Cảnh sát sau đó xác định nạn nhân là Zhou Mei, đến từ Trung Quốc, và những kẻ bắt cóc là đồng hương của cô. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ bắt cóc liên quan đến người Trung Quốc ở Philippines.
Gần như tất cả các vụ việc đều liên quan trực tiếp đến nhà điều hành đánh bạc xa bờ Philippines Pogos, công ty đặt tại Philippines nhưng phục vụ các con bạc ở Trung Quốc, nơi đánh bạc bị coi là trái pháp luật.
Tập đoàn đánh bạc và giải trí Philipines (Pagcor) bắt đầu cấp giấy phép cho Pogo sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016, và chính quyền của ông muốn thu hàng tỷ đô la tiền thuế từ các công ty và sòng bạc trực tuyến. Nhưng theo đó, Philippines trở thành địa điểm mới cho các hoạt động trái phép.
“Philippines đang trở thành thiên đường cho tội phạm và các tổ chức tội phạm Trung Quốc”, Teresita Ang-See, chủ tịch Phong trào khôi phục hòa bình và trật tự, một tổ chức chống tội phạm ở Philippines, nói.
67 vụ bắt cóc liên quan đến đánh bạc xảy ra ở Philippines trong năm 2017, gần như tất cả nạn nhân đều là người Trung Quốc, theo số liệu của Lực lượng chống bắt cóc thuộc cảnh sát quốc gia Philippines. Tuy nhiên, bà Ang-See nói rằng con số thực tế còn cao hơn thế nhiều. “Trước đây thì xảy một tháng một vụ, sau đó mỗi tuần một vụ, rồi 2 vụ một tuần. Giờ thì này nào cũng có 2-3 vụ liên quan đến người Trung Quốc ở trung tâm Manila”, bà nói.
Các nạn nhân là đối tượng bị lừa đảo, bị dụ dỗ đến Philippines để đánh bạc hoặc họ cũng là nhân viên của Pogo. Họ thường được cho vay tiền để đánh bạc, nếu thắng sẽ bị chủ nợ lấy một phần. Nếu thua, họ sẽ bị bắt cóc và chỉ được thả sau khi gia đình họ trả tiền chuộc.
Theo báo chí địa phương, một số nhân viên của Pogo muốn nghỉ việc hoặc chuyển sang công ty khác cũng bị bắt cóc. Báo SCMP đưa tin hồi tháng 9, những đối tượng Trung Quốc phạm tội ở Philippines còn được một số cảnh sát tha hóa của Philippines hỗ trợ. Nhiều nạn nhân được cứu từ chối hợp tác với chính quyền. Zhou Mei, người phụ nữ bị lôi đi ở Makati, là một nhân viên của Pogo, được cứu vài ngày sau đó nhưng từ chối nói chuyện với cảnh sát.
Lực lượng chống bắt cóc của Philippines phải đào tạo thêm nhân sự để đối phó với tình trạng bắt cóc gia tăng. Bà Ang-See nói rằng cảnh sát phải hợp tác với cộng đồng người Philippines gốc Hoa vì cần người phiên dịch.
Tháng 8 năm nay, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố với lời lẽ quyết liệt để kêu gọi Manila trừng phạt Pogos và các sòng bạc tuyển dụng trái phép lao động Trung Quốc và đối xử không đúng mức với họ. Tuy nhiên, vấn đề là Pogos là công ty có đóng góp lớn cho nền kinh tế Philippines. Dựa trên số liệu của Pagcor, Pogos nộp ngân sách 6,1 tỷ peso (118 triệu USD) trong tổng số 67,85 tỷ peso tổng doanh thu của họ năm ngoái.
Giới chức Philippines đối mặt với 3 vấn đề lớn khi xử lý tội phạm liên quan: vài chục, thậm chí vài trăm cơ sở của Pogos mọc lên chỉ sau 1 đêm và hoạt động không có giấy phép, không đóng góp xu nào cho ngân sách. Trong khi đó, lao động từ Trung Quốc không có giấy tờ gia tăng, còn các cơ quan thực thi pháp luật phối hợp không hiệu quả.
Không ai biết Pogos hiện có bao nhiêu cơ sở. Trong phiên điều trần do một ủy ban quốc hội tổ chức về vấn đề đánh bạc và giải trí vào đầu tháng này, Pagcor nói rằng có 72 sòng bạc Pogos được cấp phép, 49 trong số đó đang hoạt động.
Tháng trước, nghị sĩ Joey Salceda nói rằng có ít nhất 100 sòng bạc Pogos đang hoạt động trái phép. Hồi tháng 10, báo Inquirer đưa tin chính phủ trong năm nay đã dẹp gần 200 cơ sở cờ bạc trái phép.
Tháng trước, Tổng thống Duterte yêu cầu tất cả sòng bạc Pogos phải đăng ký và đóng thuế, nếu không ông sẽ nã súng vào họ. “Tôi cho các ông ít nhất 3 ngày, thế là đủ tốt rồi”, ông Duterte nói.
Nhưng tình hình dường như chưa có gì thay đổi. Bất chấp nỗ lực của chính phủ, Pogos rõ ràng vẫn có khả năng mọc lên khắp nơi, bà Ang-See khẳng định.