Phía gió biển không còn ai

Phía gió biển không còn ai
TP - Con đường ngập đầy cát dẫn về hướng mặt trời mọc. Rẽ trái hơn trăm mét là đã ra được mé cửa biển. Nơi sông gặp biển gió cứ giần giật thổi. Hương ưỡn ngực hít đầy một ngực gió mặn chát.

Bên kia, về phía bắc là phố thị nhộn nhịp. Nhìn về hướng đông chỉ thấy trời nước mang mang. Xa tít tắp là mịt mù Chiêm Bất Lao mờ ảo. Cách con đường thiên lý Bắc Nam hơn chục cây số nhưng cũng chỉ vì nghịch một con đường mà nơi này trở thành chốn hoang sơ. Khác hẳn cảng thị xô bồ từ những mấy trăm năm ở phía bờ bắc, nơi bây giờ, có gần đến hai người Tây/ một người bản xứ chen chân trên đường phố bất kỳ ngày lễ hội hay không lễ hội. Thế mà nghe nói chính nơi đầy những cát này mới từng là cảng thị một thời của cả một vùng đất rộng lớn. Chút hồi quang của phố thị xa xưa còn hắt bóng đôi chút qua ngôi chùa cổ phía trong xóm Hương vừa ghé khi chiều. Những chuyến hải trình từ nhiều quốc gia qua vùng biển đầy sóng gió và cướp biển này vẫn còn lưu dấu dưới chân các bệ tượng đá, gỗ hay đất nung nơi ngôi chùa cổ lưng dựa vào biển hướng mặt về núi Lan Huệ Sầu Ai ở phía tây mờ xa. Nhiều pho tượng rất lạ, Hương chưa từng thấy bao giờ. Cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi nên khi gặp cứ có cảm giác sững sờ. Nàng đặc biệt chú ý đến những nét thô mộc trên mấy pho tượng tạc từ một thứ đá rất lạ, trắng đục, nham nháp, ở đó, khuôn mặt đức từ bi như chìm hẳn vào trong lòng đá. Và lấp lánh một niềm tin kỳ bí khó giải thích được. Hay những pho tượng các vị thần Tây phương lạ hoắc lạ huơ. Có vẻ như gốc gác các pho tượng đâu tận vùng Trung Á hay một châu lục nào xa xôi. Cũng lạ khi chùa lại thờ những pho tượng cả Phật lẫn thần của không chỉ các hệ phái Phật giáo mà còn là của nhiều tín ngưỡng khác, từ nhiếu nền văn minh khác, xa lạ và cổ xưa. Hương lại nghĩ đến đề tài mình vừa bảo vệ năm trước. Nàng đã tự làm khó mình và cảm thấy không vui vì chẳng đóng góp gì thêm cho khoa học qua mấy năm trời “nghiên cứu”. Nếu sớm đến nơi này nàng đã chọn đề tài khác, thiết thực hơn chăng? Nhưng, rồi liệu có ích gì không khi chính nàng lại đang rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười đầy khốn nạn như vừa trải qua?

Trữ là một kí ức đã mù xa tít tắp. Những ngày ấy đã dày lên, chật chội dần lên tưởng như không thể có gì thay đổi được. Vậy mà vẫn cứ thay đổi, như muốn trêu ngươi. Không nhớ đã bắt đầu từ đâu? Từ sự nhấm nhẳng của Hương mỗi ngày? Hay vẻ mặt nặng nề u ám của Trữ mỗi khi về đến nhà? Những ngày còn trẻ dại không sao thấy hết mọi ngóc ngách cuộc đời. Thêm một năm có vẻ như Trữ càng “nhìn ra” sự trống trải hẫng hụt. Cái cuộc vui kéo dài quá mức chịu đựng của Hương, càng quá sức chịu đựng của Trữ. Ngày ấy, nhiều thứ có thể lấp đi sự thiếu vắng tiếng cười trong trẻo nhưng càng ngày sự thiếu vắng càng dày lên u ám. Khi còn váy xanh áo trắng khăn quàng đỏ bíu vào cổ Trữ nhõng nhẽo những ngày làm đội viên thiếu niên, có bao giờ Hương gợn lên một tình cảnh một ý nghĩ u uất như thế này đâu. Chính họ đã từng làm được cả những chuyện có vẻ như là không thể, thì có gì để phải sợ hãi. Những ngày rời quê lên huyện trọ học canh cánh bên mình nỗi nhớ day dứt. Hay những cuối tuần đạp xe như bị ma đuổi trông mau về để được sà vào vòng tay ấm áp của Trữ. Những lần cùng nhau chèo ghe quanh quẩn hết mấy khu đầm, từ sông ra tận cửa Yến có bao giờ lóe lên trong lòng họ nỗi niềm bất trắc gì đâu. Hay bốn năm dài nhũng nhẵng khi Hương đi học đại học rồi cũng vượt qua. Nhưng đến một lúc... Nỗi bức bách cứ dầy lên mãi. Đến độ... “ hay là cứ em đi tìm?...”, Trữ bật lên không kịp kiềm chế. Hương ngó sững Trữ miệng bất giác mở to không thốt thành tiếng. Nàng nhìn Trữ như nhìn một con quái vật xa lạ. Mọi thứ trong lòng nàng chợt vỡ xủng xoảng như có cả ngàn mớ ly tách ùa xuống sông, vỡ tan tành. Trong thoáng chốc mọi thứ tồn tại trong lòng nàng bao nhiêu tháng năm đâm ra mất hút, tan biến không một tăm tích. Hương rùng mình vì sự thay đổi như là ma xui quỷ khiến trong lòng mình. Cứ thấy như mọi thứ chẳng còn gì tồn tại. Mắt Hương nhìn Trữ như muốn tóe máu. Trong lòng nàng dấy lên sự căm hận tột cùng mà nàng thừa biết lẽ ra không nên thế. Lạ cái là nàng không khóc mà chỉ thấy dửng dưng và trống rỗng. Và nàng đứng lên nhẹ nhàng đi ra đường. Chân không dép và đầu đội trời. Nàng đi về phía bến sông, nhẹ nhàng như đi thể dục buổi sáng. Trữ sợ hãi quýnh quýu bám theo. Nàng dựa lưng vào nhành tràm có tán vươn ra phía mép nước. Có gì động đậy phía mép nước nàng cũng không nhận ra nữa, chỉ thấy có sự gì đó đang thay đổi dưới chân mình. Hình như là nước đang trôi dưới chân hay là cá đang quẫy phía bến thì phải. Nàng ngạc nhiên trước sự tỉnh táo kỳ lạ của mình. Từ lâu nàng hiểu đến một lúc nào đấy sẽ phải kết thúc nhưng không phải như thế này. Đơn giản và nhẫn tâm quá. Trong ngần ấy ngày tháng sống chung giá trị của cuộc sống cũng thay đổi không ít. Người ta quan tâm nhiều thứ khác, lạ hơn và cũng bỏ qua nhiều thứ không thể nói là không giá trị. Thế nhưng tại sao cả nàng và Trữ không có lấy một chút thay đổi nào khả dĩ có thể làm xoay chuyển sự thiếu hụt nơi họ? Có phải chính vì cuộc sống bó hẹp tù túng chậm rãi buồn phiền và nhạt nhẽo họ đang trải qua?

