Ngày đầu xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm

Ông Đinh La Thăng trong phần xét hỏi. Ảnh: TTXVN.
Ông Đinh La Thăng trong phần xét hỏi. Ảnh: TTXVN.
TP - Nhiều diễn biến tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái, Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiều 8/1. Trong số 22 bị cáo liên quan đến vụ án được đưa ra xét xử có ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.

An ninh nghiêm ngặt

Từ rạng sáng, an ninh tại khu vực Toà án nhân dân TP Hà Nội đã được thắt chặt nhằm đảm bảo cho phiên toà diễn ra thuận lợi. Đây là phiên toà thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, chính vì vậy, từ tờ mờ sáng, rất đông phóng viên và người dân đã có mặt tại khu vực cổng toà án trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo quan sát của phóng viên, từ 5h, lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự đã được bố trí tại các nút giao dọc đường Hai Bà Trưng, cổng TAND Hà Nội để linh hoạt phân luồng phương tiện, không cấm phương tiện vào khu phố này tuy nhiên cảnh sát sẵn sàng triển khai các phương án theo kế hoạch. Bên trong khuôn viên toà án, lực lượng an ninh cũng được bố trí từ cổng ra vào cho đến phòng xử.

Đăng ký đưa tin về phiên tòa có 82 phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí. Các phóng viên được bố trí đưa tin tại một hội trường riêng có kênh dẫn truyền trực tiếp và được kiểm tra an ninh chặt chẽ trước khi vào phòng. Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng theo dõi phiên xử tại hội trường báo chí.

Đúng 6h30, đoàn xe đặc chủng (hơn 20 xe) chở ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm lần lượt tiến vào sân toà án. Ngay sau khi thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên toà bắt đầu với phần kiểm tra căn cước bị cáo. Là bị cáo đầu tiên được mời đứng dậy, ông Đinh La Thăng trả lời bình tĩnh, rõ ràng các câu hỏi của thẩm phán đưa ra về căn cước.

Ngoài ra, Tòa cũng tiến hành kiểm tra căn cước đối với ông Trịnh Xuân Giới, bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Giới được triệu tập tới toà với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Một số người liên quan vụ án đã có đơn xin vắng mặt hoặc có giấy ủy quyền cho người khác đến dự phiên toà. Trong vụ án, tòa xác định 2 nguyên đơn dân sự là PVN và PVC.

Sau phần kiểm tra căn cước các bị cáo và những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan, thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân cho biết, do các bị cáo bị truy tố về tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình nên HĐXX gồm 5 người, các bị cáo có thể đề nghị thay thế nếu thấy ai không vô tư, khách quan. Tất cả các bị cáo đồng ý với thành phần HĐXX.

Tiếp đó, đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng dài 44 trang của Viện KSND Tối cao, truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm.

Toà xét hỏi các bị cáo, ông Đinh La Thăng bị cách ly

Trong phần thủ tục, luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh) cho rằng, đây là vụ án lớn phức tạp có nhiều lời khai và hồ sơ, đề nghị tòa cách ly các nhân chứng khi xét hỏi vì quyền lợi của họ xung đột với nhau.

Tiếp sau, luật sư Đinh Anh Tuấn – bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực cho biết ông đã thu thập một số chứng cứ cho thân chủ của mình. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư phải cung cấp cho thẩm phán chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nhưng ông chưa kịp cung cấp. Vì vậy, luật sư Tuấn đề nghị HĐXX đưa ra cách giao nộp chứng cứ tại tòa.

Đối với đề nghị triệu tập thêm ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh văn phòng PVN thời kỳ 2010 – 2011 để làm rõ chứng cứ mới của luật sư Đinh Anh Tuấn, chủ tọa Nguyễn Hữu Huân cho biết, HĐXX sẽ triệu tập thêm người nếu thấy cần thiết.

Đến chiều 8/1, Toà chuyển sang phần xét hỏi. Trước khi HĐXX thẩm vấn các bị cáo khác trong vụ án, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải về phòng cách ly.

Mang tiền xây Nhà máy nhiệt điện để trả nợ

Bị cáo “mở màn” phiên xét hỏi chiều qua là Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC. Được hỏi về hợp đồng EPC số 33 giữa PVC và PV Power để xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thuận khai biết hợp đồng chưa đầy đủ trước khi đặt bút nhưng vẫn ký vì việc này đã xin ý kiến Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh và ký để tạo công ăn việc làm cho PVC.

Bên cạnh đó, ông Thuận cho biết thời điểm đó PVC đang rất khó khăn về tài chính lại nhận một số dự án từ các thành viên của PVN nên muốn ký hợp đồng để lấy tiền trả nợ ngân hàng và dùng cho mục đích khác. Thẩm phán nêu câu hỏi: “Như vậy cứ ký trước, lấy tiền rồi hoàn thiện sau?” Bị cáo Thuận đáp “Đúng”, đồng thời thừa nhận việc ký hợp đồng EPC trên là sai. Về cách tính đơn giá 1,2 tỷ USD của hợp đồng EPC số 33 nói trên, ông Thuận cho biết đơn giá dựa vào tham khảo các nhà máy khác, chỉ là con số tạm tính và dự kiến là ký trước, hoàn thiện sau.

“PVC là đơn vị chuyên ngành xây lắp nhưng để thực hiện dự án như Thái Bình 2 thì chưa thực hiện nhiều. PVC chưa đủ năng lực, điều kiện để thi công” – bị cáo Thuận nói. Tương tự, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC khai PVC đã sử dụng sai mục đích số tiền tạm ứng theo hợp đồng EPC số 33.

Ngày đầu xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm ảnh 1 Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC trả lời hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN.

Ông Đinh La Thăng chỉ đạo tạm ứng trái nguyên tắc cho PVC?

Tại phần trả lời thẩm vấn của mình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN khẳng định ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo tạm ứng cho PVC. Cụ thể, tại một cuộc họp giao ban công trường, ông Thăng có chỉ đạo tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị hợp đồng.

“Khi hợp đồng được chuyển về tập đoàn, có buổi họp, Chủ tịch PVN nói Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo cơ chế đặc thù cần đẩy nhanh tiến độ, tạm ứng cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký” – bị cáo Sơn nói thêm.

Về nội dung ông Sơn khai báo, cáo trạng cũng thể hiện, PVC đã đề nghị PV Power tạm ứng 72 triệu USD. Nhưng với lý do PV Power không đủ năng lực làm chủ đầu tư, nên ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục để PVN thay PV Power làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC. Cáo trạng xác định, tháng 10/2011, PVC mới chính thức là nhà thầu thực hiện EPC dự án Thái Bình 2, nhưng từ tháng 4-7/2011, PVN đã tạm ứng cho đơn vị này 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận tiền tạm ứng, PVC đã mang trả nợ ngân hàng và sử dụng sai mục đích tổng số tiền 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Tiếp đến, bị cáo Trương Quốc Dũng – nguyên Phó TGĐ PVC thừa nhận, trong tiền tạm ứng của Thái Bình 2 chuyển cho PVC, Dũng đã ký chi 2 lần gồm 30 tỷ đồng góp vốn vào một dự án nhà máy xi măng; 10 tỷ đồng để thanh toán tạm ứng nội thất dầu khí để mua vật tư về công trường.

Tuy vậy, ông Dũng giải thích: “Bị cáo nhận nhiệm vụ từ 2008, không được bàn giao gì... Bị cáo có áp lực từ 2 tờ trình của Tổng giám đốc, ý kiến của Trịnh Xuân Thanh phải ứng trước tiền để góp vốn hoàn thiện nhà máy xi măng từ năm 2009. Bị cáo trẻ tuổi, mới nhận công tác nên các anh bảo gì thì nghe”.

“Lúc bị cáo nhận nhiệm vụ, PVC như một con tàu đang đắm, không vớt nổi nên ai vớt được gì thì vớt… Ngân hàng và người đòi nợ nhiều quá, bị cáo hằng ngày chỉ tiếp ngân hàng đòi nợ” - ông Dũng nói thêm…

Hôm nay (9/1), phiên toà tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án.

Theo cáo trạng, hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp, thi công – PV) số 33 xây dựng Thái Bình 2 được PV Power và PVC ký kết trái các quy định của pháp luật. Khi chủ đầu tư dự án được chuyển về PVN, tập đoàn đã chi tiền tạm ứng cho PVC trước khi hoàn thiện hợp đồng EPC mới.

Bị cáo Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng BQLDA Thái Bình 2 khai đã gửi công văn mật lên PVN báo cáo hợp đồng EPC số 33 có sai phạm, đề nghị thanh lý. Tuy nhiên, khi được đối chất tại tòa hôm qua, các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Phùng Đình Thực không thừa nhận việc này. Ông Chương nói thêm, Nguyễn Xuân Sơn từng gửi công văn hỏa tốc yêu cầu BQLDA chuyển khoản tiền tạm ứng cho PVC trong ngày. Ông Sơn thừa nhận nhưng nêu lý do giá thầu được tính bằng USD, nếu qua ngày sẽ bị chênh lệch tỷ giá.

MỚI - NÓNG