Ông Lin Tao (phải) nói chuyện với nông dân Tây Tạng Yu Zhen tại nhà kính trồng rau của bà. Ảnh: Liang Chen. |
Ông Lin Tao, quan chức 42 tuổi ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô là một trong số hơn 1.000 người được chính phủ Trung Quốc gửi tới Khu tự trị Tây Tạng - vùng đất có độ cao trung bình 4.900m (nên thường được gọi là Nóc nhà của thế giới).
Họ là quan chức được chọn từ 17 tỉnh, thành phố, hơn 70 cơ quan chính phủ và 17 doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 1995. Trong số hơn 1.000 quan chức hỗ trợ Tây Tạng này, 46 người được các ban bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn.
Liên tục đo huyết áp, uống thuốc ngủ hằng đêm
Cuộc sống ở những vùng như Tây Tạng rất khó khăn. Hầu hết quan chức bị ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ phải xa gia đình ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, họ hiếm khi kêu ca.
Họ phải đua tranh quyết liệt để có suất đi Tây Tạng vì việc công tác một thời gian ở vùng biên giới làm tăng đáng kể cơ hội thăng quan tiến chức. Ngoài lương cao, họ còn được hưởng phụ cấp đáng kể.
Ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, hàng chục quan chức nộp đơn xin đi Tây Tạng năm 2010, nhưng chỉ có 3 người được chọn, trong đó có ông Lin. “Chúng tôi được chọn lọc cẩn thận. Được xem xét ở mọi khía cạnh, bao gồm tuổi tác, sức khỏe, kinh nghiệm làm việc, học vấn…”, ông Lin cho biết.
Các quan chức bắt buộc phải có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở cơ sở trước khi được gửi tới Tây Tạng. Ông Lin trước khi lên nóc nhà của thế giới là phó giám đốc một khu kinh tế ở Nam Kinh.
Tình trạng sức khỏe là một tiêu chí chọn lựa khác. Ở Tây Tạng, hàm lượng oxy trong không khí chỉ bằng 62% so với vùng ven biển, nên nhiều người mắc chứng chóng mặt độ cao.
“Bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, hầu hết quan chức hỗ trợ Tây Tạng phải đo huyết áp. Ngày nào họ cũng phải uống thuốc ngủ mới ngủ được”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Tạng Zhang Qingli nói.
Để đổi lại, những quan chức công tác ở Tây Tạng được thăng chức nhanh, hỗ trợ tài chính ở mức đáng kể. Ông Lin mỗi tháng được nhận thêm 6.000 nhân dân tệ (gần 20 triệu đồng), ngoài mức lương hằng tháng trên 10.000 nhân dân tệ (33 triệu đồng).
Nhưng ông Lin dành toàn bộ tiền trợ cấp của mình để hỗ trợ sinh viên địa phương. “Chính quyền khu vực hứa đem lại việc làm kha khá cho tất cả sinh viên Tây Tạng tốt nghiệp. Điều này có nghĩa rằng, mỗi cử nhân có thể giúp cả gia đình thoát nghèo”, ông nói.
Năm 2011, ông cùng hai quan chức khác còn dùng kỳ nghỉ hai tháng của họ để trở lại Nam Kinh thuyết phục cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng hỗ trợ các dự án phát triển Tây Tạng.
Chính phủ Trung Quốc quy định các quan chức ở vùng nội địa phải dành 3 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ công tác tại Tây Tạng cho việc làm quen với tình hình địa phương.
Họ bắt đầu công việc bằng cách thăm các làng mạc, thị trấn và huyện thuộc quyền quản lý của mình. “Thông qua việc thường xuyên đến thăm các làng khác nhau, tôi có kinh nghiệm trực tiếp, nên không hoang mang, hoảng hốt mà có thể xử lý nhiều vấn đề một cách hiệu quả, hợp lý mỗi khi có chuyện cấp thiết xảy ra”, ông Zhuo Dalin, Bí thư Huyện ủy Leiwuqi (ở phía đông bắc Lhasa - thủ phủ Tây Tạng), nói. Ông Zhuo phải biết gần hết các làng và trường học trong huyện.
Cách đó hàng trăm cây số, cuộc sống ở huyện Maizhokunggar (cao hơn 4.000m so với mực nước biển) cũng khó khăn không kém. Với dân số 50.000, hơn 96% cư dân là nông dân.
Cách thành phố Lhasa một giờ chạy xe ôtô, Maizhokunggar có 1/4 dân số sống dưới ngưỡng nghèo của Trung Quốc.
Đô thị gửi tiền cho vùng cao
Trước đây, cơ sở hạ tầng ở Tây Tạng rất thô sơ. Có tới 7 thị xã thiếu điện, nước máy và đường dễ đi. Khi các quan chức ở vùng nội địa tới, họ mang theo nhiều tiền từ quê họ để hỗ trợ kinh tế vùng cao, đem lại nhiều thay đổi lớn lao.
Theo quy định của chính phủ, các tỉnh, thành phố nội địa tham gia chương trình hỗ trợ đối tác phải dành 0,1% ngân sách của họ cho việc trợ giúp Tây Tạng.
