Phim cho những ai đang yêu: Kiếp sau đừng đổi giới tính được không?

Lee Byung-hun vào vai một chàng vụng về si tình bất kể giới tính trong "Cú nhảy định mệnh".
Lee Byung-hun vào vai một chàng vụng về si tình bất kể giới tính trong "Cú nhảy định mệnh".
TPO - Cách đây tròn 20 năm, điện ảnh Hàn Quốc nổ phát súng đầu tiên vào đề tài đồng tính bằng bộ phim Cú nhảy định mệnh (Bungee jumping on their own). Tuy nhiên vẫn còn mang tính chất thăm dò khi để cho tình yêu nam-nam xuất hiện loáng thoáng ở phần cuối phim. Ý tưởng tình cũ gặp lại sau khi đầu thai đã đem về nhiều giải thưởng cho kịch bản và phim sau đó được dựng thành nhạc kịch cũng rất ăn khách.

Mới đây, điện ảnh Thái hưởng ứng bằng bộ phim dựa trên cùng ý tưởng nhưng đảo ngược. Cặp đôi ban đầu là đồng tính nam, sau khi chuyển kiếp mới thành nam nữ. Dew, hãy đi cùng nhau (2019) đưa chúng ta về một thị trấn nhỏ gần Chiang Mai, thuở đất Thái chưa phải là đất hứa của các giới tính thiểu số, còn AIDS đang giống như đại dịch toàn cầu. Các nam sinh được phát hiện có “vấn đề” về giới tính (được coi như mầm mống lan truyền đại dịch) sẽ buộc phải tham dự một khóa huấn luyện tập trung do quân đội tổ chức.

Phim cho những ai đang yêu: Kiếp sau đừng đổi giới tính được không? ảnh 1 Cảnh trong "Dew, hãy đi cùng nhau"

Hơi tiếc đạo diễn không đưa khán giả vào thăm các khóa cải huấn (chỉ biết sau khi được trả về thì trông bộ dạng các cháu rất bơ phờ) có tham vọng bẻ “cong” thành “thẳng” này, vì nội dung phim vẫn lấy ngôn tình làm chính. Phim mở đầu bằng cảnh đường phố vắng lặng trong buổi sớm mai, chỉ có Dew nhảy theo điệu nhạc từ headphone- đạo cụ các phim thường xuyên dùng khắc họa chân dung giới trẻ thập niên 1990. Dew suýt va phải xe máy của Pop, nam sinh cùng trường mà Dew vừa chuyển đến. Và một mối quan hệ không được chào đón bắt đầu.

Theo phim thì thời điểm 1996 ở các đô thị lớn như Bangkok, Chiang Mai, người đồng tính vẫn dễ sống hơn. Còn Pang Noi quá nhỏ, ai cũng biết nhau, nhưng lại không biết phải cư xử ra sao với sự hiện diện của các giới tính thiểu số. Nó trở thành chuyện riêng của gia đình. Với đại gia đình Hoa kiều sống quây quần của Pop, đó là điều không thể chấp nhận và cậu bị bố từ mặt. Còn Dew chỉ có một mẹ một con nên sau một hồi suy tính, mẹ Dew mới nói dù sao thì mẹ vẫn yêu con. Chính phản ứng chậm của người mẹ đã góp phần làm nên bi kịch. Khiến Dew lỡ hẹn hẳn một kiếp với Pop.

Nhưng vì còn nặng nợ với Pop, Dew lập tức đầu thai tại đúng nơi tình cảm hai người nảy nở. Mỗi tội Dew lại thành Lew là con gái. Và Pop lúc này thành thầy giáo chủ nhiệm lớp của Lew. Đáng nói thầy đã vợ con đề huề. Mâu thuẫn ở phần hai của phim đến từ khoảng cách tuổi tác và địa vị thầy/trò.

Phim cho những ai đang yêu: Kiếp sau đừng đổi giới tính được không? ảnh 2 Cảnh đi nhà nghỉ "kinh điển" trong "Cú nhảy định mệnh"

Trong Cú nhảy định mệnh, Lee Byung-hun vào vai một chàng vụng về si tình bất kể giới tính. Cùng thời điểm, ở Hàn Quốc, tình trạng kỳ thị đồng tính nặng nề hơn dẫn đến cái kết bi kịch. Mặt khác cũng vì cặp đôi do tác động mạnh của trải nghiệm về tiền kiếp vững tin rằng có thể lập tức đầu thai để tiếp tục gặp nhau trong kiếp sau nữa. Hoặc chính họ cũng không chấp nhận nổi sự lệch lạc giới tính của bản thân dẫn đến lựa chọn tiêu cực như vậy. Theo đó hành động này giống như phản kháng giới tính hơn là phản kháng xã hội thiếu hiểu biết về giới tính?! Hy vọng cặp tình nhân có thể chủ động quyết định giới tính trong kiếp sau nữa để yêu nhau cho phù hợp với “chuẩn mực xã hội”(?)

