Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu tại cuộc tọa đàm ngày 1/8. (Ảnh: Như Ý) |
Ông Lý Gia Siêu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/7-2/8. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai bên.
Tháp tùng ông Lý Gia Siêu đến Việt Nam lần này có nhiều quan chức chính quyền, hiệp hội và tập đoàn lớn, thể hiện sự coi trọng của Hong Kong (Trung Quốc) trong quan hệ với Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc tọa đàm. (Ảnh: Như Ý) |
Theo số liệu của Hong Kong (Trung Quốc), tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 31,3 tỷ USD năm 2023.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) và lớn thứ 7 trên toàn cầu của Hong Kong (Trung Quốc). Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 sang Hong Kong (Trung Quốc) với kim ngạch đạt 17,1 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 từ Hong Kong (Trung Quốc) với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, tính đến tháng 12/2023, Hong Kong (Trung Quốc) là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 tại Việt Nam tổng mức đầu tư lũy kế đạt 34,1 tỷ USD.
Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu tại cuộc tọa đàm. (Ảnh: Như Ý) |
Năm 2023, Hong Kong (Trung Quốc) vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,68 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore và Nhật Bản. Xu hướng này tiếp tục được duy trì trong 7 tháng đầu năm nay, khi Hong Kong (Trung Quốc) trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 của Việt Nam, với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hai bên đang thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng gồm kinh tế, thương mại, giao thông vận tải, logistics, dịch vụ tài chính và tư pháp.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm ngày 1/8. (Ảnh: Như Ý) |
Tháng 10/2023, Hong Kong (Trung Quốc) chính thức mở thị thực cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, nới lỏng hạn chế đối với việc cấp visa du lịch cho công dân Việt Nam.
Hong Kong (Trung Quốc) đang hướng tới phát triển thành trung tâm quốc tế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, vận tải và logistics, thương mại, pháp lý, đổi mới và công nghệ, sở hữu trí tuệ và hàng không…
Trong lĩnh vực tài chính, Hong Kong (Trung Quốc) có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ tài chính tiên tiến, kết hợp chia sẻ kinh nghiệm cho TPHCM thực hiện kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
Về logistics, hai bên có thể tận dụng vị thế của Hong Kong (Trung Quốc) như một trung tâm vận tải quốc tế để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế.