1. Đặt tên con cái trùng hoàn toàn với tên danh nhân có sao không? Tôi trước sau vẫn cho rằng không nên.
Hồi cuối cấp 3 tôi học trường Trần Phú tức Petit Albert Sarraut. Có một đứa học giỏi, thỉnh thoảng được tuyên dương nhưng mỗi khi tên nó xướng lên là cả trường cười bò: Triệu Thị Trinh. Bà Triệu cơ đấy! Tôi mà là nó thì khi đủ lớn, đủ hiểu và ý thức sự phiền hà, sẽ bắt bố mẹ đổi tên quách!
Tên là Nguyễn Trãi tôi cũng từng thấy và không khỏi buồn cười. Chồng bạn tôi tên là Nguyễn Phi Khanh, chắc là không sao, tuy vậy tôi thỉnh thoảng vẫn trêu, hỏi thăm bạn rằng: “Thân phụ của Nguyễn Trãi dạo này thế nào?”
Thấy mấy vị quan chức đặt tên là Lê Quý Đôn, Lê Lợi…, tôi bảo “vô văn hóa quá” thì một người bạn khác tỏ ra xuề xòa “Có sao đâu, làm gì mà nặng lời”. Tôi nói: “Vậy chị có dám đặt tên con, cháu, hoặc ủng hộ người nhà đặt tên là Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng…không?”. Chị không nói gì nữa. Ngay cả cái tên như Quang Trung, theo tôi cũng nên tránh ra thì hơn.
Hồi bé tí, bạn bè tôi có đứa bảo “Có cái họ Dương hay thế sao không đặt là Dương Vân Nga hay Dương Quý Phi, Dương Ngọc Hoàn có phải là gây được chú ý không”. Vốn ghét cái tên dở đực dở cái của mình, lại còn quá bé nên tôi nghe cũng bùi tai, nhất là mẹ tôi lại tên Vân, đệm cho con thành Dương Vân Nga nghe kêu như mõ. Hihi may bố mẹ tôi không “sáng kiến” đến thế, ham hố đến thế. Phải biết kỵ húy chứ, và biết thân biết phận của mình, đâu thể bừa phứa được.
Có cả một kho tàng những cái tên để chọn, hà cớ gì lại đặt trùng với những danh nhân vĩ đại lưu danh sử sách, hoặc không hẳn vĩ đại nhưng quá nổi tiếng và gây tranh cãi, để rồi khiến người khác phải trố mắt và nín cười? Người nước ngoài thì khác nhé, kiểu đặt tên của họ khác người Việt chúng ta, nên trùng không sao.
2. Nghe nói khi bộ phim dài tập “Nhật ký Vàng Anh” còn chưa trình làng, nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã nói với đạo diễn Khải Hưng rằng tên của em độc lắm, đừng có đặt. Không nghe. Cuối cùng “độc” thật. Bê bối lớn khiến phim bị xếp xó chóng vánh, sau này chắc cả đoàn phim không ai muốn nhắc tới nó nữa.
Trùm tạp văn Nguyễn Việt Hà, một người thú vị, có một người giúp việc tận tụy tên là Vàng Anh, gốc quê. Anh gọi con bé là Vàng cho gọn, và nói đùa là con gái Chế Lan Viên mà biết Osin nhà mình tên Vàng Anh thì nó mắng chết! Tôi bảo thế là phải, vì thể nào anh chả đưa con bé Vàng nhà anh vào văn học! Thỉnh thoảng nghe anh kể chuyện con bé Vàng này rất buồn cười. Nhà anh có tay nuôi người, ai cũng ở được rất lâu, và ngoài tận tụy thì những cô gái nhỏ gốc quê này còn ngoan đạo nữa, ngày ngày đọc kinh cùng mẹ anh.
Là người hiểu chữ nên anh cũng gọi con bé giúp việc khác của mình là Lá cho nó gần gụi chân quê, chứ tên thật- Ngọc Diệp, nghe không phải lúc nào cũng hợp.
Một nhà văn khác, Hồ Anh Thái, thì dị ứng với sự trùng lặp tên tác phẩm của người khác, và trùng nghệ danh người nổi tiếng. Trong một bài in báo Tiền Phong, anh viết : “Một phim truyền hình đặt tên Đàn chim trở về, cứ như cũng không biết đã từ lâu có một tập truyện thiếu nhi mang cái tên ấy. Một phim điện ảnh lại đặt Hôn nhân không giá thú, đấy là cái tên tiểu thuyết của Ma Văn Kháng xuất bản khá lâu: Đám cưới không có giấy giá thú- riêng cái tên này không dễ trở thành công thức, khác biệt đến như vậy mà vẫn còn bị mượn không phép”. Đầy dẫn chứng khác trong giới phim ảnh được anh Thái dẫn ra. Theo anh Thái: “Người ta đã bắt đầu quen với việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm. Nhưng hình như ít ai nghĩ một cách nghiêm túc rằng tên tác phẩm cũng là một thứ bản quyền. Cũng cần phải đăng ký. Cũng không được vi phạm. Nghệ danh nữa, cũng là một thứ bản quyền”.
3. Năm 2005, Đỗ Hoàng Diệu tung truyện ngắn “Bóng đè”, lập tức “một bước đến văn đàn” như trường hợp Tạ Duy Anh với “Bước qua lời nguyền”. Từ bấy đến nay, “Bóng đè” chẳng hề chìm vào quên lãng, là một trong những truyện ngắn Việt Nam độc đáo nhất, từng được in và tái bản với số lượng lớn trong tập truyện cùng tên của Đỗ Hoàng Diệu.
Nhà sản xuất New Arena, đạo diễn Lê Văn Kiệt và toàn bộ ê-kip làm phim không hề biết đến truyện “Bóng đè” nên mới đặt tên phim của mình như vậy? Thế thì bây giờ, nhà văn lên tiếng rồi đấy, báo chí cũng thế, và nếu các vị vẫn kiên quyết không biết thì xin mời google “Bóng đè và dư luận” là ra cả mớ. Bây giờ, nếu biết rồi, thì liệu có còn khăng khăng giữ nó?
Điện ảnh Việt Nam thời hội nhập, xem nhiều phim cứ phải ngả mũ chào liên tục vì nhận ra người quen. Không giống cái nọ cũng giống cái kia. Vụ đạo phim trắng trợn nhất, không ai qua được Victor Vũ với Giao lộ định mệnh, y chang bộ phim Shattered của Mỹ, đến nỗi trước sức ép của dư luận, BTC giải thưởng Cánh Diều năm đó đã phải đuổi bộ phim này khỏi hệ thống giải.
Với đại dự án “Bóng đè” chưa biết mặt mũi ra sao đã gây lùm xùm tố nhau “hành xử kém” mấy ngày qua, hy vọng rằng, riêng tên phim mà nói, “khi ra lò sẽ có cái tên mới hơn, nóng hơn, sáng tạo hơn” (lời Đỗ Hoàng Diệu), chứ không phải là gây ì xèo không đáng có như thế này.