Phim Việt được Hollywood mua làm lại: 'Cánh én' báo mùa xuân?

“Vệ sĩ Sài Gòn” dù nhận nhiều khen chê nhưng vẫn xếp thứ 4 về doanh thu phòng vé trong năm 2016
“Vệ sĩ Sài Gòn” dù nhận nhiều khen chê nhưng vẫn xếp thứ 4 về doanh thu phòng vé trong năm 2016
TP - Những ngày này, hàng loạt trang tin quốc tế đưa tin hãng Universal Pictures của Mỹ đã mua và sẽ làm lại bộ phim “Vệ sĩ Sài Gòn” (Saigon bodyguards, ra mắt 2016) của Việt Nam. Thông tin này khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Một số khác thì mơ mộng ngày điện ảnh Việt chinh phục thế giới đã không còn xa.  

Người Việt chê, quốc tế tán thưởng

Được biết, dự án “Vệ sĩ Sài Gòn” được hãng Universal mua lại sẽ do anh em nhà Russo (Anthony Russo và Joseph Russo) từng đạo diễn loạt phim siêu anh hùng thuộc “vũ trụ” điện ảnh Marvel như “Captain America 2: Chiến binh mùa đông”, “Avengers: Cuộc chiến vô cực” và “Avengers: Hồi kết”... sản xuất. Chưa hết, hai vai chính của phim sẽ được giao cho Chris Pratt và Ngô Kinh - 2 nam diễn viên nổi tiếng của màn ảnh quốc tế đảm nhận. Với những thông tin “khủng” trên, thương vụ Hollywood mua lại “Vệ sĩ Sài Gòn” là một sự kiện lớn của điện ảnh Việt.

Tuy nhiên, với khán giả trong nước thì đây lại là thông tin bất ngờ. Không thể không bất ngờ khi bộ phim được Hollywood chọn lại là một tác phẩm từng nhận nhiều lời chê bai ngay từ những ngày đầu công chiếu.

“Vệ sĩ Sài Gòn” xoay quanh cặp nhân vật tên Trịnh (diễn viên Kim Lý) và Viên (diễn viên Thái Hòa). Cả hai là vệ sĩ và họ đôi bạn gắn bó với nhau từ trong công việc cho đến ngoài đời thực. Những xung đột và cao trào bắt đầu khi ông chủ tập đoàn sữa qua đời và con trai ông - thiếu gia Henry - phải tức tốc về nước dự cuộc họp khẩn bầu chủ tịch hội đồng. Cặp vệ sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ thiếu gia không bị bắt cóc. Nhưng rất tiếc cả hai đã thất bại, để cho thiếu gia bị mất tích. Cùng lúc đó, đôi bạn khám phá ra một băng đảng có tên Huyết Lan Hội...

Ngay từ khi chưa ra rạp, “Vệ sĩ Sài Gòn” đã được dân tình sốt sắng chờ đợi và kỳ vọng. Bởi là bộ phim hành động hài, một thể loại dễ ăn khách. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, phim được đầu tư 1 triệu đô, quy tụ những gương mặt nổi bật của thị trường giải trí Việt như: “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa, diễn viên hành động có ngoại hình “như tượng tạc” Kim Lý, hai ngôi sao trẻ có lượng người hâm mộ lớn nhất nhì mạng xã hội Bê Trần và Chi Pu… Phim lại còn được đạo diễn tài năng người Nhật Bản Ken Ochiai “ra tay” nên không khỏi khiến khán giả tò mò. Đó cũng chính là những yếu tố giúp “Vệ sĩ Sài Gòn” có doanh thu phòng vé đạt 39 tỷ, đứng thứ 4 năm 2016.

Sau khi ra mắt, phim được đánh giá có ưu điểm tạo tình huống gây cười, đặc biệt ở những đoạn đối thoại dí dỏm. Phim cũng có những tình huống thường thấy ở các phim xã hội đen. Yếu tố giải trí cũng được thể hiện ở các màn đánh đấm và đuổi bắt. Bộ phim còn ăn khách ở chỗ phác họa được hình ảnh rất Sài Gòn như đua xe với chuồng gà, ném sầu riêng vào mặt đối phương... Với lối diễn tự nhiên, dí dỏm, Thái Hòa đã thực sự “cứu” cả bộ phim, để khán giả thỉnh thoảng vẫn có thể bật cười thoải mái.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, so với những vai hài trước đây, Thái Hòa không có gì đột phá, vẫn là những mảng miếng gây cười đã quá quen thuộc với nam diễn viên này. Một số người cũng cho rằng kịch bản của “Vệ sĩ Sài Gòn” còn non tay. Tuyến truyện rất đơn giản và hầu như không có tình tiết cao trào hay bước ngoặt bất ngờ. Nhiều trường đoạn của phim được xây dựng thiếu kịch tính, lại lê thê khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Nhịp phim đều đều, cùng cách giải quyết vấn đề “đem con bỏ chợ” khiến khán giả chưng hửng. Cách lật tẩy ông trùm cuối nhanh chóng và đơn giản, mang tính gây cười hơn là thuyết phục về logic. Việc bố trí hai nhân vật xa lạ giống nhau như đúc nhưng không giải thích cho người xem được cho là một “lỗ hổng” của phim.

