Phụ nữ hiện đại học cách yêu mình

Phụ nữ hiện đại học cách yêu mình
TP - Khi những người xây tổ ấm biết chăm sóc, yêu bản thân, họ đã tự nâng mình lên để hạnh phúc hơn và dễ lây niềm vui cho người khác. Đó là “kết luận có hậu” từ chương trình phụ nữ học cách yêu mình.

Phụ nữ 30+ độc lập, hoang đường hay thực tế?

Cùng nhau thảo luận cách yêu mình của CLB phụ huynh Vala
Cùng nhau thảo luận cách yêu mình của CLB phụ huynh Vala.

Hẹn hò nữ giới

Sôi động qua điện thoại, hẹn hò trên diễn đàn mạng cho ngày cuối tuần, những phụ nữ có chung điểm đến nhà số 8, ngõ 42 phố Ngọc Phan (Hà Nội). 8h30 chương trình bắt đầu nhưng chị Mỹ Hạnh, giáo viên trường THCS Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) đã đến trước 30 phút.

“Thú thực, ở cái tuổi này ít có gì làm mình háo hức như đến hẹn hò với 2 mẹ già này”, chị Hạnh nói đến TS tâm lý Nguyễn Kim Quý và Nguyễn Lâm Thúy, 2 chuyên gia sáng lập Văn phòng tham vấn gia đình và trẻ em Vala (thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam). Đó là buổi sinh hoạt thứ 6 CLB phụ huynh Vala nhưng với chủ đề mới tinh: Phụ nữ học cách yêu mình.

Lớp học đa dạng nghề nghiệp: Công chức, kinh doanh, nhân viên văn phòng và các tổ chức phi chính phủ... với nhiều độ tuổi.

Yêu mình cũng phải học

Chuyên gia Lâm Thúy cho biết, quan niệm xưa nay của nhiều người yêu mình là ích kỷ, chỉ biết vun vén cho bản thân là sai lầm bởi khi chưa chăm sóc tốt cho mình thì đừng hy vọng chăm sóc cho người khác.

Theo chuyên gia, quy trình trọn vẹn để phụ nữ yêu mình trước hết phải hiểu mình một cách toàn diện, nhiều chiều, sau đó là chấp nhận mình với tất cả ưu, nhược điểm; làm chủ mình, tự lo cho mình và cuối cùng là nói về hôm nay và ngày mai.

Chuyên gia Lâm Thúy ra đề bài: Mỗi người liệt kê 6 cụm từ để nói về bản thân với mục đích kiểm tra họ đã hiểu bản thân một cách khách quan, toàn diện chưa. Hầu hết phụ nữ có mặt đều liệt kê những cụm từ chỉ sở thích, sở trường, chiếm 30% nội dung cần thiết.

Chị Lâm Thúy cho biết, còn 4 cụm từ hầu hết phụ nữ thiếu là: Hình thức, sức khỏe, khả năng học tập, hoàn cảnh gia đình.

Qua nhiều chương trình giảng cho phụ nữ, chuyên gia này cho rằng, hầu hết phụ nữ chưa biết cách yêu mình và việc thể hiện của họ về chủ đề này giống như chuyện ngụ ngôn Thày bói xem voi vậy. Liên tục với các câu hỏi, thảo luận nhóm...từng thành viên khám phá ra cách yêu mình hiệu quả.

Với chị Ngọc là tiến đến sự tự tin khi biết nhược điểm nhút nhát, e dè luôn khiến chị khổ sở, không hạnh phúc. Chị Trần Thị Phượng, chủ doanh nghiệp tư nhân, 35 tuổi nhận ra niềm vui của chị là biết san sẻ công việc, những khó khăn của mình với mọi người; khi mình khỏe mạnh, vui vẻ thì mới mang lại hạnh phúc cho người thân...

