Phát hiện ca ‘thai trong thai’ hiếm gặp
> Kinh ngạc trước khả năng bơi của cặp song sinh 9 tháng tuổi
> Tay mọc... trên lưng
Các bác sĩ khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật thành công một trường hợp thai trong thai cực hiếm ở bé trai 10 tuổi.
Bé trai này nhập viện do đau bụng vùng hạ sườn trái. Theo lời người nhà, bé đã đau âm ỉ một tháng nay nhưng mọi người tưởng bé đau bụng bón nên không chú ý. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện có một khối u hình dạng giống một thai nhi thu nhỏ nằm ở hông trái của bé.
Bé được nhập viện và chụp tiếp CT scan bụng, kết quả có một khối u kích thước 14x13x12 cm gồm mô đặc, mô mỡ, mô xương kèm với hộp sọ, cột sống và xương sườn chiếm gần hết hạ sườn bên trái của bé. Dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh và khám lâm sàng, các bác sĩ kết luận đây là trường hợp thai trong thai hiếm gặp.
Khi mổ ra thấy khối u chính là một thai nhi nặng khoảng 1,4kg. ThS.BS Vũ Trường Nhân, phẫu thuật viên chính trong êkíp mổ, cho biết tình trạng “thai trong thai” là khi em bé mới sinh đã có một bào thai khác hoàn chỉnh nằm trong người.
Đây thực chất là những cặp song sinh cùng trứng nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà trong quá trình phát triển của phôi thai xảy ra tình trạng phôi này trùm lên phôi kia khiến phôi nằm trong phôi.
Do vậy, khi sinh ra em bé đã có sẵn một bào thai nằm trong bụng. Y khoa gọi là hiện tượng song sinh phát triển không hoàn chỉnh, rất hiếm với tỉ lệ gặp là một trên nửa triệu ca.
Để đủ điều kiện gọi là thai trong thai thì bào thai được lấy ra trong bụng em bé phải có những bộ phận tay, chân, bộ phận sinh dục... và nhất thiết phải có cột sống. Các trường hợp khác cũng giống thai trong thai nhưng không có cột sống thì không gọi là thai trong thai mà chỉ là bướu quái dạng thai (tỉ lệ gặp nhiều hơn).
BS Nhân cho biết để phòng tránh các dị dạng thai nhi nói chung, trong thời kỳ thai nghén, đặc biệt là ba tháng đầu, các bà mẹ nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia phóng xạ và chỉ dùng thuốc được bác sĩ kê đơn cho sản phụ, không tự ý uống thuốc không rõ loại dù là thuốc bổ, tân dược hay thảo dược.
Sản phụ cũng nên theo dõi thai định kỳ và nên tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, Rubella, thủy đậu trước khi mang thai. Khi siêu âm phát hiện thai nhi có gì bất thường nên được các bác sĩ tiền sản tại bệnh viện nhi tư vấn để có quyết định chính xác về tình trạng của thai nhi sau này.
Theo BS. Trương Anh Mậu
Tuổi Trẻ