Nhiều nhân vật được gán cho các tình huống hài hước với những cuộc đối thoại hết sức gượng gạo khiến cho phim càng bị mất điểm. Ngoài ra, trong những cảnh cần có cảm xúc, thì lời thoại của các diễn viên lại khô cứng và thiếu thuyết phục. Đặc biệt, khuôn mặt ít biểu cảm, giọng thoại kém linh hoạt của Kim Lý khiến vai diễn của ông xã Hồ Ngọc Hà bị nhận xét là thiếu chiều sâu, “xuất hiện cho đẹp đội hình”.

Mở đường cho điện ảnh Việt ra thế giới?

Dù không được khán giả trong nước đánh giá cao nhưng một kịch bản phim Việt được hãng phim có “máu mặt” ở Hollywood để ý thì chắc “cũng phải có gì đó”. Với vai trò là đồng nhà sản xuất kiêm nam chính của “Vệ sĩ Sài Gòn”, diễn viên Kim Lý cho biết anh khá bất ngờ sau khi mang phim đi chiếu ở Mỹ năm 2018, hãng Universal đã liên hệ để mua tác quyền của bộ phim. “Hollywood mua Vệ sĩ Sài Gòn vì kịch bản phim phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả quốc tế. Phim đề cập đến những vấn đề mà tất cả chúng ta đều có thể gặp phải như tình bạn, tình yêu, gia đình. Bên cạnh đó, phim còn có yếu tố hành động, hài hước – 2 yếu tố kinh điển hấp dẫn khán giả”, nam diễn viên giải thích.

Nói về lý do “Vệ sĩ Sài Gòn” được chọn, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng nhận định đây là bộ phim có kịch bản thú vị, đảm bảo tính giải trí cao cũng như có thể quay ở bất kỳ bối cảnh, quốc gia nào. Vị đạo diễn từng tham gia nhiều dự án phim quốc tế lớn cũng cho rằng, việc chọn một phim nào đó để làm lại sẽ không bị tác động nhiều bởi yếu tố văn hóa của một quốc gia, mà thường người chọn nhắm tới yếu tố kịch bản. Nếu kịch bản hay, có nhiều chi tiết có thể tiếp tục khai thác thì nhà sản xuất sẽ mua lại.

Một đạo diễn giấu tên thì thẳng thắn: “Thường những bộ phim được chọn làm lại là phim hay, kịch bản hấp dẫn, gây tiếng vang ở nước nhà. Tuy nhiên, cũng có những phim được mua đôi khi chỉ vì người ta thấy phim có ý tưởng tốt nhưng cách làm chưa tới, chưa hay và vẫn còn nhiều “đất” để người ta có thể làm sâu hơn, hay hơn. Tôi nghĩ Vệ sĩ Sài Gòn rơi vào trường hợp này”.

“Vệ sĩ Sài Gòn” không phải là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được Hollywood làm lại. Trước Vệ sĩ Sài Gòn là “Cô hầu gái” của đạo diễn Derek Nguyễn. Những người làm nghề lâu năm phân tích, trên thực tế, phim làm lại (remake) đang là dòng phim được Hollywood phát triển trong tình trạng cạn nguồn ý tưởng. Có những bản phim tạo được tiếng vang nhưng cũng có phim làm ra rồi “chìm nghỉm”. Nên hiện tại, còn quá sớm để nói “Vệ sĩ Sài Gòn” có thành công hay không khi được làm lại ở kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới.

Các đạo diễn trẻ thì có vẻ lạc quan hơn. Họ xem sự kiện lần này là cơ hội để điện ảnh Việt tạo được dấu ấn dù nhỏ nhoi trên bản đồ điện ảnh thế giới. Họ nhận ra đã đến lúc, kịch bản phim phải được đầu tư hơn và việc chủ động đưa phim tiếp cận quốc tế để mở ra những cơ hội mới phải được nghĩ đến một cách nghiêm túc hơn.

“Vụ của Vệ sĩ Sài Gòn chứng tỏ điện ảnh Việt Nam ít nhiều đã được một số nước để ý, và những nhà làm phim như tôi có quyền nghĩ đến những mục tiêu xa hơn: chinh phục các hãng phim lớn của quốc tế bằng việc đưa phim chiếu tại các sự kiện điện ảnh hay ngay tại rạp chiếu của nước ngoài”, đạo diễn Hữu Tấn cho biết.

“Cha đẻ” của phim “Bắc kim thang”, “Tà Năng - Phan Dũng” cũng nhận định, ngoài việc chủ động tìm đường đưa phim tiếp cận khán giả quốc tế, các nhà làm phim Việt cần quốc tế hóa kịch bản để có thể làm nên những phi vụ hợp tác lớn hơn trong tương lai. Đó phải là những bộ phim dễ cảm, dễ xem, để dù ở quốc gia nào cũng có thể thưởng thức được. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.