Tôi ngồi chết lặng trên ghế. Màn hình máy tính bỗng dưng nhòe đi, bên cạnh tôi, chồng tôi cũng đang ở trong trạng thái tương tự.
- Đấy, anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi, đừng có chiều con quá. Giờ em đi mà chịu trách nhiệm, anh không can thiệp nữa.
Hình ảnh con bé đang ôm bạn gái trên facebook chập chờn trước mắt tôi, status hiện lên rõ mồn một: “mình sẽ đưa Jenny về ra mắt bố mẹ, mình sẽ quyết định nói tất cả, vì Jenny là cuộc sống của mình”.
Chồng tôi, bằng cách nào đó, anh đã có được facebook của con gái. Đứa con mà hai vợ chồng tôi đã hết lòng yêu thương và chăm sóc. Nó 20 tuổi, nhưng khá trưởng thành và bản lĩnh. Tôi tự hào về con tới mức chồng tôi luôn nhắc nhở: “em đừng chiều con quá, hãy cho nó vào bếp, học hỏi thật nhiều, hãy giúp con trở thành một người phụ nữ đảm đang, anh muốn nó sau này giống em. Anh muốn nó sau này sẽ trở thành một người phụ nữ hạnh phúc và được tôn trọng, vì nó được sinh ra trong gia đình tử tế và có giáo dục”.
Tôi không biết phải làm thế nào với con mình, nó là một đứa ngoan ngoãn, sống có trách nhiệm. Có điều nó không muốn gắn bó với căn bếp và những đồ nội trợ vì nó không thích. Tôi luôn nói với con mình rằng đó không phải là việc con thích hay không mà đó là việc con cần phải làm vì con là con gái. Nhưng con đã nói với tôi “có những thứ con không thích và mẹ cứ ép con làm. Vậy tại sao có những điều con muốn thì mẹ lại không cho con làm?”.
Rồi con bé vùng vằng bỏ đi, để lại tôi với mớ câu hỏi hỗn độn trong đầu. Tôi bị động trước những câu hỏi của con bé, và luôn giật mình lo lắng với những điều hơi “bất thường” về con. Con tỏ ra không thích thú với những cậu bạn trai hay bất cứ người đàn ông nào con gặp. Ban đầu tôi tự hào vì cháu là người đứng đắn, nhưng rồi tôi dần hoang mang vì cháu tỏ ra lãnh đạm và thờ ơ với nam giới.
Linh cảm của người mẹ giúp tôi hiểu rằng, con tôi đang có vấn đề gì đó bất thường. Và đúng như tôi nói, chỉ vài hôm sau chồng tôi đã kéo tôi vào phòng và chỉ lên màn hình máy tính, con gái tôi đang tay trong tay với một cô bạn khác, chúng đang hạnh phúc và muốn đưa về ra mắt bố mẹ.
Tôi đau khổ nhưng con gái tôi chắc còn khổ hơn
Tôi đau khổ, nhưng có lẽ tôi còn nhìn thấy nỗi đau trong mắt con gái tôi còn lớn hơn. Tôi đã né tránh nỗi đau đó rất nhiều ngày nay mỗi khi nói chuyện với con về gia đình và tương lai. Tôi ráo hoảnh gạt bỏ tất cả những thảng thốt và van xin được sống là chính mình của con. Tôi mụ mị cho rằng đó là những điều vớ vẩn và tôi cần phải thay đổi. Tôi từ chối mọi thông tin liên quan đến tình cảm của con gái tôi và luôn tự nhủ với mình rằng đó là những điều không có thật.
Nhìn nụ cười cay đắng của con và dáng đi nặng nề mỗi khi bước lên phòng, tôi cảm nhận sự cấm đoán của vợ chồng tôi đã ngày càng đẩy con đi xa tôi hơn. Tôi không biết tình yêu thương hay sự ích kỷ đã khiến tôi dồn con mình vào con đường này? Tôi muốn con mình hạnh phúc, nhưng mong muốn của tôi đang làm con ngạt thở. Tôi thấy con đang giẫy giụa trong thứ “hạnh phúc” mà vợ chồng tôi vẽ quanh con.
Tôi lên mạng đọc rất nhiều, từ những câu chuyện của các cặp đôi đồng tính đang sống với nhau, từ những vụ án mà thủ phạm là những người đồng tính. Hy vọng rồi lại thất vọng, hy vọng tìm cho con một phương pháp nào đó để giúp con thay đổi, nhưng rồi thất vọng khi thấy rất nhiều người nhiều tổ chức đang lên tiếng bảo vệ những người như con.
Tôi tìm cách trò chuyện với con, tôi chợt nhận thấy, ồ có điều gì thay đổi ở con đâu? Chỉ vì tôi quá lo lắng nên bỗng chốc làm cho mọi thứ rối tung và tồi tệ. Con tôi vẫn thế, vẫn hằng ngày đi học, vẫn cá tính và bướng bỉnh. Tôi chợt nghĩ, nếu con tôi không phải là người đồng tính, có thể con vẫn như thế, vẫn ghét những công việc liên quan đến nấu nướng và nội trợ, giống như tôi. Nhưng có lẽ tôi khác cháu vì cháu mạnh mẽ và biết bảo vệ quan điểm của mình còn tôi thì sống trong chấp nhận và chịu đựng.
Hằng ngày chúng ta cầu nguyện mọi điều tốt đẹp nhất cho con cái mình, nhưng đôi khi chính những hành động và suy nghĩ của chúng ta lại dập tắt những lời cầu nguyện đó và làm cho chúng trở nên vô giá trị với con cái chúng ta.
Chồng tôi đã nhắc nhở tôi lần hai về việc dạy con. Tôi đã nói với anh ấy: “Dạy con là việc của cả hai, đừng đổ lỗi cho mình em. Con không có lỗi vì con không lựa chọn việc mình sinh ra như thế nào. Em cũng không có lỗi vì em yêu thương con bằng cả trái tim mình. Cả hai chúng ta đều muốn con hạnh phúc, hãy để con tự tìm đến hạnh phúc, vì hạnh phúc của con là thứ mà chúng ta không tự lựa chọn được”.
Tôi đã phản ứng lại chồng tôi, nhưng tôi không phản ứng với con mình, dù tôi biết rằng có quá nhiều thứ tôi cần phải nói chuyện với con, quá nhiều câu hỏi mà tôi muốn đặt ra cho con. Nhưng có duy nhất một thứ khiến tôi tin con, rằng bất cứ điều gì con làm luôn luôn có lý do và cần được tôn trọng.
Vâng, khi chúng ta chưa học được cách hiểu về con mình, hãy học cách để yêu thương, học cách để thấu hiểu và học cách lắng nghe. Lắng nghe cuộc sống và lắng nghe con mình. Và mọi thứ sẽ trở nên thật đơn giản và nhẹ nhàng.