Dũng bắt đầu với lĩnh vực tưởng như gần với chuyên môn: phòng trà ca nhạc. Với sự chung vốn của vợ tương lai, Bee Club ra đời năm 2009. Đầu tư tiền tỉ, quy mô thuộc dạng lớn ở Hà Nội lúc bấy giờ nhưng vẫn vắng khách. May nhượng lại được cho một đại gia cần chỗ chơi hơn tiền nên đỡ lỗ. Lê Anh Dũng nhận ra Hà Nội chưa có văn hóa phòng trà. Mọi người thích tụ tập hát cho nhau nghe hơn.
Không nản chí, Dũng tiếp tục cùng anh em mở một salon tóc cũng vào hàng lớn nhất nhì Hà Nội. Khởi đầu thuận lợi, nhiều đồng nghiệp nổi tiếng cùng các hoa hậu, người đẹp đến Eden làm tóc, ông chủ vài lần lên tạp chí Tóc đẹp. Nhưng cuối cùng vẫn phải chuyển nhượng. “Mình không lường trước được việc phụ thuộc vào thợ. Khách hàng sẽ đi theo thợ chứ không theo salon. Thợ chuyển đi là mình mất khách. Cũng may mình đoán được tình hình rút sớm. Chứ không biết nghề tóc mà duy trì thì suốt ngày chạy theo nó”.
Dạo bắt đầu làm phòng trà, ở thế “cưỡi lưng hổ”, Dũng từng nghĩ đến việc bỏ hát. Nhưng rồi xác định: “Mình đam mê kinh doanh thật nhưng về độ khát khao không thể so với ca hát. Mình vẫn muốn cống hiến bằng giọng hát”. Anh từng biết một số ca sĩ sau khi mở nhà hàng phải tiếp khách nhiều, hại sức khỏe, đến mức phải nghỉ hát. Vậy nên: “Nghệ sĩ kinh doanh phải chọn mô hình phù hợp, làm sao không mất quá nhiều thời gian, có thể quản lý từ xa mà vẫn hiệu quả”.
Dũng kinh doanh không hẳn vì tiền: “Gia đình tôi không có ai làm nghệ thuật hay kinh doanh. Kinh doanh là một phần con người, tính cách của tôi. Tôi muốn tìm hiểu và chinh phục những công việc mới. Kế toán hành chính vận hành kiểu gì, đối xử với nhân viên ra sao, nghiên cứu thị trường thế nào. Nhiều thứ mình học hỏi được trong quá trình kinh doanh khiến cho cuộc sống thêm thú vị”.
“Xác định đã là nghệ sĩ, mình phải chủ động việc kinh doanh để không ảnh hưởng việc chính. Chọn mô hình nào cũng phải tính rất kỹ đường lui, và phải nghĩ đến thất bại nhiều hơn chiến thắng. Nếu không thể dành toàn thời gian cho kinh doanh, phải tìm được những cộng sự, người đồng hành giỏi và tin tưởng giao trách nhiệm cho họ”. Lê Anh Dũng
Kinh doanh làm giàu vốn sống, thêm trải nghiệm giúp anh thể hiện có hồn hơn những ca khúc thiên về nội tâm, triết lý. Nó còn mở rộng quan hệ cũng là mở rộng thị trường cho ca sĩ. “Đấy cũng là cái được của kinh doanh”, Dũng nhớ lại. “Thời điểm tôi tổ chức liveshow (tháng 6/2021) đang mùa dịch rất khó khăn, triển khai bán vé toàn nhờ anh em và khán giả thân thiết”.
Có vẻ Dũng đã tìm ra bí quyết thành công ở cả hai lĩnh vực ca hát và kinh doanh. Hiện nhiều khách hàng vẫn không biết ông chủ của CLB bi-a 40 bàn mà họ thường lui tới lại là một ca sĩ. “Mình phải hiểu kinh doanh là ra lợi nhuận và mô hình nào phù hợp, hiệu quả thì mình làm chứ không hẳn theo ý thích. Như bi-a tôi có chơi đâu. Nhưng sau khi phân tích thị trường, mình chọn thì đúng là thắng luôn,”nhưng anh không định bỏ trứng cùng một giỏ. “CLB của tôi chỉ xếp sau trung tâm 73 bàn lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội thôi. Nhưng tình hình dịch dã cũng chưa biết tiến triển thế nào, bi-a gần đây cũng nở rộ nhiều CLB, nên tôi chỉ đầu tư thế này thôi”. Anh đang tiếp tục triển khai một mô hình kinh doanh khác nhưng chưa tiết lộ cụ thể mặt hàng.