Phí "lót tay” bóp méo bóng đá Việt

Phí "lót tay” bóp méo bóng đá Việt
TP - Phí chuyển nhượng, trong nhiều trường hợp lên tới cả chục tỷ đồng, khiến số tiền các ông bầu phải chi mỗi năm một tăng.

> Qua con mắt ông bầu, cầu thủ và HLV chỉ là những 'con tốt thí'

“Bầu” Trường (trái) từng tố “cò” Đại (phải) phá bóng đá Việt Nam thông qua “làm xiếc” với những hợp đồng mua bán cầu thủ “bom tấn”. Ảnh: VSI
“Bầu” Trường (trái) từng tố “cò” Đại (phải) phá bóng đá Việt Nam thông qua “làm xiếc” với những hợp đồng mua bán cầu thủ “bom tấn”. Ảnh: VSI.

Theo con tính sơ sơ của Chủ tịch CLB HA.GL Đoàn Nguyên Đức, chỉ riêng 14 đội bóng V.League, kinh phí hoạt động hằng năm đã trên dưới 1.000 tỷ đồng.

Trung bình các CLB phải chi không dưới 70-80 tỷ đồng/năm cho việc trả lương, thưởng, mua sắm cầu thủ…Trong số này, khoản tiền đầu tư vào thị trường chuyển nhượng chiếm một lượng lớn.

Theo báo cáo chính thức của LĐBĐVN (VFF), có những mùa giải, B.Bình Dương, HA.GL, Sài Gòn Xuân Thành hay XM.Hải Phòng, The Vissai Ninh Bình chi trên dưới 20 tỷ đồng chỉ riêng cho việc mua sắm cầu thủ.

Đơn cử như trường hợp trung vệ Phước Tứ khi đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành mùa giải 2010, khoản tiền “lót tay” bầu Thuỵ phải chi cho cầu thủ này được cho là 14 tỷ đồng.

Một số thương vụ đình đám khác như Quang Hải (K.Khánh Hoà đến Navibank Sài Gòn), Như Thành (B.Bình Dương đến The Vissai Ninh Bình), hay Việt Thắng (The Vissai Ninh Bình đến B.Bình Dương) đều có số tiền chuyển nhượng trên dưới
10 tỷ đồng.

Điểm “không giống ai” trong hoạt động chuyển nhượng ở thị trường bóng đá VN, là tiền chuyển nhượng (phí “lót tay” theo cách gọi quen thuộc của giới bóng đá), được chuyển trực tiếp cho cầu thủ, thay vì CLB sở hữu cầu thủ đó như trên thế giới.

Hệ quả trực tiếp của cách mua bán như trên là việc các CLB nhiều tiền tìm cách lôi kéo cầu thủ của đội bóng khác thông qua cách cách thức bất hợp pháp.

Thông dụng nhất là kiểu “rỉ tai” lôi kéo cầu thủ, như phát biểu của GĐĐH CLB SLNA Hồ Văn Chiêm tại hội thảo do VPF tổ chức với 28 đội bóng ngày 3-11 vừa qua.

Quá trình thực hiện một vụ chuyển nhượng không thể thiếu sự tham gia của các thành phần, ngoài cầu thủ còn có HLV trưởng, GĐĐH và người môi giới (“cò”).

Không ít HLV, GĐĐH các đội bóng đã kết hợp với “cò” để trục lợi từ các bản hợp đồng chuyển nhượng.

Tiền hoa hồng cho các bên tham gia, trong nhiều trường hợp có thể lên tới 40% giá trị bản hợp đồng. Vì vậy, số tiền thực nhận của cầu thủ bị giảm đi một khoản lớn.

Đây cũng là lý do khiến cho các hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ những năm vừa qua, thông qua bàn tay đạo diễn của “cò”, được đẩy lên chóng mặt.

Người bị “móc túi” không ai khác chính là các ông bầu. Điều này được chính một số Chủ tịch CLB đứng lên tố cáo thời gian gần đây.

Ở VN, nổi tiếng nhất trong hoạt động chuyển nhượng cầu thủ là GĐĐH CLB Sài Gòn Xuân Thành, Trần Tiến Đại. Ông Đại từng một thời gian làm việc cho bầu Trường của The Vissai Ninh Bình. Ngay sau khi “cò” Đại rời Ninh Bình, bầu Trường đã lên tiếng “tố” ông Đại phá bóng đá VN.

Đi kèm với phí “lót tay” lớn, chế độ lương bổng đối với các cầu thủ và cả HLV cũng ngày một “đội” lên. Lương một cầu thủ hàng “sao” ở những đội bóng lớn có thể lên tới trên dưới 50 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản khác.

Đối với HLV, người đi đầu trong trào lưu đòi tăng lương là HLV Lê Thuỵ Hải,với biệt danh “mr 100”-tức khoản lương 100 triệu/tháng CLB phải trả bắt đầu từ khi dẫn dắt CLB Thể Công năm 2009.

Việc phải đầu tư quá lớn cho thị trường chuyển nhượng đã bóp nghẹt sinh hoạt của nhiều CLB, đặc biệt khi thị trường bất động sản “đóng băng”, tình hình kinh tế khó khăn.

Phí “lót tay”, cả trực tiếp và lâu dài đã gây nên rất nhiều hệ luỵ cho bóng đá VN. Đây cũng là lý tại cuộc hội thảo ngày 3-11 vừa qua, VFF và VPF đã lấy ý kiến các CLB, thống nhất cấm trả tiền “lót tay” cho cầu thủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.