Phòng khám từ thiện của các bác sĩ tuổi 80

Phòng khám từ thiện của các bác sĩ tuổi 80
8h sáng, hai y bác sĩ đầu tóc bạc phơ bắt đầu đo huyết áp, chia thuốc cho bệnh nhân trong phòng khám vỏn vẹn hơn 10 m2. Họ làm công việc khám bệnh miễn phí này từ 20 năm nay.

Bà Trần Thị Long (84 tuổi, Minh Khai) bước vào phòng khám số 18, ngõ 4, phường Kim Đồng (Hoàng Mai, Hà Nội) với tâm trạng phấn chấn, khác hẳn sự lo lắng thường gặp của bệnh nhân đi khám bệnh. Đặt chiếc túi vải xuống ghế, bà tiến lại gần bác sĩ Lê Thanh Thước để đo huyết áp. Vị bác sĩ 82 tuổi, đầu tóc bạc phơ, rướn đôi mắt đã đục qua cặp kính, hỏi han nhẹ nhàng: "Dạo này bà chuyển về ở với con trai, không phải trông cháu nữa nên tinh thần thoải mái, huyết áp ổn định hơn nhiều rồi đấy".

Bà Long cười lớn thành tiếng nhưng gương mặt lại thoáng buồn. Mấy tháng nay bà chuyển về ở cùng anh con trai ở tận Minh Khai nên không thường xuyên đến đây khám được. Với bà, không có phòng khám nào bác sĩ lại thân thiện trò chuyện, hỏi han bệnh nhân từ việc đau ốm đến cả những chuyện đời thường nhỏ nhặt như ở đây. Vì vậy hai năm nay, bà là "bệnh nhân ruột" của các bác sĩ Trương Thị Hội Tố, Lê Thanh Thước và y tá Lê Thị Sóc.

 Bác sĩ Lê Thanh Thước khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Anh
Bác sĩ Lê Thanh Thước khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Anh.

Lát sau, phòng khám đang yên ắng bỗng rộn rã với sự xuất hiện của bà Đỗ Thị Nhung (74 tuổi). Bà từ quận Cầu Giấy tới đây 4 lần, nhưng hôm nay mới gặp được bác sĩ để mang biếu phòng khám hơn chục vỉ thuốc kèm theo 200.000 nghìn đồng. "Tôi đi khám bệnh bảo hiểm, được người ta cho nhiều thuốc lắm, uống không hết mà để ở nhà thì phí ra. Biết phòng khám này các bác sĩ phải bỏ tiền ra mua thuốc để chữa bệnh, tôi mang xuống đây ngay để giúp đỡ người còn khó khăn hơn mình...", bà Nhung tâm sự.

Hơn 20 năm nay, phòng khám đã tiếp nhận nhiều tấm lòng vàng như vậy. Chăm chú nghe nhịp tim, đo huyết áp cho bệnh nhân, thi thoảng bác sĩ Lê Thanh Tước quay sang bảo cụ Lê Thị Sóc lấy loại thuốc này, thuốc kia gói về cho người bệnh. Hơn 40 năm công tác ở Bệnh viện Việt Đức, rồi Bệnh viện K chuyên khoa ung thư, kinh nghiệm của cụ đã giúp ích rất nhiều cho phòng khám.

"Có một giáo viên đến nhờ tôi khám u ở ngực. Linh cảm của người bác sĩ mách bảo tôi rằng chị đang ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư vú. Kết quả chẩn đoán tại Bệnh viện K đúng như vậy. Hai ngày sau khi nhập viện, chị phẫu thuật cắt bỏ một bên vú. Hiện giờ chị ấy vẫn khỏe và xinh đẹp", vị bác sĩ trầm tư kể lại.

Khoảng 10h kém, bệnh nhân đã về hết, cựu y tá Sóc vừa sắp xếp lại các loại thuốc trong tủ kính vừa kể lại nguồn gốc của nó. Chiếc tủ kính này là tấm lòng của Bí thư Đảng ủy phường Giáp Bát và Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, mỗi người ủng hộ 1 triệu đồng để các cụ thay chiếc tủ gỗ bạc màu. Theo cụ Sóc, đây là phòng khám đầy đủ, khang trang nhất trong số 7 nơi họ từng chuyển qua.

Người đầu tiên gây dựng phòng khám là cụ bà Trương Thị Hội Tố (sinh năm 1933), nguyên là Phó hiệu trưởng Cao đẳng y tế Nam Định. Là cựu chiến binh, vợ liệt sĩ, đồng lương bác sĩ về hưu cũng đủ cho bà một cuộc sống đầy đủ, nhưng bà và cụ Sóc, cụ Tố vẫn cùng nhau cống hiến, xây dựng phòng khám trong suốt 20 năm qua. Những người đồng hành cùng họ giờ người đã mất, người xin nghỉ vì tuổi cao sức yếu, riêng 3 cụ cố gắng duy trì phòng khám.

Trong 3 người, nhà cụ Tố ở xa nhất, tận Thanh Xuân nên cứ mỗi sáng thứ hai, bà lại thuê xe ôm đến phòng khám. Vì biết tấm lòng và việc làm từ thiện của bà, người xe ôm quen thuộc chỉ lấy bà 50.000 đồng hai lượt để đủ tiền xăng xe.

 Cụ Lê Thị Sóc bắt tay cảm ơn tấm lòng hảo tâm của bà Đỗ Thị Nhung. Ảnh: Lê Anh
Cụ Lê Thị Sóc bắt tay cảm ơn tấm lòng hảo tâm của bà Đỗ Thị Nhung. Ảnh: Lê Anh.

Ông Bùi Văn Huyên, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Giáp Bát, gọi bác sĩ Tố, bác sĩ Thước và y tá Sóc là "Bồ tát giữa đời thường". "Nếu không phải là người tâm huyết với nghề, không thấu hiểu với nỗi đau của bệnh nhân thì họ đã không thể làm công việc ở phòng khám này trong suốt 20 năm qua", ông nói.

Phòng khám lúc đầu chỉ có bà con trong phường, sau người ở rất xa cũng tìm đến, từ Mai Động, Thanh Xuân, đến Long Biên, Cầu Diễn... Mới đây, một số cụ già ở Thanh Hóa gọi điện xin gặp các y bác sĩ để giúp đỡ thuốc men và học hỏi kinh nghiệm mở một phòng khám tương tự ở quê nhà.

Điều khiến các bác sĩ tình nguyện tại phòng khám miễn phí này còn trăn trở là chưa vận động được đội ngũ bác sĩ tình nguyện kế cận thay thế. Họ mong muốn sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái tham gia để chữa bệnh cho bà con và duy trì phòng khám lâu dài. Trong thời gian tới, 3 y bác sĩ còn muốn mở rộng thêm phòng khám Đông y để phục vụ bà con được tốt hơn.

Theo Lê Anh
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG