> Công ty tài chính có thể hợp nhất với ngân hàng
Tuần rồi, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc tổ chức lại tổ chức tín dụng, trong đó đề cập đến cơ chế công ty tài chính có thể “kết hôn” với ngân hàng thương mại, qua sáp nhập hoặc hợp nhất.
Đó là hành lang pháp lý dự kiến bổ sung, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống, đồng thời gợi mở một hướng lựa chọn cho các công ty tài chính về tương lai của mình.
Đồng loạt “giảm cân”
Thử làm một tập hợp về tình hình hoạt động của các công ty tài chính năm 2011, có một điểm chung nổi lên: tổng tài sản của một loạt thành viên sụt giảm mạnh so với năm 2010.
Về tổng tài sản, mức sụt giảm rất mạnh có thể thấy ở Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance), giảm tới 5.216,06 tỷ đồng; hay Công ty Tài chính Cổ phần HANDICO (HAFIC) giảm tới 2.372,66 tỷ đồng; Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) giảm 820,75 tỷ đồng; Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà (SDFC) giảm 369,47 tỷ đồng…
Đây cũng là kết quả chung từ phản ứng co cụm của hầu hết các thành viên trong môi trường kinh doanh xấu đi. Tựu trung, nguyên nhân chính yếu là khó khăn ở yếu tố đầu vào.
Báo cáo thường niên 2011 của một công ty tài chính cho biết, một lý do quan trọng khiến tổng tài sản cũng như lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm 2010 là phải giảm mạnh tài sản sinh lời từ hoạt động cho vay, kinh doanh vốn và đầu tư.
Yêu cầu đó đặt ra không chỉ vì phòng thủ trước rủi ro nợ xấu, mà cao hơn còn là áp lực căng thẳng trong cân đối thanh khoản.
Công ty này cho hay, việc cân đối vốn trên thị trường liên ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt từ quý 4/2011, khi gần như các ngân hàng lớn đồng loạt thắt chặt việc tiếp vốn trên thị trường này.
Trong khi đó, huy động trên thị trường 1 (tổ chức và dân cư) đặc biệt khó khăn, do giới hạn của pháp lý về hoạt động (đối với tiền gửi cá nhân) và nguồn vốn nhàn rỗi của các doanh nghiệp trong hệ thống phục vụ cạn kiệt từ khó khăn chung của nền kinh tế.
Gọi vốn qua trái phiếu cũng không thực hiện được do thị trường vốn suy giảm kéo dài…
Đầu vào eo hẹp ắt nghẹt đầu ra. Tổng tài sản “lao dốc” là dễ hiểu. Có được lợi nhuận, như trường hợp vốn cả nghìn tỷ thu lãi năm 2011 chỉ hơn 4 tỷ đồng, đã là may mắn; nhiều thành viên mức lãi chỉ còn bằng 20 - 30% so với năm trước.
Thực tế đó cũng đang gợi mở một tương lai đầy thử thách đối với các công ty tài chính: gánh một cơ thể nặng với đôi chân đang yếu đi. Thậm chí có trường hợp phải xác định một lựa chọn sống còn.
Không cân sức
Khi sức đôi chân yếu đi, để trụ được, cơ thể phải giảm cân. Tổng tài sản giảm rất nhanh qua các năm 2010 và 2011 tại nhiều thành viên đã rõ. Vấn đề là vì sao chân yếu đi như vậy?
Có nhiều nguyên do, môi trường kinh doanh xấu đi như báo cáo thường niên của thành viên nói trên đề cập càng làm bộc lộ những yếu điểm.
Đầu tiên, vẫn phải nói tới cơ chế của khung pháp lý. Quy định hiện hành không cho phép công ty tài chính huy động vốn từ các cá nhân. Trong khi phân tích của một công ty tài chính cho thấy, xét trên quy mô toàn xã hội, nguồn vốn cá nhân chiếm tới 44% tổng số vốn huy động.
Quan trọng hơn, đây là nguồn vốn có tính ổn định hơn so với nguồn của các tổ chức kinh tế. Mặc dù có thể “lách” qua hoạt động ủy thác, nhưng các công ty tài chính không thực sự nắm được nguồn giá trị này.
Ở đầu vào là các doanh nghiệp thành viên thuộc hệ thống phục vụ (như EVNFinance là các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực, PVFC là các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí), nguồn vốn huy động cũng bị chia sẻ ngày một lớn từ sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Mấu chốt nằm ở đây.
Hiện hoạt động gửi tiền không chỉ đơn thuần theo lãi suất. Cùng lãi suất, sức hút sẽ tạo được bởi các giá trị gia tăng đi kèm. Điểm này, các công ty tài chính lép vế trước các ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng thương mại có một mạng lưới rộng khắp, lớn thì hàng nghìn điểm, vừa cũng 300 - 400 điểm, nhỏ cũng trên dưới 100 điểm. Còn công ty tài chính, lớn nhất là PVFC cũng chỉ có 15 điểm, vài thành viên có từ 3 - 7 điểm, một loạt thì chỉ có duy nhất 1 điểm giao dịch.
Rõ ràng, chỉ riêng việc so sánh “xăng xe” kiểu giao dịch truyền thống cũng đã là khác biệt rất lớn, nhất là trước yếu cầu trải rộng ở các địa bàn trên cả nước.
Mạng lưới quá ít như vậy càng hạn chế năng lực phân phối. Nếu ngân hàng thương mại có loạt kênh phân phối từ quầy giao dịch, ngân hàng đại lý đến các kênh hiện đại như ATM, internet banking, mobile banking, thương mại điện tử…, thì các công ty tài chính chỉ qua mỗi cấp chi nhánh.
Và theo luật định, công ty tài chính không được mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức và cá nhân, trong khi các ngân hàng lại là mạch máu cho hoạt động này với nhiều nghiệp vụ, sản phẩm ngày một hiện đại và cạnh tranh không ngừng. Sức hút nguồn vốn và phát triển dịch vụ cũng năm ở đây.
Xét tương quan các điểm cạnh tranh như vậy, rõ ràng không chỉ ở huy động vốn mà cả cho vay, các công ty tài chính không cân sức so với các ngân hàng thương mại.
Phải hợp sức?
Khi không cân sức trong cạnh tranh, có một hướng đi và đang thể hiện là một số công ty tài chính buộc phải co về phạm vi chủ yếu của mình: hoạt động trong hệ thống trực thuộc và chỉ phục vụ với một năng lực hạn hẹp.
Thế nhưng, với những thành viên có quy mô lớn, từ vài ba chục cho đến cả trăm nghìn tỷ đồng tổng tài sản, việc giảm cân không dễ dàng.
Trong khi đó, đôi chân lại đang đứng trước nguy cơ mất chỗ dựa từ yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tổng công ty, tập đoàn mẹ.
Sáp nhập, hợp nhất công ty tài chính với ngân hàng thương mại là một giải pháp đang đặt ra.
Dự thảo thông tư hướng dẫn việc tổ chức lại tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện khi ban hành sẽ mở ra một cánh cửa như vậy.
Nếu vậy, hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục ít đi về số lượng, nhưng có thêm ngân hàng lớn xét về quy mô sau các cuộc “hôn nhân”.
Nếu vậy, công ty tài chính nào đó thực hiện sáp nhập, hợp nhất sẽ khắc phục được những hạn chế hiện tại, về mạng lưới, các kênh huy động vốn, các kênh phát triển sản phẩm… Câu hỏi còn lại là chất lượng hoạt động sau đó, nếu chuyển đổi, sẽ như thế nào?
Theo Vneconomy.vn