Nam Kinh cam kết hỗ trợ Maizhokunggar 170 triệu nhân dân tệ (hơn 560 tỷ đồng) trong giai đoạn 2010 - 2013. Tiền hỗ trợ được quản lý nghiêm ngặt.
Chính quyền địa phương lập một tài khoản đặc biệt cho số tiền hỗ trợ, do phòng tài chính của địa phương quản lý. “Ai muốn sử dụng tiền hỗ trợ Tây Tạng phải báo cáo trước tiên với chính quyền huyện. Chủ tịch huyện sẽ xem xét đơn và quyết định cấp hay không cấp tiền”, ông Lin cho biết.
Tính đến nay, 65,4 triệu nhân dân tệ (gần 216 tỷ đồng) đã được chi cho 13 dự án, gồm các nhà kính trồng rau, ngô, trại chăn nuôi… Tất cả các làng trong huyện đã có điện và đường liên thôn.
Tám trường tiểu học, một trường cấp 2, một bệnh viện và một trung tâm văn hóa đã được xây dựng. “Ưu tiên cao nhất là tăng thu nhập của nông dân”, ông Lin nói.
Thu nhập bình quân theo đầu người tăng từ 4.800 nhân dân tệ (gần 16 triệu đồng) năm 2010 lên 6.200 nhân dân tệ (20,5 triệu đồng) năm 2011.
Bà Yu Zhen, một nông dân Tây Tạng đang nuôi hai con học đại học và một con học cấp 2, được hỗ trợ xây dựng ba nhà kính - nơi bà trồng cải bắp và ngô.
Bà nói rằng, trước đây, cả gia đình trông chờ vào thu nhập của chồng bà - 800 nhân dân tệ (hơn 2,6 triệu đồng)/tháng. Nay, bà có thể kiếm ít nhất 2.500 nhân dân tệ (gần 8,3 triệu đồng)/tháng từ ba nhà kính.
Chính sách riêng cho điểm nóng
Cung điện Potala ở Lhasa - trung tâm Tây Tạng. Ảnh: Getty Images. |
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ Tây Tạng ngay sau khi giải phóng vùng đất này trong hòa bình vào năm 1951.
“Một trong những mối quan tâm chính của chính phủ là thay đổi tình trạng kinh tế nghèo nàn, lạc hậu ở Tây Tạng”, ông Guo Kefan, chuyên gia Viện Khoa học xã hội Tây Tạng nói.
Theo ông Guo, điều kiện lịch sử và xã hội đặc biệt của Tây Tạng cùng những vấn đề tôn giáo, sắc tộc phức tạp ở vùng đất này khiến giới lãnh đạo Trung Quốc quan tâm.
Từ năm 1980 đến 2010, chính phủ tổ chức năm hội nghị để ra chính sách và biện pháp riêng cho Tây Tạng. Theo đó, tất cả trẻ em được chăm sóc y tế miễn phí và đi học miễn phí đến cấp ba. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ Tây Tạng được chính thức ban hành tại hội nghị tổ chức năm 1994.
Ông Guo nói, thời kỳ đầu, chính phủ cử quan chức khu vực và nhân viên y tế tới cải thiện tình hình y tế và sinh kế người dân địa phương. Dần dần, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng tham gia chương trình trợ giúp Tây Tạng.
Nhiệm vụ của các quan chức được gửi tới Tây Tạng rất khác nhau, tùy theo tình hình thực tế. Mỗi hội nghị về công tác hỗ trợ Tây Tạng đều tổng kết, đánh giá công việc đã làm được và vạch kế hoạch cho thời gian tới.
“Các quan chức vùng nội địa có thể đưa kinh nghiệm quản lý xã hội rất tốt của họ tới Tây Tạng. Họ có thể xây dựng cầu nối giữa khu vực phát triển và Tây Tạng”, Tanzin, một quan chức Tây Tạng 36 tuổi ở Maizhokunggar, nhận định.
Để tăng cường xây dựng đội ngũ, nhiều quan chức Tây Tạng được gửi tới quê của các quan chức vùng nội địa để được đào tạo, bồi dưỡng trong khoảng thời gian nhất định.
Khoảng 80 quan chức cấp thôn ở huyện Maizhokunggar đã tham gia các chương trình huấn luyện ở Nam Kinh. Tuy nhiên, ông Lin phát hiện một số vấn đề. Ông nhận thấy sự phát triển xã hội của Tây Tạng phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ tài chính của chính phủ và chính quyền tỉnh, thành nội địa.
Theo ông Lin, tổng thu ngân sách năm ngoái của Maizhokunggar là 230 triệu nhân dân tệ (759 tỷ đồng), nhưng huyện chi hết 300 triệu nhân dân tệ (990 tỷ đồng). “Chúng tôi cần phải tự lực và kích thích kinh tế phát triển bằng cách thực hiện các dự án và chương trình”, ông Lin nói.
Ông Kong Fansen quê ở tỉnh Sơn Đông được coi là hình mẫu cho các quan chức hỗ trợ Tây Tạng. Ông tình nguyện công tác ở Tây Tạng gần một thập kỷ và chết trong một tai nạn giao thông trên cao nguyên. |
Thái An
Theo Global Times, Xinhua, People’s Daily