Phong trào thanh niên cần mang hơi thở cuộc sống

​Anh Nguyễn Duy Sơn.
​Anh Nguyễn Duy Sơn.
TP - “Trong xã hội ngày càng phát triển, công tác Đoàn và phong trào thanh niên phải đắm mình vào hơi thở cuộc sống, nghiên cứu kỹ, nhanh, nghiêm túc để đưa ra những việc làm phù hợp, kịp thời”, anh Nguyễn Duy Sơn (Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao) chia sẻ.

Nhiều người đánh giá việc đoàn kết tập hợp thanh niên rất khó. Trong khi trên mạng xã hội cá nhân nổi tiếng một chút hô hào là tập hợp được rất đông như các nhóm sở thích phượt, chụp ảnh.... Vậy làm thế nào để một phong trào có thể tập hợp đoàn kết thanh niên?

Ta nên nhìn theo một hướng mở. Nhu cầu của thanh niên rất đa dạng. Có nghĩa là thanh niên không chỉ muốn đi phượt, đi chụp ảnh, cũng không chỉ có nhu cầu đi với những ca sĩ, người mẫu. Phải nhìn nhận ra nhu cầu khác của họ là gì. Ví dụ thanh niên có nhu cầu học tập, muốn kiếm một công việc ổn định, có một thu nhập tốt, khẳng định bản thân. Vậy, ta có thể tìm những cách rất đặc thù và có thế mạnh của Đoàn để triển khai. Ví dụ như hoạt động thanh niên tình nguyện. Bây giờ có nhiều tổ chức phi chính phủ hay người nổi tiếng, có uy tín cũng vận động tình nguyện. Hoạt động đó nếu thực sự vì cộng đồng, thực sự mang lại giá trị tốt thì nên khuyến khích. Cách tổ chức của Đoàn, thay vì đưa sẵn “thực đơn tình nguyện” cho họ thì Đoàn nên cung cấp cơ chế, có một phần nguồn lực, mối quan hệ công tác, tổ chức bạn bè... Khi đó họ sẽ tham gia với tư cách là đồng tác giả với tổ chức Đoàn, sẽ có nhiệt huyết hơn hẳn việc đề nghị, thúc ép, gắn với thi đua khen thưởng để phải tham gia. Tôi nghĩ trong xã hội ngày càng phát triển thì công tác Đoàn phải đắm mình vào hơi thở cuộc sống, nghiên cứu kỹ, nhanh, nghiêm túc để đưa ra những việc làm phù hợp, kịp thời.

Công tác ở Bộ Ngoại giao, vậy anh có tư vấn gì cho đoàn viên, thanh niên trong việc học ngoại ngữ?

Lợi ích của học ngoại ngữ thì không cần phải nói nhiều, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Xung quanh chúng ta có đất nước đã rất thành công khi đặt chuyện học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh lên ưu tiên hàng đầu, là quốc sách như Singapore. Ngoại ngữ là chìa khóa đầu tiên để hội nhập. Khi tham gia các đoàn giao lưu quốc tế thanh niên, có những bạn ngồi tương đối lặng lẽ trong góc và chưa thực sự hòa nhập được với tiết tấu chung của hội nghị, diễn đàn vì ngoại ngữ kém.

Tôi thấy ngày càng nhiều bạn trẻ có cơ hội đi du học, được học ngoại ngữ từ thực tế sinh động. Số lượng các bạn trẻ giỏi ngoại ngữ ngày càng nhiều hơn. Từ những bạn này, có thể tạo ra không khí xã hội chung về chuyện nên học và sử dụng ngoại ngữ.

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ Đoàn nên phát huy vai trò của mình. Ví dụ khi tôi công tác tại T.Ư Đoàn có tham gia các hoạt động quốc tế thanh niên, qua giao tiếp, trao đổi, khả năng ngoại ngữ cũng tốt hơn. Đoàn tổ chức các hoạt động rất tốt như tổ chức thanh niên tình nguyện Việt Nam – Canada cho các thành viên ở cùng với nhau trong gia đình người dân từ 3 – 6 tháng. Qua quá trình đó mỗi người đều có thu hoạch riêng, nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ. 

Từng làm Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao, thường xuyên đi công tác nước ngoài, anh nhận thấy thanh niên Việt Nam cần chuẩn bị những hành trang gì để hội nhập?

Xuất phát từ cảm nhận của tôi thì thanh niên nước ta có nhiều ưu điểm, về sự hiếu học, cầu thị, hòa nhã. Dân tộc chúng ta cũng là một dân tộc bao dung, khả năng hòa nhập cũng rất tốt, rồi khả năng thích ứng, học tập cái mới. Nhưng ngược lại có một số hạn chế chúng ta cần nhìn vào. Người Việt nói chung và thanh niên nói riêng thường không đi vào tận cùng chi tiết, cái gì cũng qua loa đại khái và thường nghĩ theo xu hướng trời sinh voi, trời sinh cỏ, rồi mọi chuyện sẽ ổn, đâu sẽ có đó nên không cố gắng nhiều, không cần phải quá chi tiết, quá cụ thể trong công việc. Hội nhập đặt ra nhiều yêu cầu mới, mình phải đáp ứng tối thiểu được cái chuẩn chung quốc tế mà chuẩn này thì không phải gắn với các từ qua loa, đâu sẽ vào đó được...

Cảm ơn anh.

Cách tổ chức của Đoàn, thay vì đưa sẵn “thực đơn tình nguyện” cho họ thì Đoàn nên cung cấp cơ chế, có một phần nguồn lực, mối quan hệ công tác, tổ chức bạn bè... Khi đó họ sẽ tham gia với tư cách là đồng tác giả với tổ chức Đoàn, sẽ có nhiệt huyết hơn.

Anh Nguyễn Duy Sơn

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.