Phụ nữ Nhật Bản ngày nay. Ảnh minh họa: tribuneindia.com . |
Bộ luật dân sự này được nhà nước Nhật Bản thông qua cách đây 113 năm, trong đó quy định sau khi kết hôn, vợ chồng phải lấy tên riêng và họ của một người để sử dụng chung cho cả hai và đương nhiên ở Nhật đã trở thành tập quán rằng, tên riêng của người chồng được dùng để gọi người vợ.
Đơn kiện của những người phụ nữ nói trên cho rằng, quy định và thông lệ như vậy là vi phạm quyền bình đẳng giới được nêu trong Hiến pháp Nhật Bản. Việc làm của họ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước về quyền của phụ nữ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa tại một quốc gia mà phụ nữ luôn bị coi thấp hơn nam giới trong lĩnh vực kinh doanh, nghiên cứu, học tập, chính trị. Tập quán hiện nay ở Nhật Bản là phụ nữ sau khi kết hôn được chờ đợi là phải ở nhà để làm nội trợ, chăm sóc con cái.
Nhóm nguyên đơn (gồm 4 nữ và 1 nam) đang đòi chính phủ Nhật Bản bồi thường 70.000 USD. Theo đơn kiện, khoản tiền này là để bồi thường cho những thiệt hại về tinh thần mà bộ luật dân sự nói trên gây ra cho họ. Các nguyên đơn còn đòi chính quyền địa phương nơi họ cư trú chấp nhận sửa giấy đăng ký kết hôn bằng cách ghi thêm tên riêng của người vợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, công dân Nhật Bản đòi sửa đổi luật dân sự để tên riêng của phụ nữ vẫn được dùng sau khi họ kết hôn.
Vụ kiện này được coi là một thách thức đối với chính phủ và đảng cầm quyền của Thủ tướng Naoto Kan. Chính quyền của ông từng hứa ra luật cho phép vợ và chồng sử dụng tên riêng rẽ. Tuy nhiên, lời cam kết này chưa được thực hiện vì vấp phải sự chống đối của phe đối lập và những người bảo thủ trong Quốc hội. Hơn nữa, việc sửa đổi tên của phụ nữ đã kết hôn lúc này gây nhiều khó khăn cho ngành thuế và việc cải cách an sinh xã hội.
Bà Kyoko Tsukamoto (75 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở tỉnh Toyama) cho biết, bà đã chờ hơn 50 năm qua mà chưa thấy có sự thay đổi luật dân sự liên quan tên riêng của phụ nữ kết hôn. Bà đã tổ chức đấu tranh cho bình đẳng giới, vận động hành lang Quốc hội. Đến nay, bà đã hết kiên nhẫn.
Theo tập quán, bà Tsukamoto phải lấy tên chồng là Kojima ghi trong giấy đăng ký kết hôn. Điều này có nghĩa bà phải lấy tên chồng để ghi trong những văn bản pháp luật khác. Bà chỉ được sử dụng tên thời con gái của mình cho những mục đích riêng tư.
Bà nói: “Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Tôi muốn khi qua đời, tôi được chết với cái tên Kyoko Tsukamoto thời con gái của mình”.
Theo bà Tsukamoto, việc buộc người vợ phải lấy tên chồng là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Hiện nay ở Nhật Bản, những người phụ nữ tiến bộ đã kết hôn làm việc tại các công ty, cơ quan nhà nước, cơ quan khoa học đang có xu hướng sử dụng tên riêng thời con gái của mình bên cạnh tên chồng. Trường hợp của nhà văn Emie Kayama rất đáng chú ý.
Bà Kayama kết hôn năm 2000. Theo luật, bà phải lấy tên chồng dùng trong các văn bản hồ sơ chính thức. Do quá nhiều bất tiện khi không được dùng tên thời con gái, vợ chồng bà tuy vẫn sống cùng nhau nhưng đã nộp đơn xin ly hôn để được mỗi người mang tên riêng của mình. Cả hai ông bà hiện tham gia nhóm đấu tranh đòi Quốc hội sửa đổi luật dân sự phần nói về tên người phụ nữ có chồng.
Cuộc đấu tranh này hồi năm 2009 nhận được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc trong Công ước về loại bỏ tất cả hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Liên Hợp Quốc đã thúc giục Nhật Bản sửa đổi luật dân sự để bãi bỏ phần quy định chỉ lấy một tên chung cho cả hai vợ chồng.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G-8 đòi hỏi các cặp vợ chồng sử dụng cùng một tên họ. Các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản như Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn cho phép người phụ nữ đã kết hôn giữ nguyên tên riêng của mình, không phải lấy tên chồng.
Nguyễn Đại Phượng
Theo AP