứ ngày một tệ hại hơn. “Mourinho là một HLV tuyệt vời, nhưng sau 1 năm rưỡi, anh ta làm hỏng hết cầu thủ”, cựu HLV ĐT Anh Fabio Capello từng nói về Mourinho.
Chelsea đánh bại Aston Villa, nhưng rồi thua ở West Ham trong đó một cầu thủ của họ bị đuổi khỏi sân ngay trước giờ nghỉ. Mourinho tiến lại gần trọng tài Jon Moss, văng tục và chửi “đồ yếu ớt”, điều khiến Mou bị cấm chỉ đạo trận tiếp theo của Chelsea. Liệu đó là một phút bốc đồng ngớ ngẩn hay lại là một âm mưu nữa để tạo ra cảm giác tất cả chống lại ông? Không ai biết.
Ngày 17/12/2015, mọi chuyện đi tới kết thúc khi Mourinho trở lại từ một bữa tiệc Giáng sinh của CLB và gặp Eugene Tenenbaum, một giám đốc ở Chelsea và một trong những người thân cận nhất của Abramovich, đang đợi sẵn trong văn phòng của ông. 10 phút sau, Mourinho đã rời CLB “theo sự đồng thuận”. Giọt nước cuối cùng là thất bại dưới tay đội đầu bảng Leicester City, đội bóng đang dưới quyền dẫn dắt của Claudio Ranieri, chiến lược gia vui vẻ người Italy đã phải nhường chỗ cho Mourinho ở Chelsea năm 2004.
CĐV Chelsea cho rằng Hazard, Fabregas và Costa đã phản bội Mourinho.
Sau trận đấu đó, Mourinho đã có một bài độc thoại nữa về những kẻ đã “phản bội” ông. Ông nói rõ việc các cầu thủ đã không tuân theo những chỉ dẫn phòng ngự ra sao. Ông khẳng định một cầu thủ đã tiết lộ đội hình xuất phát cho Porto trước khi họ gặp nhau ở Champions League vào đầu tháng 12, trong khi quan hệ của ông với nhiều trụ cột đổ vỡ công khai: Diego Costa ném chiếc áo dự bị của anh vào Mourinho sau khi không được vào sân ở trận gặp Tottenham, trong khi Eden Hazard tránh một cái ôm của ông khi anh rời sân ở Porto. Vào ngày Mourinho bị sa thải, giám đốc thể thao của Chelsea cũng nói đã có sự “bất hòa không thể hòa giải”.
Giờ tiếp theo sao đây? Mourinho đã nói muốn trở lại việc huấn luyện ngay lập tức và thậm chí khẳng định muốn một công việc khác ở Premier League. Van Gaal đang chịu nhiều áp lực ở Manchester United, và Mourinho có thể thay thế người thầy của mình. Rồi Guardiola đã tuyên bố sẽ rời Bayern cuối mùa này, với Manchester City nhiều khả năng là điểm đến tiếp theo. Điều này có thể làm sống lại mối kình địch cũ, ở hai CLB vốn không đội trời chung.
Bao năm qua, Mourinho luôn bị Guardiola ám ảnh.
Nhưng Man United cần thận trọng. Trong 8 mùa giải sau khi nhận công việc ở Porto, Mourinho giành 6 chức VĐQG và 2 Champions Leagues. Nhưng từ khi tới Madrid năm 2010, ông chỉ có thêm 2 chức vô địch nữa. Rất ít HLV ngự trị ở đỉnh cao trong nhiều hơn một thập kỷ. Đó là một nghề nghiệp quá khắc nghiệt và đòi hỏi cao.
Những gì tốt đẹp nhất của Mourinho, vì thế, có thể đã ở sau lưng.