Ngôi nhà cao tầng tại phố đại Cồ Việt (Hà Nội), nơi SITC từng mở trường, chiêu sinh, rồi... đột ngột đóng cửa! |
Từ khi được cấp giấy phép đầu tư Trường quốc tế Hà Nội, gần 10 năm nay, Việt kiều Nguyễn Đình Hoan không báo cáo tài chính, không họp HĐQT, bỏ mặc mọi kiến nghị kiểm tra, thanh tra, vẫn không bị một hình thức xử lý nào hết...
Đây chính là một ví dụ điển hình về yếu kém trong công tác kiểm tra và hậu kiểm.
Kiểm tra
Ở vụ việc Trường quốc tế Hà Nội, phía Việt Nam trong liên doanh đã kiên trì gửi đơn khiếu nại và tố cáo những trò phi pháp của đối tác tới Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT, Bộ GD-ĐT gần chục năm nay.
Suốt thời gian dài, những lá đơn này bị quy cho là “mâu thuẫn nội bộ”; người ta gọi cả đôi bên liên doanh lên, khuyên nhủ “tử tế với nhau mà làm ăn”, rồi yêu cầu phải “hòa giải” (?!).
Chỉ đến khi báo Tiền Phong, rồi hàng loạt báo đài khác cùng vào cuộc, vạch ra những dấu hiệu sai phạm ở mức trắng trợn của Việt kiều Nguyễn Đình Hoan và một số kẻ tiếp tay cho ông ta, bấy giờ, một Đoàn kiểm tra liên ngành (do Bộ KH-ĐT chủ trì) mới được thành lập.
Thời gian làm việc chính thức của Đoàn là 14 ngày, song bà Trưởng đoàn Mai Thị Thu (Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT) đã dành mất 4 ngày để đi giải quyết việc riêng. Vì có ít thời gian, bà Thu chỉ thử kiểm tra tài chính một năm học (2001-2002).
Kết quả, bà Thu phát hiện “có sự sai lệch” giữa con số báo cáo của Hoan với con số bà Thu nắm được là hơn 8 ngàn USD, song lại “giải thích” luôn rằng sở dĩ có sự sai lệch này là do… nhầm lẫn. (Sau đó, Đoàn thanh tra vào cuộc, cũng năm học 2001-2002 đó, đã phát hiện ra sự chênh lệch giữa báo cáo của Hoan và thực tế lên tới hơn 90 ngàn USD).
Bà Thu cũng không phát hiện ra Hoan vẫn chưa nộp đủ vốn pháp định, trong khi lẽ ra bà phải biết rất rõ, bởi chính cơ quan của bà thẩm định hồ sơ để cấp giấy phép đầu tư cho Hoan. (Sai phạm nghiêm trọng này cũng chỉ được phát hiện khi Đoàn thanh tra vào cuộc).
Ở vụ SITC, sau khi hàng loạt học viên ở TP HCM, ở Đà Nẵng, rồi ở Hải Phòng khiếu nại, và một số tờ báo vào cuộc, chỉ có Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở GD-ĐT các địa phương kiểm tra các chi nhánh của SITC. Các cơ quan khác (KH-đt, Tài chính)... không hề có các đoàn kiểm tra kịp thời.
Rất nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm về tài chính của SITC hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có chức năng quản lý, mà trách nhiệm chính là của sở KH-ĐT các tỉnh, TP, và Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH-ĐT.
Và hậu kiểm tra
Khi nghiên cứu các bản kết luận kiểm tra (của các đoàn kiểm tra Sở GD-ĐT hoặc liên ngành các tỉnh, thành, sau khi làm việc tại Trung tâm và các chi nhánh của SITC), người ta nhận thấy, dù bước đầu vạch ra được sai phạm của SITC, như quảng cáo sai giấy phép đầu tư, chưa đăng ký chương trình đào tạo với Sở GD-ĐT sở tại, chưa làm thủ tục đăng ký với Sở LĐ-TB-XH về những giảng viên người nước ngoài, v.v., Song hầu hết các văn bản này chỉ nhắc SITC phải “chấn chỉnh”, mà không đề ra thời gian cụ thể để “chấn chỉnh” là bao nhiêu ngày, báo cáo kết quả với các cơ quan hữu quan như thế nào, nếu không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý ra sao.
Chẳng hạn, tại TP Đà Nẵng, Đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương này đã thực hiện việc kiểm tra Trung tâm SMTC (thuộc SITC) trong tháng 6/2005. Ngày 28/6/2005, Đoàn ra văn bản kết luận, vạch ra rất nhiều sai phạm của Trung tâm SMTC, trong đó có sai phạm nghiêm trọng là quảng cáo, chiêu sinh và bước đầu đào tạo thạc sỹ (thời điểm đó, sai phạm này đã bị các học viên khiếu nại và báo chí lên tiếng).
Thế nhưng, Đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở “việc liên kết đào tạo thạc sỹ là không đúng, cần chấn chỉnh”. Đến ngày 22/7/2005, tức sau khi TP Đà Nẵng kiểm tra gần 1 tháng, Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT sau khi kiểm tra, thấy Trung tâm này chưa hề “chấn chỉnh” được gì, song cũng chỉ kiến nghị nhẹ nhàng: “Trung tâm SMTC tại Đà Nẵng phải nhanh chóng thực hiện kết luận kiểm tra ngày 28/6/2005 của TP Đà Nẵng, trong đó chủ yếu là giải quyết ổn thỏa với những học viên đã đăng ký học tại SMTC Đà Nẵng”.
Riêng Bộ KH-ĐT, mãi tới ngày 5/9/2005, mới có ý kiến về việc Trung tâm SITC đào tạo “chui” thạc sỹ. Công văn số 5980 của Bộ KH-ĐT được ký vào ngày đó có yêu cầu Trung tâm SITC “chấm dứt ngay việc đào tạo các chương trình quản trị kinh doanh bậc đại học và trên đại học”. Song khi đi vào các vấn đề cụ thể như giải quyết quyền lợi của học viên, lại chỉ yêu cầu rất chung chung là “Đối với những trường hợp không thỏa thuận được với học viên, đề nghị Quý Trung tâm báo cáo phương án xử lý chi tiết để Bộ KH-ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét”.
Qua việc kiểm tra xử lý SITC theo cách thức trên đây, bạn đọc có thể thấy rất rõ: Phát hiện sai phạm chậm trễ, song xử lý sai phạm lại càng chậm trễ hơn. Và kết quả tất yếu là, khi SITC đột ngột đóng cửa, hậu quả đổ dồn lên vai học viên là điều không thể tránh khỏi!
Ở Trường quốc tế Hà Nội, chuyện kiểm tra và hậu kiểm tra xem ra còn đáng buồn hơn. Sau gần 10 năm nhận đơn khiếu nại - tố cáo, tháng 6/2004, lần đầu tiên mới có một Đoàn kiểm tra về cơ sở này làm việc. Lấy lý do “không đủ thời gian”, Đoàn kiểm tra kiến nghị cơ quan thanh tra vào cuộc tiếp. Thế nhưng, cũng phải 1 năm sau, Đoàn thanh tra mới về cơ sở này được!
Và như báo Tiền Phong đã đưa thông tin kịp thời, Đoàn thanh tra bước đầu làm rõ hàng loạt sai phạm của Việt kiều Nguyễn Đình Hoan, trong đó có cả những dấu hiệu vi phạm hình sự. Đoàn thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, song cho đến thời điểm này, hồ sơ vụ việc chưa rõ vì lý do gì vẫn chưa được chuyển sang cho cơ quan điều tra !?
Cần nói thêm rằng, trong quá trình Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì về Trường Quốc tế Hà Nội làm việc, phía Việt Nam trong liên doanh đã có đơn tố cáo ông Trưởng đoàn (là một Vụ phó trong Thanh tra Chính phủ) và một số thành viên của Đoàn đã cho phép phía Việt kiều Nguyễn Đình Hoan được lấy những tài liệu đã được Đoàn thanh tra niêm phong, đem về phòng riêng, có dấu hiệu “rà chỉnh” các số liệu hòng che giấu sai phạm…
Các bản kết luận kiểm tra và thanh tra ở Trường quốc tế Hà Nội đều yêu cầu Cty liên doanh này phải chấn chỉnh hoạt động, một trong những việc có ý nghĩa quyết định là họp HĐQT để ra nghị quyết khắc phục sai phạm. Thật kỳ lạ, sau khi có văn bản của các đoàn kiểm tra, thanh tra, ông Chủ tịch HĐQT (là người của phía Việt Nam) yêu cầu họp, song Việt kiều Hoan cương quyết không họp. Dường như ông Việt kiều này đang dựa hơi những người nào đó rất có “thế lực”, nên bất chấp pháp luật, bất chấp kiến nghị của các đoàn kiểm tra này, thanh tra nọ…
Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý sau kiểm tra, thanh tra, rõ ràng “đang có vấn đề”, hoàn toàn chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tế đặt ra. Đó chính là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài.