Quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả trên địa bàn Thủ đô

Người dân chọn mua hoa quả tại siêu thị Lotte (quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Người dân chọn mua hoa quả tại siêu thị Lotte (quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nội dung trọng tâm được TP Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều vụ vi phạm về ATTP đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn là nỗi lo thường trực...

Nhiều vụ vi phạm ATTP bị phát hiện

Theo báo cáo của HĐND TP Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố kiểm tra gần 334.000 lượt cơ sở về ATTP, phạt tiền hơn 21.000 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 90 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã khởi tố 4 vụ, với 7 đối tượng phạm tội sản xuất hàng giả, kém chất lượng. Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hiện, thành phố có hơn 70.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy vậy, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Do đó, ATTP đang là một trong những vấn đề lớn trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường của thành phố. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn, như: Tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm không bảo đảm ATTP tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả và các loại thực phẩm tươi sống kinh doanh ở các chợ, các điểm lẻ còn khó khăn; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư chưa bảo đảm vệ sinh thú y, gây mất vệ sinh môi trường, ATTP chưa được kiểm soát;… Đồng thời, việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm. Ngoài ra, ý thức của người dân, người sản xuất về thực phẩm, chấp hành các quy định pháp luật về ATTP chưa cao.

Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Lê Hồng Thăng cho hay, tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn vẫn có hiện tượng sản phẩm chưa bảo đảm ATTP. Hiện, lực lượng quản lý thị trường thành phố thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm quy định, đặc biệt là về hạn sử dụng của hàng hóa. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý ATTP còn mỏng, thông tin địa bàn chưa đầy đủ. Các vụ vi phạm chủ yếu xảy ra ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các huyện. Công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng quản lý về ATTP chưa chặt chẽ dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính chưa kịp thời.

Siết chặt thanh tra, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, Phó trưởng ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố: Để tăng cường hiệu quả quản lý ATTP, thành phố luôn xác định tuyên truyền là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Thời gian tới, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiếp tục phối hợp quản lý, nâng cao công tác tuyên truyền đến những cơ sở kinh doanh, chế biến có trách nhiệm với sản phẩm của mình; khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố giác những cơ sở không bảo đảm ATTP đến chính quyền các cấp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về ATTP;... qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả. Đầu tư thiết bị cho các cán bộ trong công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng ATTP. UBND thành phố cũng đã kêu gọi nhiều đơn vị tham gia xã hội hóa đầu tư công nghệ kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm tại các cửa hàng ăn nhanh, chợ đầu mối. UBND thành phố cũng đã ký kết hợp tác với các cơ sở xét nghiệm hiện đại của các viện nghiên cứu, Bộ Y tế; hoàn thiện cơ chế xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP.  Ngoài ra, Hà Nội đang đề xuất Chính phủ sớm cho phép thành phố sử dụng nguồn vốn đầu tư công để sửa chữa các chợ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, bảo đảm ATTP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Thủ đô, mỗi người dân phải tự ý thức về sử dụng các sản phẩm bảo đảm ATTP”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.