Những người thích ẩm thực Pháp sẽ ngất ngây trước bộ phim kéo dài hai tiếng rưỡi này. Trong một căn bếp sang trọng từ cuối thế kỷ 19 ngập sắc vàng của nắng, của mật ong, của màu bánh mì, hai diễn viên gạo cội, cặp đôi “vợ chồng cũ” là Benoît Magimel và Juliette Binoche cả ngày chỉ loay hoay cắt tỉa, nấu nướng, nêm nếm… với những cử chỉ, hành động được dàn dựng như một vở ballet.
Hơn cả câu chuyện về ẩm thực, Muôn vị nhân gian còn là câu chuyện về tình yêu. |
Ngay từ cú máy đầu tiên cho đến khi cảnh quay cuối cùng khép lại, có thể nói Muôn vị nhân gian là bộ phim đề cao tính thẩm mỹ thuần túy. Mọi thứ đều được sàng lọc qua ánh sáng, qua ký ức, qua góc nhìn khiến chúng trở nên tuyệt đẹp, đến mức đôi khi mang lại cảm giác không chân thực.
Nhưng hơn cả câu chuyện về nồi chảo, La passion de Dodin Bouffant (tên tiếng Pháp ban đầu của bộ phim) trên hết là một câu chuyện tình yêu. The Taste of Things (tên tiếng Anh của phim) chuyển thể từ tiểu thuyết Pháp La vie et la passion de Dodin-Bouffant, Gourmet (tạm dịch: Cuộc đời và niềm đam mê của Dodin-Bouffant, một người sành ăn).
Phim lấy bối cảnh Pháp ở thế kỷ 19, kể câu chuyện của Dodin Bouffant (diễn viên Benoit Magimel) - một chuyên gia ẩm thực, một người sành ăn và Eugenie (diễn viên Juliette Binoche), phụ bếp riêng, đồng thời là người yêu, người tình và tri kỷ của Dodin. Sau 20 năm quen biết, hai nhân vật đã cùng nhau pha chế những công thức nấu ăn đặc biệt, yêu nhau, sống hòa thuận hoàn hảo nhưng: Eugenie từ chối kết hôn với Dodin.
Nhân vật Eugenie khiến nhiều nhà nữ quyền thổn thức vì tư duy vượt thời đại của cô. |
Những nhà nghiên cứu nữ quyền chắc sẽ thích điều này: Nhân vật Eugénie là phụ nữ sống ở thế kỷ 19, làm công việc nấu ăn nhưng quyết liệt giữ lấy sự tự do của mình.
Tư duy hiện đại của Eugenie khiến nhiều người xem thổn thức. Cô tự tìm được một con đường riêng, xác lập được vị trí của mình và định vị rõ giá trị của bản thân.
Cả bộ phim không có một cú twist đáng kể nào, ngoài cái chết hơi bất ngờ của Eugenie. Về việc tạo ra những cái chết không báo trước và bất thình lình thì Trần Anh Hùng là trùm. Hãy nhớ đến bộ phim gần đây nhất của anh: Eternité được dịch sang tiếng Việt là Vĩnh cửu, có tới hàng loạt cái chết “bất ngờ không tưởng” ở cả người lớn và trẻ em.
Quay trở lại với Muôn vị nhân gian, Eugenie sau khi không còn kiên định tự do nữa, nghĩa là cô chọn cưới Dodin làm chồng, thì cũng là lúc cuộc sống của cô chính thức khép lại theo nghĩa đen. Eugenie chết không lâu sau khi kết hôn, để lại khoảng trống không dễ gì lấp đầy cho Dodin.
Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes lần thứ 76. |
Nhịp phim rất chậm, đến mức sốt ruột. Trong khi tình tiết câu chuyện gần như không biến chuyển, và những lời thoại, đều không phải quá xuất sắc để trở thành những trích dẫn. Có người xem đã nhận xét rằng, xem phim này của Trần Anh Hùng cần một sự kiên nhẫn vô biên, giống như khi ta chờ món bò hầm đúng điệu Pháp.
Ngoài hai nhân vật chính, Muôn vị nhân gian còn một nhân vật thứ ba nữa, chính là món Pot au Feu mà ban đầu suýt trở thành tên phim.
Đây là món thịt hầm quen thuộc của người Pháp, thường sử dụng nguyên liệu chính là bò và rau củ, tất nhiên đôi khi người ta cũng biến tấu khi thay thịt bò bằng thịt bê, gà, chim bồ câu, thỏ… Pot au Feu được giới đầu bếp ví như “tinh hoa của ẩm thực gia đình Pháp” vì độ thông dụng của nó, vừa có thể xuất hiện trên bàn ăn của giới quý tộc giàu sang, vừa có thể hiện diện trong căn bếp chật chội của tầng lớp dân lao động nghèo khó.
Món Pot au Feu trứ danh của Pháp. |
Thông tin thêm là mặc dù được LHP Cannes bảo chứng bằng giải Đạo diễn xuất xắc nhất, ở ngay tại nước Pháp, phim của Trần Anh Hùng vẫn không được chào đón.
Nó thậm chí có ít hơn 180.000 lượt xem trong ba tuần. Việc tác phẩm của Trần Anh Hùng qua mặt Anatomy of Fall (phim đã được công chiếu ở Việt Nam với tên dịch: Kỳ án trên đồi tuyết) của đạo diễn Justine Triet để đại diện nước Pháp tham dự Giải phim quốc tế xuất sắc nhất tại Oscar không nói lên gì nhiều. Câu chuyện này đã được truyền thông xứ lục lăng giải mã là do liên quan đến những phát ngôn chống chính phủ của Justine Triet ngay trong lễ nhận Cành cọ vàng vào năm ngoái.
Những tờ báo hàng đầu của Pháp đều bày tỏ thái độ nghi ngờ với bộ phim ẩm thực này. LeMonde gọi nó là “món hầm khó tiêu của Trần Anh Hùng”.
Tờ Le Figaro đánh giá nó là tác phẩm “căng thẳng và ngột ngạt” với lời thoại “không có hương vị hoặc vị cay”. Còn tờ Le Parisien thì cho rằng Muôn vị nhân gian “lỗi thời, gần như kinh tởm”.
Từ phải qua: Đạo diễn Trần Anh Hùng, đầu bếp Pierre Gagnaire, diễn viên Benoît Magimel trên phim trường Muôn vị nhân gian. |
Đối với những lời chỉ trích bộ phim, Pierre Gagnaire – cố vấn ẩm thực của phim - đã trả lời một cách gay gắt rằng “chính sự chậm rãi đã khiến nó trở nên đẹp đẽ ”.
Vị đầu bếp sở hữu 14 sao Michelin này còn nói thêm: “Ngày nay, chúng tôi đang ở trong tình trạng hoàn thành nhanh chóng trong khi đáng lẽ cần có thời gian để xem phim và nấu ăn”.