Ðặt móng cho du lịch bền vững
Được ghi nhận như địa danh tiên phong trong việc mở các điểm lưu trú tại gia đón khách du lịch từ năm 1993, chỉ dăm năm sau đó, nhiều homestay ở Bản Lác (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã trở nên lạc hậu, xô bồ, thiếu tiện nghi. Du khách vẫn tìm đến huyện miền núi này, nhưng ăn nhà hàng, ở khách sạn giá 1-2 triệu đồng/đêm.
Cách trung tâm huyện Mai Châu 14km, khi đó Mai Hịch là một bản vùng sâu nên thơ nhưng nghèo khó. Một Trung tâm nghiên cứu nhận được nguồn tài trợ của hai tổ chức quốc tế để làm dự án phát triển du lịch cộng đồng (Community Based Tourism, viết tắt là CBT) tại Mai Hịch, nhưng lúng túng suốt thời gian dài không triển khai được, cho tới khi ông Dương Minh Bình nhận tư vấn cho dự án này.
Từng công tác trong một doanh nghiệp lữ hành du lịch lớn, ông Bình tận dụng tối đa kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ của mình để kết nối liên ngành. Với cá tính “làm không cần nói”, ông Bình khích lệ được đồng bào địa phương trở thành nhà đầu tư chính trong dự án CBT. Ông giúp họ nâng cấp hoặc làm mới các homestay dựa trên kết cấu nhà ở sẵn có tại địa phương, lồng ghép tinh tế vật liệu tre, đá hài hòa với khung cảnh xung quanh.
Với các đối tác tư nhân, ông Bình thuyết phục đầu bếp khách sạn 5 sao, giảng viên du lịch đồng ý tham gia đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật; Huy động vật phẩm như vỏ chăn, gối, ga trải giường, rèm để phát không; Tặng máy xay sinh tố, máy pha cà phê espresso cho học viên xuất sắc; Thúc đẩy các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, các nhà điều hành tour quảng bá cho CBT Mai Hịch...
Du khách đến với CBT Mai Hịch thích thú ngợi khen sự lịch lãm từ nơi ăn, chốn ở, người dân thân thiện, đến các dịch vụ tăng thêm giá trị như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, mời dùng món ngon địa phương, hướng dẫn đi dã ngoại, chèo bè mảng, thuê xe máy, xe đạp, bán đặc sản địa phương, đồ thủ công và quà lưu niệm... Vài năm sau, mức sống cư dân CBT Mai Hịch tăng lên cả chục lần, có hộ thu nhập tiền tỷ. Họ tự trang trải các loại thuế phí, Nhà nước không còn phải lo bao cấp.
Thành công của dự án CBT Mai Hịch được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) ghi nhận, khuyến khích ông Bình thành lập doanh nghiệp xã hội CBT Travel, với sứ mệnh nhân rộng mô hình du lịch phát triển bền vững cho cộng đồng này ra toàn quốc.
CBT Travel đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, hội nghị, góp phần thay đổi cách suy nghĩ của lãnh đạo nhiều địa phương về cách phát triển du lịch phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giúp đồng bào nâng cao mức sống bằng du lịch, đồng thời bảo vệ môi trường.
Nối dài những homestay
Quanh năm suốt tháng, ông Dương Minh Bình không ngừng lặn lội về những miền xa heo hút, hướng dẫn đồng bào cách đầu tư du lịch hiệu quả mà không cần chờ có nguồn vốn lớn.
Được ông cầm tay chỉ việc tỉ mỉ, nhiều chủ hộ đã biết cách cải tạo căn nhà sàn đơn sơ sẵn có của mình thành nơi lưu trú đẹp đẽ, tiện nghi. Họ biết cách dùng các loại rau quả vườn nhà chế biến thành những món ngon hợp khẩu vị du khách. Họ lại biết cách hướng dẫn du khách tham quan, khám phá, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tham gia hoạt động thiện nguyện, kéo dài thời gian lưu trú trải nghiệm với nhiều niềm vui.
Tôi hỏi: Ðiều gì khiến ông không quản ngại vất vả, để quanh năm miệt mài đi giúp đồng bào những nơi khó nghèo, thiếu thốn? Dương Minh Bình ngẫm nghĩ, rồi chậm rãi trả lời: Tôi yêu quý sự thật thà, chất phác của họ! Giúp đồng bào thoát nghèo bằng cách làm du lịch, với tôi không chỉ là công việc, mà còn là đạo lý, là cảm hứng sống.
CBT Travel do ông Bình điều hành đã thiết lập được bộ tiêu chí chuẩn mực cho loại hình homestay “made in Vietnam” đầy sáng tạo. Ông nhân rộng rất nhiều điểm cho đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình... Rồi xuống Đồng Tháp, Sa Đéc, Đồng Nai theo đặt hàng của chính quyền các tỉnh quyết tâm đầu tư cho du lịch phát triển.
