Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 được sửa thành: “Trẻ trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được tổ chức theo quy định tại điều lệ trường mầm non. Số trẻ em trong một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 70 trẻ”, thay vì trước đó quy định “không quá 50 trẻ”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, năm nay chị dự định sẽ cho con trai 20 tháng tuổi đi gửi trẻ. Ở độ tuổi đó, trường công chưa nhận nên chị phải gửi ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục để con được chăm sóc. Chị đã đi khảo sát các nhóm nhà trẻ gần nhà thấy, đa số các nhà trẻ thuê 1 ngôi nhà hoặc một căn biệt thự liền kề có diện tích các tầng cộng lại khoảng 100m để trông trẻ. Với diện tích đó, các nhóm này chỉ chia được khoảng 3 lớp trông trẻ, mỗi lớp 2-3 cô trông khoảng 12-15 cháu.
Để con làm quen, mỗi ngày chị Vân đưa con đến chơi từ 1-2 giờ và thấy rằng, dù có tới 2-3 giáo viên nhưng các cô xoay như chong chóng vì: cho con ăn, vệ sinh, cho ngủ, trẻ nôn, trẻ khóc, trẻ ăn vạ… “Cả lớp như ong vỡ và cô luôn trong tình trạng luôn chân luôn tay. Như thế không stress mới lạ. Thậm chí, có trẻ mới được gửi đến nằm khóc lê thê từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều ở sàn nhà, các cô thay nhau bế và dỗ cũng không xong. Nếu tăng lên 70 trẻ thì chắc chắn các cô bị quá tải và trẻ là đối tượng hứng chịu hậu quả”, chị Vân nói.
Chị Tô Mai Loan ở Phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân (Hà Nội) cũng bức xúc: “Đổi mới giáo dục phải giảm sĩ số học sinh/ lớp thì nay Bộ GD&ĐT lại tăng số trẻ/ lớp làm sao dạy và học hiệu quả được”. Chị Loan cũng cho rằng, đa số trẻ gửi ở các nhà trẻ, nhóm lớp đông học sinh một là do nhỏ tuổi trường công chưa nhận, hai là thuộc đối tượng con công nhân, gia đình không có hộ khẩu. “Trẻ đông, giáo viên nhiều việc, áp lực lại nảy sinh bạo hành trẻ là điều khó tránh” chị Loan nói.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) lý giải, quy định tại Thông tư số 13/2015 thì số trẻ/ nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục là 50 trẻ nhưng thực tế nhiều nhóm lớp vượt lên trên 50 trẻ, có nơi lên đến 100 trẻ. Lý do, vì ở đó họ khó khăn về điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, bộ máy để thành lập trường do đó, việc tồn tại các nhóm lớp là cần thiết để đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ của phụ huynh.
Bà Hiếu cũng cho rằng, tại cuộc họp tháng 1/2008, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo giao Bộ GD&ĐT rà soát, chỉnh sửa quy định về tổ chức hoạt động của nhóm trẻ/ lớp mẫu giáo độc lập, tư thục phù hợp, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia phát triển giáo dục mầm non. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức hoạt động là cần thiết. Mục đích của việc sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDDT nhằm giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn cốt lõi.
Dự thảo tiếp tục lấy ý kiến dư luận đến hết ngày 24/5 tới.