Phong độ rệu rã của phim Việt 18+

TPO - Sau thành công của ''Mai'', những phim điện ảnh Việt Nam còn lại ra mắt nửa đầu năm nay đều để lại nỗi thất vọng tại phòng vé. Hai bộ phim Việt mới nhất vừa ra rạp tuy đều gắn mác "18+" nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để kéo khán giả đến rạp.

Câu chuyện tình yêu - tình dục của Gen Z quá hời hợt

B4S - Trước giờ yêu sở hữu dàn diễn viên Gen Z trẻ đẹp, đầy sức sống gồm Hoàng Yến Chibi, Jun Vũ, Tôn Kinh Lâm, Khánh Vân, Việt Hưng, Khazsak, Tùng… Phim gây chú ý với ý tưởng gốc mới mẻ, táo bạo, tập trung khai thác suy nghĩ của người trẻ về tình yêu và tình dục.

Kịch bản của Trước giờ yêu kể về ba cặp đôi, với ba hoàn cảnh khác nhau, cũng là ba câu chuyện riêng biệt nhưng có cùng chủ đề tình yêu - tình dục, hợp lại thành một bộ phim dài. Nội dung phim đã được tiết lộ phần lớn từ đoạn giới thiệu, dù có sự táo bạo ở phần nhìn, phim lại không thể gây được hứng thú cho khán giả bởi kịch bản hời hợt.

Phong độ rệu rã của phim Việt 18+ ảnh 1Phong độ rệu rã của phim Việt 18+ ảnh 2
B4S - Trước giờ yêu sở hữu dàn diễn viên đẹp, ý tưởng táo bạo nhưng thiếu ấn tượng bởi kịch bản hời hợt.

Đánh giá về bộ phim, nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng: "Cả ba câu chuyện trong phim đưa ra đều ở dạng tình huống và cách xử lý tình huống cũng lưng chừng, thành thử người xem không cảm được câu chuyện, không cảm được nhân vật. Các mảng miếng hài (đặc biệt là trường đoạn dài mua bao cao su ở một siêu thị tiện lợi) rơi vào dạng tiểu phẩm sân khấu và phải nói là quá cũ, cười không nổi".

Nhà phê bình này tiếp tục nêu lên vấn đề: "Cả ba câu chuyện tình yêu và tình dục của giới trẻ Gen Z được mô tả trong phim... hời hợt quá, chả lẽ chuyện yêu đương của giới trẻ chán vậy sao?".

Bên cạnh kịch bản không tương xứng với ý tưởng gốc táo bạo, chất lượng diễn xuất của dàn diễn viên B4S - Trước giờ yêu cũng không đi đôi với ngoại hình đẹp long lanh. Jun Vũ tiếp tục gây thất vọng với diễn xuất một màu, trong một vai diễn dễ gây ức chế vì sự không tương đồng giữa ngoại hình và tính cách.

Các diễn viên còn lại như Khánh Vân, Ngô Kinh Lâm, Việt Hưng hoàn toàn mờ nhạt. Chỉ duy nhất hai gương mới tạo được điểm nhấn là Tùng và Khazsak, chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhưng vẫn để lại thiện cảm cho người xem nhờ lối diễn tự nhiên, nhập tâm vào nhân vật.

Phong độ rệu rã của phim Việt 18+ ảnh 3

Hai diễn viên "tay mơ" là Tùng và Khazsak chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhưng vẫn để lại thiện cảm cho người xem nhờ lối diễn tự nhiên, nhập tâm vào nhân vật.

Dù chỉ mới ra rạp vào ngày 18/4 và vẫn đang thực hiện chiến dịch quảng cáo rầm rộ, B4S - Trước giờ yêu đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu hụt hơi tại phòng vé với chỉ xấp xỉ 3 tỷ đồng doanh thu.

"Cái giá của hạnh phúc" - kịch tính nhưng lỗi thời

Ra mắt gần như cùng lúc với B4S - Trước giờ yêu, Cái giá của hạnh phúc do Thái Hòa, Xuân Lan đóng chính đã thể hiện phong độ phòng vé cao hơn, thậm chí vượt mặt tên tuổi Hollywood đình đám Godzilla x Kong để vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng phòng vé Việt (theo Box Office Vietnam).

Phim hướng đến chủ đề ngoại tình, khai thác những góc khuất xấu xí đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, hạnh phúc của giới thượng lưu. Với nhiều diễn biến hấp dẫn, khó lường, Cái giá của hạnh phúc phần nào đã chiếm được cảm tình của khán giả và tạo được hiệu ứng truyền miệng.

Phong độ rệu rã của phim Việt 18+ ảnh 4

Cái giá của hạnh phúc do Thái Hòa, Xuân Lan đóng chính đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng phòng vé Việt (theo Box Office Vietnam).

Tuy nhiên, thực tế chất lượng của bộ phim không thật sự nổi trội, ý tưởng của phim không còn mới mẻ, dễ gợi nhớ đến các tác phẩm có cùng chủ đề như Chiếm đoạt, Trà, Quý cô thừa kế 2 hay rất nhiều bộ phim có cùng mô-típ đến từ Italia và Tây Ban Nha.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm thẳng thắn nhận xét Cái giá của hạnh phúc là tác phẩm lỗi thời trong tư duy và tính thẩm mỹ. Theo anh, các tình huống đưa ra trong phim hầu hết khiên cưỡng hoặc quá đà hoặc bất chấp logic hoặc bất chấp những quy tắc ứng xử trong xã hội.

"Phim non, vụng nhiều thứ nên dù nỗ lực truyền thông điệp tích cực cũng non vụng. Tôi nghĩ team Xuân Lan nếu muốn tiếp tục làm phim thì chắc chắn phải xử lý khâu kịch bản đầu tiên, nếu không khó đi được đường dài" - nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.

Phong độ rệu rã của phim Việt 18+ ảnh 5

Thái Hòa vẫn là một cái tên có sức hút lớn tại phòng vé.

Dẫu sao, Cái giá của hạnh phúc cũ nhưng có sức hấp dẫn nhất định, cộng hưởng với sức hút phòng vé của Thái Hòa, vẫn được xem là một điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2024 khi đã thu về hơn 15 tỷ đồng trong chưa đầy một tuần ra rạp.

Phong độ rệu rã của điện ảnh Việt

Sau thành công của Mai, gần như toàn bộ các bộ phim điện ảnh của Việt Nam đều thể hiện dưới mức kỳ vọng tại phòng vé, ngoại trừ thành công bất ngờ của Đào, Phở và Piano. Hàng loạt bộ phim ra rạp có kịch bản hời hợt, thiếu tư duy thẩm mỹ hoặc chất lượng diễn xuất nghèo nàn... Những điểm yếu cố hữu của phim Việt bao năm qua vẫn chưa thể được khắc phục.

Ngoài ra, chủ đề "18+" là một mảnh đất màu mỡ trong điện ảnh nhưng đáng tiếc, vẫn chưa có một nhà làm phim Việt Nam nào có thể tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng của mảng này. "18+" trong môi trường điện ảnh Việt cho đến nay vẫn chỉ dừng lại là một cái mác thường đi kèm với dòng chữ "táo bạo", cốt phục vụ mục đích quảng cáo.

Sắp tới, Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải ra rạp trước thềm 30/4, đầy hứa hẹn là tác phẩm trăm tỷ nữa của thương hiệu Lật mặt đình đám. Nếu vậy, kịch bản nửa đầu năm 2023 sẽ lặp lại khi dòng phim thương mại Việt chỉ đơn thuần xoay quanh cơn sốt phòng vé của Trấn Thành và Lý Hải.

Tin liên quan