Quảng Ngãi: 6 cháu “mất” tên

Quảng Ngãi: 6 cháu “mất” tên
TP - Ở huyện đảo Lý Sơn có 6 đứa trẻ trong một gia đình lại lâm vào cảnh “mồ côi tên”, không được đến trường.
Quảng Ngãi: 6 cháu “mất” tên ảnh 1
Cháu Phước (phải) hàng ngày chỉ dám đứng ở cổng trường xem các bạn học

Anh Mai Trọng Hiểu sau mỗi ngày mưu sinh đầy vất vả vẫn còng lưng bên ngọn đèn dầu leo lét dạy cho đứa con đã lên 10 tập đánh vần từng con chữ.

Anh Hiểu thổ lộ: Lúc cháu lên 5 tuổi tôi nhờ người xin cho cháu vào học trường mẫu giáo Lý Vĩnh. Học được một tháng thì cô giáo bảo nộp giấy khai sinh nhưng cháu làm gì có nên đành phải khăn gói về nhà.

Xin vào trường Lý Hải thì cũng gặp chuyện tương tự. Vì thế, thay vì hàng ngày được vào lớp học như bao bạn cùng trang lứa thì cháu phải đứng ngoài cổng nhìn các bạn.

Đến bây giờ đã lên 10 tuổi nhưng cháu vẫn mù chữ, mù cả tên của mình. Cả làng không ai biết cháu tên gì. Họ chỉ gọi “tên cúng cơm” của cháu là: “Chó con”. Sao anh không làm giấy khai sinh để cháu được đi học? - Có hộ khẩu đâu mà làm.

Anh Hiểu sinh ra và lớn lên tại xã An Vĩnh (Lý Sơn). Để thoát cảnh nghèo đói, thiếu đất sản xuất, năm 1979 chính quyền địa phương đưa dân đi kinh tế mới.

Lúc này anh tròn 16 tuổi và là thành viên của gia đình đến vùng kinh tế mới Bá Lăng (xã Bình Minh, Bình Sơn) lập nghiệp. Nhưng rồi, năm 1993 bầu đoàn thê tử của anh phải khăn gói về lại quê cha đất tổ.

Năm lần bảy lượt xin nhập hộ khẩu nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời “hãy chờ” từ chính quyền địa phương. Cả gia đình anh ngày lại ngày ngóng trông nhưng chẳng thấy đâu.

Năm 1996, địa phương thực hiện Nghị định 64/CP về giao quyền sử dụng đất dài hạn, gia đình anh (8 khẩu: gồm 2 vợ chồng, 6 người con) vì không có hộ khẩu nên không được chia đất, chỉ biết làm thuê cuốc mướn sống qua ngày. 6 đứa trẻ không một đứa nào được đến trường, vì không có giấy khai sinh.

Năm 1999, vợ anh đưa 5 đứa lớn vào TP HCM kiếm sống, chỉ còn thằng nhỏ ở lại với anh. Tên anh đặt cho thằng “Chó con” là Mai Trọng Phước (sinh năm 1996), nhưng cũng chỉ mình anh biết. Những đứa bạn cùng trang lứa thì gọi cháu là “thằng lon”.

Bởi cháu thường đi lượm vỏ lon để đổi gạo. Những lúc anh Hiểu đi biển dài ngày cháu phải làm việc nặng nhọc để kiếm miếng ăn.

Anh Hiểu nhờ chúng tôi chuyển tâm nguyện đến các cấp thẩm quyền giải quyết sớm cho gia đình anh vấn đề hộ khẩu và đặc biệt là chuyện giấy khai sinh của các cháu. Đây cũng là điều kiện để gia đình anh có cơ hội tái hợp.

MỚI - NÓNG