Quốc Cường Gia Lai bị ‘đá văng’ khỏi VN30

Quốc Cường Gia Lai bị ‘đá văng’ khỏi VN30
TPO - Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã chính thức công bố danh sách các cổ phiếu trong rổ VN30 và tỉ lệ free float của các cổ phiếu thành phần tài kỳ xem xét thứ hai năm 2012.
Quốc Cường Gia Lai bị ‘đá văng’ khỏi VN30 ảnh 1

Trong đợt đánh giá lại này, 4 cổ phiếu QCG (CTCP Quốc Cường Gia Lai), SJS (CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico), KDH (CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền) và HVG (CTCP Hùng Vương) đã bị loại ra khỏi danh mục.

Thay vào đó là sự gia nhập của 4 cổ phiếu mới MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội), HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen), DRC (CTCP Cao su Đà Nẵng) và NTL (CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm).

Ngoài ra, tỷ lệ free float tham gia tính chỉ số cũng được điều chỉnh lại: VIC từ 65% xuống còn 50%; VNM từ 30% lên 40%, STB từ 75% lên 80%... VIC, VNM và STB đang chiếm trên 10% tỷ trọng rổ chỉ số.

Chỉ số VN30 có tần suất tính toán 1 phút một lần và sẽ được xem xét định kỳ 6 tháng một lần vào tháng 7 và tháng giêng hàng năm. Tỷ trọng các cấu phần trong chỉ số không quá 10%. Chỉ số tính toán dựa trên phương pháp giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Các cổ phiếu phổ thông đang niêm yết trên sàn HOSE tham gia vào tính toán chỉ số phải không thuộc một trong các diện như: Cổ phiếu thuộc diện bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngưng giao dịch trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm xem xét.

Đáng chú ý, QCG và SJS là 2 cổ phiếu vào cùng bị HOSE đưa vào dạng cảnh báo ngày 13-4-2012 do kinh doanh thua lỗ năm 2011. Trong đó, công ty mẹ SJS lỗ 46,2 tỷ đồng; còn công ty mẹ QCG cũng lỗ 30,7 tỷ đồng.

Công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan bị loại khỏi rổ VN30
Công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan bị loại khỏi rổ VN30.

Theo Dân trí, đây thực sự là một tin không vui nối tiếp mạch "xui xẻo" của Quốc Cường Gia Lai trong năm kinh tế chung khó khăn, đình trệ này, nhất là với lĩnh vực bất động sản mà công ty đang hoạt động.

Hiện tại, trên HoSE, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đang là 1 trong 22 cổ phiếu thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ năm 2011 âm. Cụ thể, hồi tháng 4, cổ phiếu QCG bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do kết thúc năm 2011, cổ đông công ty mẹ bị lỗ hơn 30,7 tỷ đồng.

Trong kỳ xem xét hồi tháng 3 của FTSE Vietnam Index, một trong 2 quỹ đầu tư chỉ số lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, QCG cũng đã loại ra khỏi danh mục đầu tư của quỹ này.

Như nhiều công ty bất động sản khác, vấn đề tài chính đang là một áp lực lớn đối với QCG trong lúc nguồn tiền khan hiếm, chi phí nợ vay cao. Tại bản báo cáo tài chính hợp nhất quý I, tổng các khoản nợ ngân hàng của QCG là hơn 990 tỷ đồng (chủ yếu tài trợ cho các dự án bất động sản). Chi phí lãi phát sinh trong quý I gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, lên 29 tỷ đồng so dư tiền mặt 9,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong một lần trao đổi trên báo chí, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan từng cho biết, trong tổng nợ của Quốc Cường Gia Lai, công ty lo nhất là những khoản nợ vay tài trợ bất động sản, song khoản này chỉ hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tài trợ dự án Phước Kiển. Còn lại khoảng 200 tỷ đồng là những khoản nợ vay để xây dựng dự án chung cư, vay từ nhiều nguồn.

Cũng chính vì lý do đó mà hồi đầu tháng 6, QCG đã có văn bản xin ý kiến cổ đông cơ cấu lại nợ ngân hàng nhằm giảm áp lực nợ nần. Sau đó, HĐQT công ty hủy bỏ phương án này thay bằng việc xin ý kiến tăng hạn mức vay với dự án Phước Kiển lên 1.800 tỷ đồng, gấp 2 lần tổng hạn mức ban đầu. Đồng thời, đề xuất ngân hàng giãn thời gian trả nợ 1 năm và giảm lãi suất cho vay từ 18%/năm xuống còn 14-15%/năm.

Vũ Như tổng hợp

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG