Quán quân Giải thưởng UK Alumni 2024 và Hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư đầy ý nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
Triệu Thị Thanh Trúc (34 tuổi), cựu sinh viên Đại học Manchester, Founder của dự án bánh thuần chay Trookies được biết đến là “nữ chiến binh” trong cuộc chiến đẩy lùi ung thư của Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam (BCNV). Bằng nghị lực, niềm tin và ý chí kiên cường cô gái trẻ đã đẩy lùi căn bệnh ung thư này và truyền cảm hứng đến nhiều người. Và chính nhờ hành trình đầy ý nghĩa đó đã giúp Đại sứ của BCNV xuất sắc đạt giải quán quân tại Giải thưởng Study UK Alumni Awards 2023-2024.

Phát biểu tại lễ trao giải Giải thưởng Study UK Alumi 2023-24, Thanh Trúc chia sẻ: “Luôn giữ một tinh thần vững vàng và lạc quan, tôi tin rằng hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư tại Việt Nam tới đây sẽ còn có thêm nhiều sự đồng hành hơn nữa”.

Quán quân Giải thưởng UK Alumni 2024 và Hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư đầy ý nghĩa ảnh 1

Mạnh mẽ vượt qua “án tử”

“Tôi đã sốc, nhưng tôi chỉ khóc trong 2 phút” Thanh Trúc bắt đầu câu chuyện của mình khi đón nhận tin mắc căn bệnh ung thư quái ác ở tuổi 28.

“Sống trong xã hội vẫn thường nghĩ ung thư là “án tử” nếu ai đó nói không sốc, không hoang mang, không lo sợ khi hay tin mình bị mắc ung thư có lẽ là không thực tế. Tôi không ngoại lệ. Sốc nhưng tôi không suy sụp mà tự tin đón nhận để tìm cách vượt qua.” Thanh Trúc chia sẻ.

Là một thạc sĩ dược sĩ tốt nghiệp tại Anh, hơn ai hết, Trúc có thể biết được những tác động mà căn bệnh ung thư mang lại. Nhưng phải đến khi thực sự ở trong câu chuyện ấy, Trúc mới hiểu hết những thách thức mà các bệnh nhân ung thư phải đối mặt.

Thanh Trúc nhận ra rằng không phải ở những vùng xa xôi hẻo lánh mà ngay cả ở những thành phố lớn “bóng ma” định kiến về bệnh tật vẫn là nỗi ám ảnh khiến nhiều bệnh nhân im lặng. Và chính sự im lặng ấy đã cướp đi cơ hội khám và điều trị sớm của các bệnh nhân, thậm chí đẩy nhiều người vào lưỡi hái tử thần. Nhưng với những người cam đảm chấp nhận điều trị thì quá trình điều trị lại chính là rào cản khiến nhiều người chùn bước.

Ở thời điểm chị đi khám, vấn đề tư vấn và nói chuyện với bệnh nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể các bác sĩ hiểu rõ về ung thư, nhưng với bệnh nhân đây là một thế giới xa lạ đầy lo âu. Hơn ai hết, các bệnh nhân cần được đồng cảm, trấn an và động viên tinh thần từ các bác sĩ rất nhiều, hơn cả việc chỉ nói về quá trình điều trị hay tái tạo sau điều trị ra sao. Đặc biệt, xung quanh cách bệnh nhân còn vô số lời truyền miệng về các bài thuốc mà không một ai kiểm chứng, chính điều này càng đẩy họ ra xa cơ hội chữa trị kịp thời.

“Khi ung thư cho bạn trăm lý do để khóc, hãy cho nó thấy bạn có cả ngàn lý do để cười” Thanh Trúc cười nói.

Quán quân Giải thưởng UK Alumni 2024 và Hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư đầy ý nghĩa ảnh 2

Những “liều thuốc” quý cho cuộc sống thứ 2

Thanh Trúc bộc bạch, khi chị mắc bệnh quái ác, chính sự quan tâm, động viên đúng cách từ gia đình, bạn bè và những người thân yêu đã trở thành chỗ dựa vững chắc để chị tự tin đương đầu với ung thư. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ xã hội cũng là ngọn lửa tiếp thêm động lực cho chị trên hành trình chiến đấu. Với chị đó chính là những “liều thuốc” quý để giúp chị vượt qua và chiến thắng.

Chị Trúc vẫn còn nhớ mãi cảm giác khi biết đến Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, chị đã được truyền tải rất nhiều thông điệp tích cực và đón nhận nhiều hoạt động kết nối ý nghĩa khiến chị thấy “hành trình chiến đấu ấy mình không còn một mình nữa”. Thư viện tóc miễn phí, chương trình chia sẻ kiến thức để mọi người hiểu đúng về bệnh, hoạt động kết nối các bệnh nhân thông qua chạy bộ, zumba, yoga, hay đi cà phê cùng nhau,... là những món quà ý nghĩa mà Mạng lưới mang đến cho các chị em đồng bệnh tương lân.

Nhớ lại hành trình đã qua, chị Trúc chia sẻ: “Đến một thời điểm, bạn sẽ nhận ra ung thư cũng không quá kinh khủng. Thực chất, nó vẫn là căn bệnh có thể chữa được. Bản thân mình xem đây là cơ hội để mình bắt đầu cuộc sống thứ 2, sống chậm lại, tập trung vào cuộc sống của mình nhiều hơn, dành thời gian cho sức khỏe nhiều hơn như ăn uống, đi tập thể dục, và đặc biệt là tầm soát bệnh sớm hơn vì ung thư có xu hướng trẻ hóa”.

Phát hiện căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2B, thể ung thư tam dương - một trong những thể phát triển nhanh, dù phải phẫu thuật, hóa trị 6 lần và truyền thuốc sinh học đặc trị, khát vọng được sống, được cống hiến đã không cho phép cô gái trẻ chùn bước. Chị Trúc kể, đến lần hóa trị thứ 5 và 6, cơ thể bắt đầu yếu đi. Khi đó, chị đã tập viết nhật ký mỗi ngày và thường bắt đầu với dòng chữ: "Cố lên tôi ơi…!”

Kết thúc liệu trình hóa trị, chị được bác sĩ khuyên không được xách bất cứ vật gì trên 4kg bằng tay trái để phòng tránh phù tay/ phù bạch huyết sau khi trải qua phẫu thuật đoạn nhũ có nạo hạch nách. Với bản tính tự lập từ bé, chị đã mạnh dạn đăng ký một lớp weight training (phương pháp rèn luyện thể lực) 3 buổi/tuần ở phòng gym gần nhà. Mỗi buổi kéo dài khoảng 90 đến 120 phút, trong đó 60 phút tập kháng lực, thời gian còn lại thực hiện các bài liên quan đến tim mạch. Tháng đầu, do cơ thể chưa được linh hoạt, cầm tạ 1-2 kg là tay chị run bần bật. Giờ đây, chị có thể nâng mức tạ đến 78 kg, thậm chí có ngày còn đạt 92.5 kg.

Hành trình gian nan kéo dài hơn 5 năm, dẫu vất vả, thậm chí là đớn đau về thể xác, nhưng chẳng có gì cản bước được nữ chiến binh. Ý chí chiến đấu của chị đã tạo niềm tin cho nhiều người rằng: “Ung thư không phải là dấu chấm hết, mà là cơ hội để ta sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn !”

Chia sẻ để được sẻ chia!

Được rèn luyện tính trách nhiệm và giáo dục cộng đồng khá cao từ hồi học tập tại Anh, Thanh Trúc quyết định phải chia sẻ câu chuyện của mình đến cộng đồng các bệnh nhân dù ban đầu một số người họ hàng có ngăn cản “ung thư là cái nghiệp, có gì hay ho đâu mà khoe khoang”. Đây cũng là cơ duyên giúp chị trở thành đại sứ của Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam.

“Mình tin rằng việc học ở Anh đã có tác động lớn đến cuộc đời mình. Được trao cho những cơ hội tuyệt vời như vậy tại một trường đại học ở Anh, tôi không có lý do gì phải tiếc nuối khi chính mình phải đối mặt với hành trình ung thư, từ một dược sĩ giờ lại là một bệnh nhân”- chị Trúc nói.

Với kiến thức của một thạc sĩ Dược tốt nghiệp tại Anh, chị đã chia sẻ câu chuyện của mình trên nhiều diễn đàn để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư. Ngoài ra, với vai trò là đại sứ của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, Trúc và các đại sứ khác thông qua các chiến dịch gây quỹ đã quyên góp được 20.000 USD và đóng góp cho các thư viện tóc trên toàn quốc. Chị tin rằng: “Những chia sẻ ấy vừa giúp mọi người có kiến thức về ung thư, vừa giúp chính mình vơi đi nỗi đau trong quá trình điều trị. Chia sẻ là sức mạnh. Chia sẻ để được sẻ chia!”

Năm 2022, Trookies - một dự án làm bánh thuần chay và đóng góp lợi nhuận vào các chương trình giáo dục ung thư được Thanh Trúc khởi động. Cùng năm đó, chị đã tặng mái tóc của mình nuôi dưỡng 3 năm sau hóa trị và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ khác.

Quán quân Giải thưởng UK Alumni 2024 và Hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư đầy ý nghĩa ảnh 3
Thanh Trúc tự nhiên trên sàn diễn thời trang của thương hiệu Pinkmate

Năm 2023, dẫu cho ngày thường chẳng mang giày cao gót, đi catwalk bao giờ, chị Trúc vẫn tự hào bước đi trên sàn diễn thời trang nhân dịp ra mắt Pinkmate - thương hiệu áo lót dành cho bệnh nhân ung thư vú với thông điệp “Người bạn màu hồng - người bạn tâm hồn”. Tháng 10 năm ngoái, chị đã trở lại chạy 3km cùng 5.000 người ủng hộ khác tham gia Pinkrun, một sự kiện gây quỹ cho BCNV.

Nói về dự định tương lai, “nữ chiến binh” kiên cường hy vọng có thể phát triển nhiều công thức mới và mở cửa hàng đầu tiên cho Trookies, để mọi người không chỉ đến mua bánh mà còn được tiếp cận với các hoạt động của BCNV. Song song với đó, nữ Quán quân Giải thưởng Study UK Alumni 2023-24 - Hạng mục Tác động xã hội ấp ủ mong muốn được kết nối với các chị em chia sẻ về câu chuyện hồi phục cũng như các góc nhìn mới, phương pháp để các bạn tham khảo, áp dụng thông qua chuỗi podcast, youtube.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.