Chính Hương là người rời bỏ cuộc chơi trước. Nàng xin chuyển về một cơ quan ở tỉnh như là cách lìa xa cuộc sống (nàng cho rằng) tù hãm, giam cầm cả những giấc mơ có thực và không có thực của nàng. Rồi nàng theo một khóa học kéo dài đến ba năm. Vẫn cứ muốn có một sự thay đổi quyết liệt và triệt để. Và rồi trong một cơn chếnh choáng đêm cuối cùng của lễ hội văn hóa thể thao miền núi huyện Q, nàng có được K. Được đúng một đêm. Nhưng là một đêm đủ để lại những gì nàng đang khao khát. K đã rủ rỉ rù rì cùng nàng hết một đêm trắng mà nàng thừa biết bởi một nơi chốn buồn chán nhạt nhẽo như thế này quá xa lạ quá hẻo đối với anh. Nàng chỉ là một cách thức lấp đầy những ngày lễ hội mệt nhọc vì công việc nếu không chẳng bao giờ K lưu lại. Trong những chuyện vừa đáng tin vừa đáng ngờ, K bảo rằng anh đã từng một mình lội ra biển trong đêm tối mịt mù giữa trời mưa lắc rắc. Nước ngập đến thắt lưng đến ngực rồi đến tận cổ. Lúc ấy trong anh dậy lên một cảm giác cực kỳ sảng khoái như là đang cùng biển làm tình. Nước miết lên thân thể anh, bó vào thân thể anh đầy nhục cảm. Anh mê muội rướn người tới mãi. Ánh lân tinh từ các phiêu sinh vật trong lòng nước biển phát sáng theo từng bước chân anh càng lúc càng thêm lấp lánh. Anh lướt đi như kẻ mộng du, đầy phấn khích. Nếu không có tiếng kêu thất thanh của con bé cùng tham gia trại sáng tác thiếu nhi với K thì chẳng biết kết cục sẽ ra sao. K bảo sự tồn tại của anh trên thế gian này thực sự mong manh. Hết sức mong manh. Có thể đúng là như thế thật cho đến tận khi anh thật sự rời bỏ thế gian bởi một cơn bệnh hiểm nghèo. Và thêm một lần nữa Hương lại chấp chới.

Khi Hương được tổ chức quy hoạch để đề bạt làm trưởng phòng cũng là lúc người ta tập trung săm soi cuộc đời nàng như với một đứa ca ve giấu làng giấu xóm tung tích xấu xa của mình. Cũng là thời điểm sự chịu đựng của nàng lên đến cùng cực. Và nàng đã dạt tới đây theo kiểu một đứa ca ve lỡ thời thật sự. Cuối cùng Hương vẫn cố tìm tới một nơi chốn xa lạ, yên bình và nàng đã không thất vọng.

Đêm sập xuống thật nhanh. Biển và đêm như đồng lõa rủ rê Hương làm chuyện gì đó không kiểm soát được. Cảm giác bị thúc bách lớn dần trong lòng Hương khiến nàng luôn cảm thấy bứt rứt không yên. Hương bỏ dép chân trần bước ra mép nước. Nàng đi thật khẽ như sợ chạm vào biển. Chung quanh không một bóng người. Rồi nàng loay hoay lúc lâu với chiếc thúng chai khá lớn so với vóc dáng nhỏ bé của mình. Loay hoay mãi rồi cũng đẩy được chiếc thúng ra khỏi mép nước. Nàng vén váy bước lên chiếc thúng chai đang chòng chành và đưa chân đẩy nhẹ vào cây cột rớ gần đấy. Cũng khẽ khàng như sợ biển nổi giận. Chiếc thúng chai lắc lư một lúc rồi từ từ trôi ra phía cửa biển. Chẳng còn ai phía gió biển.

Tiễn biệt trinh nữ

Con bé hàng xóm của hắn đã qua đời một cách tức tưởi. Vì xe cẩu, xe ủi gì đó. Gì chứ các loại xe điên cỡ hung thần xa lộ ấy bây giờ vẫn chạy đầy đường. Nên hắn không ngạc nhiên chút nào, chỉ ngạc nhiên không biết con bé ấy là con nhà ai. Khỉ thật! Cảnh sát giao thông kết luận rằng hai đứa (chết một lúc cả hai đứa chứ không riêng gì con bé hàng xóm nhà hắn) ngã vào xe đang đi trên đường. Tự dưng ngã vào xe. Những hai đứa. Bố thằng nào tin được. Vậy mà hai đứa cứ phải qua đời. Hai trinh nữ lên trời bởi một kiểu chết đầy nghiệt ngã. Còn mấy ngày nữa hai con bé sẽ thi tốt nghiệp trung học. Hơn tháng nữa có khi vào đại học. Có lạ không khi có ông thầy cũ già bảy mươi tuổi đi xe Attila đến viếng tang đứa học trò mới bước qua tuổi mười tám. Hình ảnh ngược đời ấy càng làm cho cái chết của con bé thêm tức tưởi. Trinh nữ. Là thiêng lắm. Bây giờ trên TV thỉnh thoảng có mấy phim Tàu lại nhắc câu dẫu không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm cũng xin chết được cùng ngày cùng tháng cùng năm. Ấy, là chuyện những đôi trái gái oan tình lỡ dở hoặc cố làm ra vẻ duyên tình lận đận cùng thề thốt trước khi cùng tự vẫn. Khó mà đếm hết các kiểu tự tử. Có cả cái kiểu chàng trai bình thản nhìn người yêu nhảy sông chết rồi phủi đít ra về, coi như chẳng có chuyện gì hoặc tự tử chỉ để làm đẹp cho một chiếc cầu sắp khánh thành? Nhưng không phải là chúng nó. Hai đứa chúng nó chẳng dính dáng gì đến mấy câu chuyện vớ vẩn phải nghe hàng ngày chỉ biết rằng quả thực chúng đã ra đi cùng ngày cùng tháng cùng năm cứ như là hai đứa đã từng cùng ngồi chung một bàn, chung một lớp những mười mấy năm trời.

Dù sao đi nữa thì trinh nữ cũng đã về trời.

Hắn chưa kịp biết con bé đã yêu ai chưa, dù nó ở chẳng xa mấy nả. Yêu được, là phúc phận cho nó. Còn chưa? Sao mà nghe xót xa quá đỗi!

Người ta bảo trinh nguyên như con bé sẽ sớm được đầu thai thôi. Mà con bé đã hưởng được gì ở cuộc đời nó đâu mà vội tính đến một “suất đi đầu thai” ở tận kiếp khác, ngoài những chuyện học và học?

Khi bệnh viện kết luận con bé chết vì vỡ tử cung người ta mới nhớ rằng ngoài phận sự một đứa con, một đứa học trò ngoan nó còn phải thêm nhiệm vụ mà người ta bảo rằng đó là thiên chức một người vợ một người mẹ nữa. Giờ thì thôi rồi, Trinh ạ, cháu đã bay về trời!

Vợ hắn gọi điện khi hắn đang dự buổi ra mắt một tập sách liên kết của mấy “nhà” ở một thành phố phía Nam cách xa đến cả một giờ bay. Cuối cùng rồi hắn cũng ớ người ra. À thì ra là như thế. Nó chính là con bé tóc ngắn, môi đỏ như son thỉnh thoảng tới xin xoài nhà hắn!

Hắn mở trang đầu một cuốn sách mới cứng, ký loằng ngoằng, viết thêm: Tiễn biệt trinh nữ! rồi bỗng thừ người ra bởi không biết sẽ gởi vào đâu!

Km 962, ngày 5.7.2011

Phía gió biển không còn ai ảnh 1
Đọc truyện của Lê Trâm như lạc vào một mê lộ, trong đó nhân vật hành động và suy tưởng đan xen. Nhưng chính trong sự “hỗn độn” này, người đọc thấy hiện lên một cuộc sống phồn tạp, không kém phần gay gắt. Trong đó, con người phải vật lộn với cuộc sống, và với chính suy tưởng của bản thân.

Nhà văn quê Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam này hiện đang dạy học tại quê nhà Quảng Nam.

Đã in các tập truyện ngắn: Lai lịch một thành hoàng (Hội VHNT QN ĐN); Tìm lại thời gian (NXB Đà Nẵng); Một giấc hồ điệp (NXB Hội Nhà văn).

Xin trân trọng giới thiệu hai truyện rất ngắn mang giọng điệu rất trẻ của nhà văn xứ Quảng này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.