Trong chuyến khảo sát dịch vụ du lịch do lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mời về để chứng kiến quyết tâm trở thành “thủ phủ du lịch” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới, tôi đã có dịp chứng kiến cảnh reo vui hớn hở của các đoàn khách diện trang phục thổ cẩm các dân tộc phía Bắc rực rỡ, khi hội ngộ ông Dương Minh Bình nơi này. Ai ấy ôm vai, níu cổ, người gọi ông Bình là thầy, kẻ kêu ông Bình là bố. Chàng kỹ sư công nghệ thực phẩm Tráng A Chu, chủ một homstay đắt khách ở bản Hua Tạt (Vân Hồ-Sơn La) khẳng định: Nhờ bố Bình, mà đồng bào Mông ở Hua Tạt bây giờ giàu có, được du lịch khắp nơi để mở rộng tầm mắt đấy!
Tiếng lành đồn xa, lãnh đạo hơn 20 tỉnh thành đã mời ông Bình về tư vấn giúp địa phương làm CBT. Từ đầu năm 2018 tới nay, ông liên tục đi mở lớp. Mới thấy ông cặm cụi hướng dẫn cách trang trí nhà cửa cho đồng bào Giáy, Mông, Tày, Nùng, Dao ở Tây Bắc, thoắt cái, lại thấy ông cùng lãnh đạo, chuyên viên du lịch, Khu bảo tồn thiên nhiên Mã Đà và Vườn quốc gia Cát Tiên đi khảo sát cung đường qua buôn làng các dân tộc S’Tiêng, Chơ Ro, Mạ tỉnh Đồng Nai. Lịch trình 2018 của ông chật kín với hàng loạt dự án CBT các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Quảng Nam, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, vậy mà ông vẫn hào hứng đề nghị tôi bắc cầu kết nối để ông giúp xây dựng một CBT thật đặc biệt trên Tây Nguyên.
“Ðạo” của một đời
Người hay cãi cọ, nổi nóng với Dương Minh Bình, là chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch Lửa Việt Tours. Đi nhiều hiểu rộng, ông Mỹ là giảng viên nhiều khóa đào tạo du lịch, tác giả bộ sách “Ngày đàng sàng khôn” hấp dẫn và hữu ích với bất kỳ ai yêu thích xê dịch, trải nghiệm, khám phá. Khắc khẩu mấy, ông Mỹ vẫn nói về bạn mình với đầy sự nể trọng “Tôi chưa thấy ai máu lửa với du lịch, chịu ăn dầm nằm dề nơi thâm sơn cùng cốc, yêu quý và giúp đồng bào nghèo hiệu quả hơn thằng cha đó!”.
Tất cả các bí quyết làm du lịch, CBT Travel đều chia sẻ, phơi bày, vậy mà không ai theo được. Ông Mỹ than: Mình cứ lo lỡ ông Bình mà chết, thì mớ “kiến thức liền thân” của ổng chắc theo luôn.
Cách đây vài tháng, tôi có dịp công tác trên mấy tỉnh vùng cao Tây Bắc, dừng chân tại một CBT của tỉnh Yên Bái. Đêm ngon giấc với homestay chăn đệm ấm êm, sớm mai thức dậy bước xuống nhà sàn đã thấy mẹ con gia chủ- bà Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ) chuẩn bị tươm tất bữa sáng buffet.
Nhìn bà Loan và cô con dâu xinh đẹp khéo léo pha chế các loại sinh tố, cà phê, tôi hỏi các kỹ năng tinh tế này, các chị học từ đâu? Bà Loan vui vẻ kể hơn 3 năm trước, ông Dương Minh Bình lên đây ở nhà bà để hướng dẫn đồng bào Thái làm du lịch. “Ông chỉ dạy rất cặn kẽ, không những miễn phí mà còn tự tay nấu ăn cho cả gia đình tôi. Cả ngày chúng tôi lên nương, ông dạo quanh xóm giúp mỗi hộ vài việc, chiều tối chúng tôi về thì cơm nóng canh ngon đã sẵn sàng, cứ như có cô Tấm trong nhà.
Tôi hỏi: Điều gì khiến ông không quản ngại vất vả, để quanh năm miệt mài đi giúp đồng bào những nơi khó nghèo, thiếu thốn? Dương Minh Bình ngẫm nghĩ, rồi chậm rãi trả lời: Tôi yêu quý sự thật thà, chất phác của họ! Giúp đồng bào thoát nghèo bằng cách làm du lịch, với tôi không chỉ là công việc, mà còn là đạo lý, là cảm hứng sống với mục đích không ngừng thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp, hài hòa và văn minh hơn...