Phim Vượt qua bến Thượng Hải : Không làm theo kiểu dơ dở cũng xong

Minh Hải và Mỹ Duyên trong phim
Minh Hải và Mỹ Duyên trong phim
TP - Như Tiền phong Cuối tuần số 19 ra ngày 21- 5 đã thông tin, bộ phim nhựa Vượt qua bến Thượng Hải do Hãng phim Hội Nhà văn VN sản xuất, phối hợp đạo diễn và diễn viên Trung Quốc, đang ở khâu hậu kỳ ở Trung Quốc, dự kiến trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc ngày 27-8 tới. Đầu tháng 6 vừa qua, ê-kip làm phim đã có cuộc giao lưu với báo giới ở Hà Nội.
Minh Hải và Mỹ Duyên trong phim
Minh Hải và Mỹ Duyên trong phim . Ảnh: Đoàn làm phim

Ông Nguyễn Xuân Hưng - Q.Giám đốc hãng phim Hội Nhà văn VN: Vượt qua bến Thượng Hải sẽ chiếu tại hệ thống rạp Megastar từ ngày 27- 8 tới trên cả nước.

Trước khi bắt tay vào làm, chúng tôi tham khảo đoàn phim Thập nguyệt nhi thành (hay còn gọi là Vệ sỹ và sát thủ) hồi đó đang quay tại Trung Quốc. Thập nguyệt nhi thành nói về Tôn Trung Sơn, nhưng Tôn Trung Sơn chỉ xuất hiện 30 giây. Đó là cách làm táo bạo đáng học tập.

Nhưng với Bác Hồ, không thể làm như vậy. Bác phải xuất hiện từ đầu đến cuối. Vượt qua bến Thượng Hải lúc đầu có tên Hành trình qua Ba Bể, kịch bản của Hà Phạm Phú - Lê Ngọc Minh (VN) và Giả Phi (Trung Quốc). Cái tên cũ nghe không thoát.

Ở phim này, chúng tôi đặt vấn đề bằng mọi cách phải phát hành, bởi phim làm ra để lưu kho mỗi năm lôi ra chiếu vài ngày thì không thể gọi là tác phẩm điện ảnh được. Mặt khác, Nhà nước cho 70%, còn chúng tôi phải đi vay 30% kinh phí. Phải chiếu và bán vé mới thu hồi được.

Trước nay chúng ta vẫn ứng xử với phim nhà nước theo kiểu dơ dở cũng xong. Nhận thức đó phải thay đổi. Tại TPHCM, chúng tôi cũng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí như thế này. Họ thẳng thắn nói: Chúng tôi không tin vào chất lượng phim nhà nước đâu, bao giờ chiếu mới đánh giá được.

Phim có một số nhân vật hư cấu như Ngũ Lang - một sát thủ mà Pháp thuê ám sát Nguyễn Ái Quốc, Phương Thảo - em gái Ngũ Lang, y tá chăm sóc Bác khi còn ở Hồng Kông, sau đó tới Thượng Hải để chăm sóc và bí mật bảo vệ Người. Hư cấu để làm tăng yếu tố hấp dẫn nhưng đều hướng đến làm nổi bật nhân cách Hồ Chí Minh.

Bối cảnh chính của phim tại hai thành phố Hạ Môn và Thượng Hải (Trung Quốc), xoay quanh các sự kiện khi Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông năm 1933 và bị mật thám Pháp lẫn Quốc Dân đảng Trung Quốc truy tìm. Nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhờ một mắt xích quan trọng là bà Tống Khánh Linh giúp liên hệ với các nhà hoạt động quốc tế và Việt kiều, đã thoát khỏi vòng vây kẻ thù và sang được Liên Xô.

Có điều đặc biệt ở Triệu Tuấn (VN) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc): họ đều là đạo diễn của hai đài truyền hình trung ương của hai quốc gia. Phạm Đông Vũ đóng phim từ năm 1983, sau đó làm đạo diễn và đoạt nhiều giải thưởng.

Phía VN góp mặt các diễn viên: Minh Hải (vai Nguyễn Ái Quốc), Mỹ Duyên (vai Phương Thảo), Thái Hòa - Đài Truyền hình Canada (vai Ngũ Lang), Quốc Quân (Hổ). Hai diễn viên quan trọng của Trung Quốc là Tào Ngu và Michael. Michael người Đức, đã sống 20 năm ở Thượng Hải, từng đóng phim Tân bến Thượng Hải.

Nhà sản xuất Nguyễn Xuân Hưng: Thể hình, giọng nói đều giống Nguyễn Ái Quốc

Khi chúng tôi đi thử vai, Mỹ Duyên đang diễn mỗi ngày ba suất tại sân khấu kịch ở TPHCM. Tần suất diễn căng như vậy nên Mỹ Duyên quen ngay với cường độ làm việc của đoàn làm phim. Còn Nguyễn Minh Hải là diễn viên Nhà hát Kịch VN, người Nghệ An, thể hình tương đối giống Nguyễn Ái Quốc, giọng nói thì đương nhiên là giống.

Đạo diễn Phạm Đông Vũ: Tôi biết sứ mệnh của Nguyễn Ái Quốc

Lúc đầu tôi không hiểu lắm về Hồ Chí Minh, nhưng càng về sau tôi càng rõ hơn. Mỗi lãnh tụ đều có sứ mệnh, tôi biết sứ mệnh của Nguyễn Ái Quốc là gì.

Về ê-kip VN làm phim này, tôi thấy họ ngang tầm với diễn viên Trung Quốc. Không biết họ hoạt động tại VN thế nào, nhưng sang đây họ tỏ ra rất chuyên nghiệp. Diễn viên hai nước phối hợp rất tốt. Riêng độ chịu rét của nghệ sỹ VN thì phải khắc phục (cười).

Đạo diễn Triệu Tuấn:  Phía Trung Quốc làm việc rất chuyên nghiệp

Trung Quốc làm dịch vụ cho ta, họ không can thiệp sâu vào phim. Diễn viên quần chúng đều của Chiết Giang và Thượng Hải. Ấn tượng chung là phía bạn làm việc rất chuyên nghiệp. Họ bố trí hai xe riêng cho hai diễn viên chính là Minh Hải và Mỹ Duyên, được ở khách sạn riêng.

Nhiều ngày liền đoàn phải quay khi nhiệt độ ngoài trời là 20C. Quay tới sáng. Ai cũng rét run bần bật. Ít thời gian nghỉ, trời lại rét như thế, nhưng cô Mỹ Duyên lại không ngủ được vì sợ bóng tối.

MỚI - NÓNG