Philippines, Trung Quốc sẽ làm gì ở biển Đông?

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhận định, Philippines và Trung Quốc đã và đang đàm phán song phương về khai thác, sử dụng bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây, nhưng trước khi có bất kỳ chính sách đơn phương nào liên quan quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Philippines sẽ có những sự thận trọng nhất định.
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc bay trên Scarborough mà theo phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, ngư dân Philippines có quyền đánh bắt hải sản ở bãi cạn này. Ảnh: PLAAF

Nhiều khả năng sẽ tham vấn các nước ASEAN khác cùng có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và tham khảo các nước quan trọng ở ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Theo giới quan sát, do Philippines đã đánh tín hiệu gần gũi hơn với Trung Quốc để đổi lấy quyền lợi kinh tế (thể hiện qua chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc từ ngày 18 tới 21/10), nên quan hệ Manila-Washington sẽ bị ảnh hưởng. Ông Duterte muốn tự cường, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, không tin Mỹ bảo đảm an ninh cho Philippines, nói xấu lãnh đạo Mỹ, nhưng khả năng hủy thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường với Mỹ không cao.

Theo GS Thayer, nếu sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines giảm đi, năng lực phòng thủ và tác chiến của Philippines giảm đáng kể và Mỹ cũng không muốn rút quân vì như vậy sẽ để hổng sườn biển Đông, không thể kiềm chế Trung Quốc, không thể nhanh chóng triển khai quân để đối phó tình huống bất ngờ trên biển. Năm 1991, sau khi Philippies đóng cửa các căn cứ của Mỹ ở vịnh Subic và Clart, Trung Quốc bắt đầu tăng cường yêu sách chủ quyền đối với Scarborough.

Vì vậy, trong tương lai, Philippines vẫn sẽ đi dây với cả Mỹ và Trung Quốc để vừa được đảm bảo về an ninh-quốc phòng, vừa phát triển kinh tế, nhiều nhà phân tích nhận định. Ngoài là đồng minh bảo đảm an ninh-quốc phòng, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines, nhà đầu tư hàng đầu của Philippines. Trong khi đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng hỗ trợ cho Philippines trong lĩnh vực tăng nhận thức các vấn đề liên quan biển đảo, hàng hải, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển, tiếp tục xây dựng năng lực, GS Thayer nhận định. Mỹ cũng có thể có tác động nhất định với các đồng minh Nhật Bản, Úc để họ hỗ trợ Philippines trong việc bảo đảm an ninh khu vực.

ASEAN cần tăng cường đoàn kết

Theo ông Thayer, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối trong việc thảo luận tác động của phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế đối với họ, đối với an ninh khu vực. Các nước ASEAN nên thúc giục Philippines đứng ra tổ chức họp kín giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để đưa ra các gợi ý chính sách để cùng nhau thảo luận, nhất trí.

GS Thayer và một số chuyên gia quốc tế khác cho rằng, Trung Quốc và Nga sẽ thắt chặt quan hệ an ninh, nhất là sau khi hai nước này mới đây tập trận chung lần đầu trên biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản, Úc, Mỹ khó lôi kéo thêm được đồng minh vào mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Ấn Độ luôn lưỡng lự, Indonesia mới đây từ chối.