Một lính quân đội bị trúng lựu đạn của phe Áo đỏ. Ảnh: AP. |
Khốc liệt
Hãng AP đưa tin, các xe bọc thép đi trước, phá thủng hàng rào chiến lũy của phe Áo đỏ, binh lính và cảnh sát theo sau chiếm giữ những khu vực trọng yếu bên trong chiến lũy của phe biểu tình. Binh lính nổ súng vào người biểu tình, phe biểu tình bắn trả.
Khu vực Rajprasong ở trung tâm Bangkok bỗng trở thành bãi chiến trường khốc liệt với máu đổ, khói lửa ngút trời trong tiếng động cơ và xích xe bọc thép dưới mặt đất, máy bay trực thăng trên trời gầm rú xen những loạt súng trường tự động M-16.
Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, trong đó quân đội đã sử dụng cả súng máy, súng M-16, phe biểu tình dùng lựu đạn, súng tự tạo và gậy tre chống lại. Đã có ít nhất 4 người biểu tình và một phóng viên ảnh người Ý thiệt mạng, 60 người khác thuộc cả hai bên bị thương.
Trong số người bị thương có một phóng viên tự do Canada, một nhà báo Hà Lan, một nhà quay phim Mỹ. Bệnh viện cảnh sát ở Bangkok xác nhận phóng viên ảnh người Ý bị trúng đạn, thủng dạ dày và chết trên đường đi cấp cứu.
Nhận thấy không thể kháng cự được với cuộc tấn công của quân đội và cảnh sát, đến chiều 19-5 bảy lãnh đạo phe Áo đỏ trong đó có Natthawut Saikua, Jatuporn Prompan, Kwanchai Praipana, Nisit Sintuprai, Yosswarit Chuklom và Whiphutalaeng Pattanaphuthai đã đầu hàng cảnh sát. Ba thành viên khác thuộc ban lãnh đạo biểu tình gồm Arisman Pongruengrong, Weng Tojirakarn và một người nữa chưa xác định danh tính kiên quyết không đầu hàng, đã chạy thoát ra ngoài và đang bị cảnh sát truy nã.
Trước khi nộp mình cho cảnh sát, các lãnh tụ Áo đỏ nói rằng họ cần đầu hàng phe chính phủ để bảo toàn tính mạng cho những người biểu tình vì không muốn nhìn cảnh phụ nữ và trẻ em bị giết thêm nữa. Nattawut Saikua-một trong những thủ lĩnh của phe biểu tình khi bị cảnh sát giải đi đã quay lại nói với những người biểu tình: “Các anh chị em, tôi xin lỗi… Trái tim chúng tôi luôn hướng về anh chị em… Hãy trở về nhà đi”.
Giới nghiêm
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayakorn nói trên truyền hình rằng cuộc hành quân đã thành công. Mọi hoạt động của quân đội đều được thực hiện theo các qui định nghiêm ngặt. Ông Panitan cho biết, phía chính phủ đã chuẩn bị nhiều xe buýt sẵn sàng chở những người biểu tình nào tự nguyện trở về nhà.
Ông nói rằng tuy cuộc hành quân đã ngừng nhưng quân đội và cảnh sát vẫn tiếp tục các hoạt động cần thiết nhằm lập lại trật tự; do vậy những người không có trách nhiệm cần tránh vào khu vực giao tranh. Chính phủ Thái Lan ban bố lệnh giới nghiêm tại Bangkok từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.
Dư chấn
Cuộc tấn công của quân chính phủ vào thành lũy của phe biểu tình đã khiến những người Áo đỏ tức giận, đập phá và đốt các nhà hàng, trụ sở chính phủ... Trong số những nơi bị đập phá và đốt có tòa nhà của Cục Phòng chống ma túy, kênh 3 truyền hình Thái Lan, nhiều tòa nhà ngân hàng, trụ sở thị trường chứng khoán Bangkok, tòa nhà Central World trung tâm mua sắm lớn nhất châu Á, trụ sở Cục Điện lực thành phố…
Báo chí Thái Lan cho biết trụ sở của một số cơ quan chính phủ ở thành phố Udon Thani, tòa thị chính ở Khon Kaen phía đông bắc Thái Lan cũng bị những người phản đối chính phủ đốt cháy. Tình hình trật tự an ninh nghiêm trọng đến mức Tỉnh trưởng Udon Thani đã phải kêu gọi quân đội đến can thiệp.
Bộ trưởng Nội các Thái Lan, ông Satit Vongnongteay cho biết sự nổi giận của người biểu tình là điều đã được dự báo trước. Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Satit nói rằng sự đốt phá đó có thể được coi như những cơn dư chấn của một trận động đất.
Thống kê nhanh cho thấy, sau một tuần bạo lực ở Bangkok, ít nhất 44 người thiệt mạng, 279 người bị thương, hầu hết trong số đó là dân thường.
Cuộc đối đầu kéo dài hai tháng qua giữa chính phủ Thái Lan và hàng chục nghìn người biểu tình thân thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra đã tạm ngừng nhưng phía trước Thái Lan là một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.