Theo các chuyên gia, có rất ít phụ nữ với chỉ số cảm xúc (EQ) cao dễ dàng nhận ra và có khả năng chăm sóc bản thân tốt hơn. Trước đây, chính chị Lâm Thúy cũng ngộ nhận, hy sinh mọi thứ của bản thân để chăm sóc gia đình là cách thể hiện người phụ nữ mẫu mực. Nhưng lúc chị ốm đau, lên cơn hen phải tự mình bò lết để lấy thuốc, không có người thân chăm lo, chị nhận ra rằng nếu mình không khỏe, không làm chủ được bản thân thì khó chăm sóc người khác.

Mỗi phụ nữ một câu chuyện

Cuối bài giảng, đại diện 3 nhóm thảo luận chia sẻ câu chuyện của mình. Hầu hết chị em phụ nữ có điểm chung là hy sinh quá nhiều cho gia đình mà kết quả họ nhận được chưa như mong muốn. Chị Trần Thị Phượng tự nhận mình là tuýp chỉ biết cho chứ không nhận. Là chủ doanh nghiệp và mẹ của 2 cậu con trai, chị Phượng cáng đáng, lo toan mọi việc của cty, gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con...

Khi chị đổ bệnh, phải cấp cứu tại bệnh viện và điều trị dài ngày, chị vẫn tiếp tục điều hành từ xa cấp dưới và mọi người trong gia đình. Dù thế, chị Phượng vẫn thấp thỏm lo khi thiếu mình, mọi việc sẽ rối tung. Mọi người ở cty, gia đình lại theo sự hướng dẫn của chị để đến bữa ăn, chị bị đói vì không hướng dẫn ai mang cơm cho mình.

“Lúc thấy người bệnh bên cạnh có chồng, em gái thay phiên nhau mang những bữa cơm nóng đến, nước mắt mình lăn dài. Không ai chăm sóc mình cả. Có người ngạc nhiên hỏi tôi sống độc thân sao mà không thấy ai đến thăm nom. Lúc đó tôi biết mình đã mắc quá nhiều sai lầm vì ôm việc”, chị Phượng nói.

Chị Ngọc Anh (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, chồng chị thường nhậu nhẹt tới khuya mới về. Có tuần anh không ăn cơm ở nhà. Lúc đầu, chị còn chờ cơm đến lúc đói lả, hai vợ chồng thường xuyên cự nhau, chị giận dỗi, cãi cọ cũng không làm anh về sớm hơn.

Chấp nhận sống chung với lũ, chị Ngọc Anh tham gia CLB và tìm những người bạn cùng sở thích. Học được cách yêu mình, mỗi tối ăn cơm xong, khi thì chị đi mát-xa, thỉnh thoảng đến spa chăm sóc toàn thân và thường xuyên tập thể dục nhịp điệu với chị em cùng khu phố... Chồng chị khá ngạc nhiên khi thấy chị tươi vui, thậm chí có lúc anh chủ động gọi điện báo cơm nếu không muốn bị vợ cắt phần.

Theo TS Nguyễn Kim Quý, hy sinh các nhu cầu, cảm xúc của bản thân khiến phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, đôi khi điều này làm hại mối quan hệ của họ. Chẳng hạn khi quá chăm chút, hy vọng ở chồng, phụ nữ cũng mong muốn được đáp lại y như vậy. Nhưng điều này không thực tế bởi nam giới khác phụ nữ rất nhiều. Họ đầu tư rất nhiều cho sự nghiệp, các mối quan hệ bạn bè, gia đình lớn... Khi không nhận được những gì mong chờ, phụ nữ sẽ cảm thấy thất vọng, buồn, tủi và quay ra trách móc, giận hờn... khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng.

“Vì thế, bạn không thể bắt người khác quan tâm và trân trọng mình nhưng bạn có thể tự làm điều đó. Chỉ có bạn mới biết rõ nhất mình cần gì và có thể làm gì để mình vui”, TS Quý nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.