Quốc hội yêu cầu khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI 'báo lỗ, chuyển giá'

TPO - Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn các dự án hiệu quả, có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước,

Triệt để tiết kiệm chi 

Sáng 10/11, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu lớn được Quốc hội “chốt” là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP...

Quốc hội yêu cầu khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI 'báo lỗ, chuyển giá' ảnh 1

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội

Về nhiệm vụ và giải pháp, Quốc hội yêu cầu tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của Trung ương và chính quyền địa phương; không chuyển vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

Rà soát toàn bộ BOT

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn các dự án hiệu quả, có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước, bảo đảm các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường. Có giải pháp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Liên quan đến hình thức đầu tư BOT giao thông, Quốc hội yêu cầu thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nói riêng. Nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Quốc hội.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để buôn lậu. Tập trung phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng mạng lưới phân phối theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả.

MỚI - NÓNG