Quan chức Thái bị cáo buộc buôn người

Quan chức Thái bị cáo buộc buôn người
TP - Một số quan chức nhập cư Thái Lan bị cáo buộc tiếp tay những kẻ buôn bán người tị nạn đến từ Myanmar, để chúng ép gia đình họ trả tiền chuộc hoặc bán họ làm nô lệ cho các tàu đánh cá, báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) hôm qua dẫn một số nguồn tin chứng kiến quá trình giao dịch.

Đòi chuộc gần 130.000 baht/2 nạn nhân

Theo báo SCMP (Trung Quốc), cuối tuần qua, 50 người Rohingya đến từ Myanmar nhập cư trái phép bị giữ tại trung tâm nhập cư Sadao ở miền nam Thái Lan bị đưa lên một xe buýt chở đến cảng Ranong gần biên giới Thái Lan - Myanmar.

Nhân chứng nhìn thấy chiếc xe buýt đến Ranong vào lúc 2h sáng; 12 giờ sau, một xe tải của Cục Nhập cư Thái Lan chở nhóm người này rời khỏi đó. Nguồn tin khác nói rằng chiếc xe buýt thứ hai chở 39 người từ trung tâm nhập cư ở Measod, tỉnh Trak đến cảng Ranong vào ban đêm. Chiếc xe tải thả người nhập cư tại bến tàu cách đó 12km, rồi thuyền đuôi dài chở họ ra con tàu đỗ ngoài khơi.

Nguồn tin của SCMP nói rằng, các quan chức quản lý nhập cư Thái Lan bán người Rohingya cho những kẻ buôn người Malaysia. “Đây là vấn đề liên quan nhập cư, tốt hơn anh nên nói chuyện với họ. Vấn đề là, tại sao chúng tôi phải giữ người Rohingya ở Thái Lan? Giữ họ lại khiến chúng tôi tốn gần 3 triệu baht mỗi tháng”, Đại tá Nattasit Maksuwan, Chỉ huy phó Bộ chỉ huy chiến dịch an ninh nội địa ở tỉnh Satun, trả lời SCMP và từ chối bình luận thêm.

Một nguồn tin khác trong cộng đồng người Rohingya ở tỉnh Phuket (Thái Lan) nói với SCMP rằng, anh ta nhận được cú điện thoại từ một tay buôn người Malaysia.

Kẻ buôn người nói hắn đang giữ hai cháu trai của anh này nên gia đình phải trả cho hắn tổng cộng 130.000 baht (gần 100 triệu đồng). Một tay buôn người Thái Lan nói việc mua lại người thân từ các tay buôn người Malaysia khó hơn nhiều so với việc thỏa thuận với các tay trung gian người Thái Lan.

“Nếu quan chức bán người nhập cư cho chúng tôi với giá 10.000 baht mỗi người thì chúng tôi có thể trả được. Nhưng nếu quan chức bán người Rohingya cho các tay môi giới Malaysia với giá 10.000 baht thì người thân của họ sẽ không có đủ tiền để mua họ về”, tay buôn người nói và cho biết những kẻ buôn người Malaysia thường đòi 40.000 - 65.000 baht cho mỗi nạn nhân.

Những người Rohingya không được người thân mua về sẽ bị đánh đập và bắt gọi điện thoại cho gia đình để họ phải chuộc. Nếu không được, nhiều khi họ bị bán cho các thuyền trưởng tàu cá để làm việc như nô lệ trong những chiếc tàu đánh bắt ngoài khơi Malaysia hoặc Thái Lan. Trước tình trạng nhiều tàu đưa người Rohingya vào Thái Lan qua đường bờ biển, hai trại buôn người rất lớn vừa được lập nên ở tỉnh Narathiwat và Satun.

Quan chức quân đội dính dáng?

SCMP nói họ không thể xác nhận bản chất thực sự của những giao dịch trên ở Ranong. Nhưng hồi tháng 1, chính quyền Thái Lan thông báo đang cho điều tra cáo buộc một số quan chức quân đội dính dáng đường dây buôn người Rohingya.

Theo SCMP, quân đội Thái Lan đối mặt nhiều cáo buộc đồng lõa. Không thể đưa người Rohingya trở lại Myanmar nên quân đội bị cho là đã giao những người vô thừa nhận này cho những kẻ buôn người gần biên giới. Người Rohingya không thể trở về Myanmar vì nước này không công nhận nhóm dân tộc Hồi giáo Rohingya là công dân của mình, nên không chấp nhận cho họ hồi hương.

Khoảng 1.700 người Rohingya được cho là đang bị giam tại các trung tâm và đồn cảnh sát khắp Thái Lan. Đây là những người “được cứu” từ các trại buôn người hoặc từ các con tàu chở họ xâm nhập lãnh thổ Thái Lan. Họ không bị buộc tội nào khác ngoài việc xâm nhập trái phép, nhưng lại không thể bị trục xuất vì chính quyền Myanmar không thừa nhận. Vì thế, những người này chưa biết sẽ bị giam giữ tới khi nào và số phận sẽ ra sao.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra gần đây bổ nhiệm Phó Thủ tướng Phongthep Thepkanjana làm trưởng nhóm quan chức chính phủ chịu trách nhiệm chuẩn bị báo cáo về tình trạng phản ứng của đất nước đối với nạn buôn người.

TRÚC QUỲNH
Theo SCMP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG