Tránh bỏ lọt phim vi phạm
Trường hợp phim Ba chị em (Little women) bị gỡ khỏi nền tảng Netflix là một trong những ví dụ về vi phạm thường gặp trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình phổ biến trên không gian mạng. Bộ phim này góp thêm vào loạt phim điện ảnh ra rạp bị cấm chiếu, rút khỏi rạp và phim phổ biến trên mạng vì những lỗi xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam đã chịu án phạt Điệp vụ biển đỏ, Everest - Người tuyết bé nhỏ, Madame Secretary, Vietnam war...
Nhiều bộ phim xuyên tạc, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam bị gỡ bỏ |
Nội dung quản lý phim phổ biến trên không gian mạng từ trước tới nay khá chồng chéo giữa trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Tuy nhiên sau khi Luật Điện ảnh năm 2022 và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết Luật Điện ảnh ra đời cùng với Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình góp thêm công cụ pháp lý vững chắc hơn cho các nhà quản lý.
Trong hội nghị tập huấn sáng 13/10 Phổ biến Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu, dịch vụ phát thanh - truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV VOD) bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam từ năm 2018 với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Nội dung theo yêu cầu (VOD) của doanh nghiệp trong nước do cơ quan có Giấy phép hoạt động truyền hình biên tập chặt chẽ, tuy nhiên các doanh nghiệp nước ngoài chưa chịu sự điều chỉnh toàn diện của các quy định pháp luật.
“Nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm như xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp đến loại dịch vụ này, Bộ TT&TT đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm xử lý vi phạm đối với phim phổ biến trên không gian mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhắc lại quan điểm của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng rằng không gian số là một phần đời sống với nhiều hoạt động đa dạng, vì thế bộ ngành nào quản lý lĩnh vực nào ngoài đời thực sẽ chịu trách nhiệm quản lý trên không gian mạng. Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử giải thích, từ 1/1/2023 khi các quy định điện ảnh về phổ biến phim trên không gian mạng có hiệu lực, Bộ VHTTDL có quyền tuýt còi và yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm chứ không cần gửi văn bản sang Bộ TT&TT.
Cần thêm giải pháp thông minh
Luật Điện ảnh năm 2022 cập nhật nhiều quy định về phổ biến phim trên không gian mạng. Nghị định số 71 của Bộ TT&TT cũng bổ sung những quy định quản lý mới, nổi bật về lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Quy định mới làm rõ dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được quản lý theo quy định của Nghị định, tại Khoản 4 Điều 5 và bổ sung quy định cho phép duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường.
Quy định về quản lý biên tập VOD thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ OTT TV VOD, phân nhóm nội dung để có các quy định biên tập phù hợp. Với nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VHTTDL quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Nghị định 71 tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ phát thanh - truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam sẽ được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh bảo hộ ngược, tránh tình trạng chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước mà “không quản lý” các doanh nghiệp nước ngoài.
Việc cơ quan quản lý nhà nước trao quyền nhiều hơn cho các doanh nghiệp kiểm soát nội dung là chủ trương quản lý theo phương pháp hậu kiểm, cởi mở nhưng không buông lỏng. Tuy thế do khối lượng nội dung đưa lên không gian mạng rất lớn, nhiều chuyên gia đặt vấn đề cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện nội dung vi phạm.
Ông Nguyễn Hà Yên nói rằng bên cạnh kênh thông tin phản ánh nhanh và hiệu quả từ khán giả, một số diễn đàn phim, các nhà quản lý cũng chưa tìm ra công cụ đủ thông minh để quét nội dung hình ảnh, âm thanh và ký tự vi phạm. “Với xu thế công nghệ hiện nay, doanh nghiệp được trao quyền nhiều hơn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện song song biện pháp kiểm tra giám sát và đầu tư công nghệ”, ông Nguyễn Hà Yên nói.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTTDL quản lý phim trên không gian mạng trong một số trường hợp cần thiết và liên quan tới hạ tầng mạng. Trong thời gian tới, hai bộ tính tới giải pháp hình thành trung tâm giám sát phim trên không gian mạng.
Tính đến hết năm 2021, có 22/38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT TV, trong đó 3,9/16,9 triệu thuê bao OTT. Số lượng thuê bao tăng trưởng 29,7% so với năm 2016, tương đương mức tăng 13,1 triệu thuê bao. Doanh thu của OTT TV chiếm 709 tỷ đồng.