Một mẫu của hàng ngàn thiên hà ở các độ tuổi khác nhau được quan sát bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb |
Các nhà thiên văn học sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) vừa phát hiện ra bốn thiên hà xa nhất từng được nhìn thấy, nằm cách Trái đất hơn 13 tỷ năm ánh sáng.
Điều này có nghĩa là các nhà thiên văn học đang nhìn thấy các thiên hà trông như thế nào chỉ 300 đến 500 triệu năm sau Vụ nổ lớn Big Bang, trong giai đoạn sơ khai của vũ trụ gần 14 tỷ năm tuổi.
Một số nghiên cứu gần đây đã tuyên bố rằng, có thể phát hiện ra các thiên hà thậm chí còn già hơn bằng cách sử dụng kính viễn vọng JWST trong vài tháng qua. Tuy nhiên, bốn thiên hà mới được phát hiện lại khác, các nhà thiên văn học đã thực sự xác nhận đây là những thiên hà cổ đại chứ không phải một thiên thể nào khác, hay một thiên hà gần hơn giả dạng một thiên hà xa hơn.
Bốn thiên hà này tồn tại trong thời kỳ tái ion hóa, thời điểm mà các nhà thiên văn học cho rằng những ngôi sao đầu tiên được tạo ra. Sau khi xác nhận được tuổi của các thiên hà, các nhà nghiên cứu đã đo kích thước các ngôi sao của các thiên hà, họ nhận thấy rằng chúng khá nhỏ, ít nhất là so với Dải Ngân hà của chúng ta. Thế nhưng, các thiên hà này cũng đang tạo ra các ngôi sao với tốc độ nhanh – một điều "đáng ngạc nhiên là rất sớm trong vũ trụ", đồng tác giả nghiên cứu Stéphane Charlot nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn Paris, cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, các thiên hà dường như cũng không chứa bất kỳ nguyên tố đặc biệt phức tạp nào, cho thấy các ngôi sao của chúng chưa có thời gian để tạo ra các nguyên tố nặng hơn và thay vào đó chúng được tạo thành từ các nguyên tử hydro và heli ban đầu từ vũ trụ sơ khai.