Quy định về độ tuổi bán rượu bia: Chế tài cho cả người bán và người mua

Quy định về độ tuổi bán rượu bia: Chế tài cho cả người bán và người mua
ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, việc quy định sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến bằng thẻ và người mua phải khai báo tuổi khi mua rượu, bia như Luật vừa ban hành chưa đủ hiệu quả trong kiểm soát sự tiếp cận của giới trẻ với rượu, bia.

Sau bảy năm xây dựng luật, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã ra đời với mục đích hạn chế việc tiếp cận của người dân đối với rượu, bia; kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo tiếp thị đối với các tài trợ các sản phẩm rượu và tăng thuế đối với rượu bia. Đây là ba trụ cột – ba giải pháp thiết yếu mà Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị các quốc gia thành viên khi đưa ra các văn bản luật phải tiếp cận dưới góc độ đó.

Việc ban hành Luật này là một sự tiến bộ của Việt Nam trong việc hình thành thể chế pháp lý liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, giúp giảm đi các yếu tố nguy cơ như giảm bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường, tim mạch.

Một trong những mục tiêu kiểm soát chặt nhằm hạn chế tiếp cận của giới trẻ với rượu bia, tại khoản 5 Điều 32 của Luật quy định: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.

Từ ngày Luật này có hiệu lực - 01/01/2020, các cơ sở có bán rượu, bia, như các cửa hàng tạp hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn… cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định nêu trên.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Trang, đây là một điểm chưa thật sự hiệu quả trong luật. Bởi lẽ, nếu luật có hình thức quy định chặt chẽ hơn như phải khai số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ rõ ràng, không được giao trực tiếp đến nhà mà đến cơ sở kinh doanh mua thì quy định mới chặt chẽ và mạnh. Nhưng hiện nay, Luật mới chỉ quy định giải pháp người mua chỉ cần khai báo tuổi, gây khó khăn cho quản lý.

Một điểm nữa, hiện nay Luật  yêu cầu sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến bằng thẻ để hạn chế giới trẻ mua rượu bia. Tuy nhiên, trẻ em sẽ không có thẻ ngân hàng nhưng hiện nay có một loạt hình thức thanh toán online mới như ví Momo, công cụ thanh toán, thẻ chơi game có thể tích điểm thanh toán được… rất khó kiểm soát.

Các nước phát triển với mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn còn lúng túng trong việc kiểm soát độ tuổi khi mua hàng, kiểm soát khi nhận hàng trong khi rượu, bia vì đây không phải hàng hóa bình thường, là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện và hạn chế tiêu dùng.

Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chính vì vậy, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi chưa được toàn diện. Nếu sử dụng rượu (chất kích thích có nồng độ cồn trên 5%) sẽ là rất nguy hiểm. Khi sử dụng chất kích thích này, người chưa đủ 18 tuổi sẽ không tự làm chủ được hành vi và có thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, về sức khỏe và sinh lý, người chưa đủ 18 tuổi chưa hoàn thiện về mọi mặt, việc sử dụng rượu bia quá sớm cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý cũng như sức khỏe của chính mình.

Việc hướng tới hạn chế sự sẵn có của rượu, bia đối với giới trẻ là một hướng đi của rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ngoại trừ một số nước như Thái Lan quy định tuổi được phép mua rượu, bia là từ 20 tuổi trở lên và ở Indonesia là 21 tuổi, thì đa số quy định độ tuổi từ 18 trở lên mới được sử dụng rượu, bia.

Việt Nam đã có hành lang pháp lý quy định về độ tuổi được phép mua rượu, bia và quy định đối với những cơ sở kinh doanh, bán lẻ khi bán rượu, bia cho người sử dụng. Việc quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một quy định đúng đắn, đưa hệ thống pháp luật nước ta đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

MỚI - NÓNG