Cả hai phim phần nào là tiếng nói phản kháng của tình trạng giới tính tự nhiên (sinh ra đã như vậy) với những lề thói xã hội. Theo đó các giới tính thiểu số bao giờ cũng phải chịu sự áp đặt từ giới tính đa số. Tuy nhiên theo phim Hàn thì giới tính cũng như thể xác chỉ là vỏ bọc. Tình yêu hoàn toàn do linh hồn quyết định. Nhân vật có “bị” đồng tính chẳng qua do lời thề nguyện chung thủy từ kiếp trước. Như thế tính chiến đấu cũng như tăng cường nhận thức xã hội về LGBT sẽ giảm đi ít nhiều. Tất nhiên phim không có trách nhiệm phải đấu tranh cho bình đẳng giới. Bản thân ý tưởng kịch bản của Cú nhảy đã sẵn lâm li, khá lay động và giống như vô tình khiến công chúng quan tâm hơn đến vấn đề đồng tính. Phim nằm trong top những phim nhiều người xem nhất năm đó tại Hàn Quốc và được vô số giải thưởng dành cho kịch bản.

Phim cho những ai đang yêu: Kiếp sau đừng đổi giới tính được không? ảnh 3 Sự chênh lệch về tuổi tác và giống nhau về giới tính đẩy tình yêu giữa hai thầy trò đi tới ngõ cụt.

Dew được thực hiện khi đam mỹ đã trở thành dòng phim đặc trưng Thái Lan được thế giới biết tới. Đạo diễn chính là người tiên phong trong việc đưa nội dung LGBT vào học đường với tác phẩm đình đám Tình yêu trên quảng trường Siam (Love of Siam), nên phần đầu của Dew phải nói là ngọt ngào, diễn tả tình cảm giữa hai nam sinh hết sức tự nhiên. Được biết phần đầu lấy cảm hứng từ chuyện tình không thành của người bạn của đạo diễn. Tình yêu nam nữ ở phần sau được khai thác khá sơ sài. Chưa kể ngoại hình đã qua chỉnh sửa của nữ diễn viên chính ít nhiều làm giảm hiệu quả diễn xuất khi vào vai học sinh trung học. Tương tự phần tình yêu nam-nữ trong Cú nhảy cũng được mô tả kỹ lưỡng với nhiều chi tiết đáng nhớ như cảnh chàng trai dắt được bạn gái vào nhà nghỉ thì... bị nấc.

Sự xuất hiện của người song tính trong phim Thái rõ ràng hơn. Pop có thể yêu cả nam lẫn nữ. Chính vì thế mà việc chuyển đổi giới tính nhờ đầu thai của Dew lại làm cho mối quan hệ của hai người thành ra thuận lợi hơn phim kia. Tất nhiên thuận lợi ở đây là so với tình trạng nhận thức xã hội chứ nếu đã gọi là hợp tự nhiên thì Dew/Lew cũng cứ nên giữ nguyên giới tính kiếp trước để xem Pop có dám bỏ vợ con đến với mình không?!

 
Phim cho những ai đang yêu: Kiếp sau đừng đổi giới tính được không? ảnh 4 Tình cảm trong sáng của Dew và Pop không được gia đình và xã hội chấp nhận.
Dù sao mấu chốt của kịch bản nằm ở chỗ tình yêu kiếp trước mạnh hơn kiếp này khiến cho nam chính sẵn sàng hất đổ cuộc hôn nhân (có vẻ) đang hạnh phúc của kiếp này. Nó làm cho câu chuyện có vẻ quyết liệt và kịch tính hơn. Đặc biệt ở phim Hàn, người chồng sau khi tìm thấy người tình kiếp trước bèn trở mặt đối xử tàn tệ với người vợ hiện kiếp. Chả hóa ra cuộc hôn nhân chỉ tạm bợ cho qua kiếp này?! Nói chung khi bình đẳng nam nữ còn giải quyết chưa xong thì các giới tính thiểu số chả trông mong được ngó ngàng tới.

Sẽ hợp (đạo) lý hơn nếu hai người tình kiếp trước sau khi nhận ra nhau bèn thiết lập mối quan hệ kết nghĩa kiểu “trên tình bạn dưới tình yêu”. Vì khi gặp nhau cả hai bên đều đang ổn thỏa với những mối quan hệ yêu đương và hôn nhân riêng. Nhân vật vị thành niên còn có cả một tương lai phía trước. Việc tái diễn mối quan hệ kiếp trước trong kiếp này rõ ràng gây đau khổ thêm cho vài người liên quan nữa. Và như thế các món nợ phải trả trong các kiếp sau dễ lại chất chồng hơn(?) Vả lại cứ yêu mãi một người hết kiếp này đến kiếp khác chả nhàm chán sao?! Nhưng tất nhiên nếu cứ "hợp lý" như thế thì có khi chính bộ phim lại trở thành nhàm chán trước tiên.

 
MỚI - NÓNG